Xây dựng nhà ở xã hội: Doanh nghiệp không mặn mà vì nhiều 'rào cản'

GD&TĐ -Nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư cho rằng, mặc dù chính sách hiện hành đã phần nào tạo điều kiện để phát triển nhà ở xã hội nhưng chưa tháo gỡ được những khó khăn hiện nay.

Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư làm nhà ở xã hội. Ảnh minh họa
Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư làm nhà ở xã hội. Ảnh minh họa

Bài 1: Xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội

Bài 2: Xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội: Đánh giá đúng nhu cầu

Kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội

Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội cho rằng, việc phát triển các khu công nghiệp trước đây chúng ta đã tính toán rất kỹ lưỡng và việc giải quyết nhà ở xã hội trong giai đoạn vừa qua khá tự phát, đa số là nhà trọ.

Bây giờ nếu vẫn dùng nhà trọ nhưng nâng lên thành một chính sách để chính những người dân có điều kiện sẽ chuyển đổi thành nhà hiện đại hơn, quy mô tốt hơn, đời sống tốt hơn.

Nếu chúng ta nghiên cứu thật nhanh để ra được chính sách này, những người dân ở các khu công nghiệp được hưởng chính sách đầu tư, thì trong vòng chỉ 2 năm là giải quyết được cơ bản về nhà ở.

“Như vậy, tôi nghĩ nếu chúng ta nâng chính sách cũ thành chính sách mới để hỗ trợ cho các đối tượng, toàn bộ người dân đều vào cuộc thì sẽ tốt”, ông Hội nói.

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group, nêu, việc phát triển nhà ở xã hội là một trong những chính sách nhân văn của Nhà nước ta. Mục đích nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho đối tượng là hộ nghèo, người lao động, công nhân và người có thu nhập thấp.

Mặc dù, chính sách hiện hành đã phần nào tạo điều kiện để phát triển nhà ở xã hội nhưng chưa tháo gỡ được những khó khăn hiện nay. Do vậy, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, ông Trường đề xuất một số cơ chế, chính sách tháo gỡ.

Đó là, về đối tượng được mua nhà ở xã hội, theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở thì đối tượng mua nhà ở xã hội gồm 10 đối tượng là cá nhân mua nhà ở xã hội. Tuy vậy, quy định này trong thời gian qua đã hạn chế nguồn cầu về nhà ở xã hội.

Do vậy, kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội đối với tổ chức, có thể là doanh nghiệp mua nhà ở xã hội để cho cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua hoặc thuê dài hạn. Hoặc bán cho người lao động của chính doanh nghiệp đó mà có nhu cầu với giá ưu đãi.

Đối với trường hợp địa phương đã bố trí quỹ đất dành cho nhà ở xã hội đảm bảo nhu cầu của địa phương, thì cũng xem xét không cần bố trí thêm quỹ đất nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Đối với trường hợp này, doanh nghiệp được phép đóng tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% nhà ở xã hội. Đồng thời, phân quyền cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội rất lâu

Đại diện Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa, chia sẻ, tập đoàn mong muốn ngày càng có nhiều những căn nhà đẹp, có những tiện ích cơ bản cho người thu nhập thấp. Việc triển khai nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội có thể không mang lại lợi nhuận nhiều nhưng có ý nghĩa xã hội to lớn.

“Về phía doanh nghiệp, để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp. Tập đoàn chúng tôi phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội”, Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa nói.

Đại diện Tập đoàn Vingroup đề xuất, chủ doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm nhà ở xã hội xin được cơ chế chỉ định thầu, chứ không đấu thầu. Còn các chỉ tiêu do cơ quan Nhà nước phê duyệt.

Ngoài ra, tất cả các đề án quy hoạch, quy hoạch chi tiết 1/500 phải điều chỉnh lại vì sẽ tăng chỉ tiêu dân số, tăng cả tiện ích xã hội, tiện ích hạ tầng xã hội… Điều này dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, nhưng nếu làm sẽ rất lâu.

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ vào cuộc, cho phép song song với các địa phương điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thì cho phép doanh nghiệp tài trợ. Hoặc tham gia vào điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án nhà ở xã hội để đẩy nhanh tiến độ. Còn các chỉ tiêu, quy hoạch về dân số, hạ tầng do các cơ quan Nhà nước phê duyệt chứ doanh nghiệp không tham gia vào việc này”, ông Phạm Thiếu Hoa nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hoa, hiện nay thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội rất lâu. Được biết qua thông tin của các sở, ngành là tối thiểu 600 ngày hoặc dài hơn. Nên đề nghị những bước nào làm song song được thì cho song song như hồ sơ đấu thầu công khai, lựa chọn nhà đầu tư…

“Chúng ta có thể rút ngắn xuống từ 90 đến 120 ngày để các địa phương công bố các đề án, dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ. Song song với đó, chính quyền thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500, với tinh thần rút ngắn thủ tục hành chính.

Đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư làm nhà ở xã hội bình đẳng, trung thực với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư”, ông Phạm Thiếu Hoa đề xuất.

Đại diện lãnh đạo Becamex Bình Dương là doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh. Trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, khu công nghiệp, đại diện lãnh đạo cho biết luôn kiên định với mô hình phát triển tích hợp theo hệ sinh thái với kim chỉ nam là việc xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao.

Becamex đã xây dựng 64.000 căn nhà ở xã hội hoàn thiện với mỗi căn hộ tối thiểu khoảng 30m2. Tiến tới có thể xây dựng 120.000 căn hộ. Đội ngũ chuyên gia đã tính toán kỹ lưỡng đến từng m2, từng ngôi nhà để bảo đảm chất lượng công trình.

Đồng thời giảm giá thành tối đa để phục vụ cho người lao động có thu nhập thấp. Theo đề án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, Becamex sẽ dành 105ha để tiếp tục xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ