Xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội

GD&TĐ- LTS: Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030. Việc này phải hoàn thành ngay trong tháng 8 này. Đây được xem là chỉ đạo rất cấp bách của Thủ tướng nhằm bảo đảm an sinh cho đời sống người lao động có thu nhập thấp trong thời gian ngắn và dài hạn.

Nhu cầu nhà ở xã hội cho lao động, người thu nhập thấp rất lớn. Ảnh minh họa
Nhu cầu nhà ở xã hội cho lao động, người thu nhập thấp rất lớn. Ảnh minh họa

Để xây dựng và triển khai đề án này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo trước ngày 15/8 về các dự án nhà ở xã hội đang triển khai, các vị trí đất đã có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội nhưng chưa triển khai.

Đồng thời lập kế hoạch triển khai cho thời gian tới với số lượng dự án, căn hộ cụ thể từ nay tới năm 2030. Mục đích để bảo đảm nhu cầu địa phương. Chính phủ sẽ nghiên cứu, tổng hợp, giao kế hoạch cụ thể.

Số lượng nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu

Nêu rõ mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Xây dựng chủ trì.

Đồng thời xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030. Việc này phải hoàn thành ngay trong tháng 8 này.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, nhà ở xã hội là nhu cầu của người dân, người lao động, là yêu cầu của bảo đảm an sinh xã hội.

So với nhu cầu thực tiễn thì số lượng nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó còn nhiều tồn tại bất cập, đặc biệt là qua ứng phó với đại dịch Covid-19 và so với nhu cầu của phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Đây là vấn đề cấp bách và cần có nhiều giải pháp để tiếp tục giải quyết vấn đề và đặc biệt là nổi lên vấn đề công nhân lao động đang làm thuê, ở trọ nhiều, diện tích, điều kiện sống chưa đạt tiêu chuẩn xây dựng. Nhà ở của hộ nghèo chưa đạt tiêu chuẩn sống và nhà thuê, nhà trọ ở xa khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời, giá ở thuê, ở trọ cao so với thu nhập của người lao động.

“Chúng tôi đề nghị Bộ Xây dựng nên rà soát và tính toán lại, tung ra thị trường đến năm 2025 dự kiến trong mục tiêu, kể cả đã và sẽ khởi công mới, khoảng 450.000 căn hộ.

Đến năm 2030 dự kiến là 1.000 căn nhà ở xã hội là chưa phù hợp nhu cầu bởi vì riêng số công nhân lao động ở thuê, ở trọ được hỗ trợ theo Nghị quyết số 11 là 3,4 triệu lao động. Nếu tính cả các gia đình của người lao động thì đã cần diện tích nhà ở, nhà xã hội là 34 triệu m2, chưa tính đến nhu cầu ở nhà ở xã hội cho hàng triệu hộ nghèo và người có thu nhập thấp khác”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhận định.

Về giải pháp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị, nên bổ sung giải pháp phát triển nhà ở xã hội trước mắt cho côngnhân lao động ở hơn 300 khu công nghiệp, khu chế xuất. Mục đích để bảo đảm nhà ở cho 3 triệu lao động khu vực này theo cơ chế cho thuê, cho mua, địa phương bố trí đất đai.

Các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất có trách nhiệm đầu tư để giải quyết vấn đề và cần thiết Nhà nước hỗ trợ vốn, tăng cường cho vay vốn xây dựng, phát triển nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách cho vay được 1 triệu hộ nhưng nhu cầu thị trường còn nhiều hơn nữa.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cũng kiến nghị với Chính phủ, trên bình diện rộng tiếp tục có các chính sách phù hợp về thuế, đất đai, tín dụng. Điều này nhằm tăng đầu tư phát triển nhà ở xã hội, tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách hành chính, giảm chi phí sản xuất nhà ở, làm “mềm” giá nhà ở xã hội trong các thành phố, đô thị và giá nhà nói chung cho người lao động dễ tiếp cận nhà ở xã hội hơn. Tiếp tục hỗ trợ cho cả sinh viên mới ra trường, cho vay để tiếp cận nhà ở với lãi suất, mức vốn, thời gian vay phù hợp hơn.

Phải có quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân rất cần quan tâm. Điều này để bảo đảm hoàn thiện chính sách ưu đãi.

Thực tế, đến nay chính sách phát triển nhà ở xã hội chỉ đề cập đến đối tượng trong khu công nghiệp, chưa có sự tham gia của các đối tượng khác. Trong khi đó lại có các thành phần khác tham gia rất tích cực.

“Lấy ví dụ như toàn bộ các nhà trọ cho công nhân do người dân tham gia vào. Trong các quy định hiện hành chưa có quy định nào có sự tham gia của đối tượng này. Mà số lượng này tại công khu công nghiệp, khu chế xuất đa phần là nhà trọ tự phát của dân”, ông Khang nêu rõ.

Cũng theo ông Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, quan niệm nhà ở, đặc biệt nhà ở xã hội, chính là một phần cấu thành của công tác xã hội. Điều này rất cần sự tham gia, hỗ trợ của Nhà nước.

Do vậy, muốn phát triển cần xác định, có hệ thống cơ chế chính sách cho doanh nghiệp để phát triển nhà ở xã hội. Đối với thành phần là người dân tham gia vào, rất cần có bàn tay của Nhà nước cũng như sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương để bảo đảm cho nhà trọ có tiêu chuẩn, có mật độ… Tất cả những nội dung đó để bảo đảm huy động được các nguồn lực từ nhân dân cả về tiền bạc, đất đai để tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Ông Khang lấy ví dụ, như một thôn ở Bắc Giang có 1.000 dân trong khi đó có 10.000 công nhân trọ thì từ hệ thống rác thải đến mọi thứ đều quá tải thì làm sao có thể bảo đảm được tiêu chuẩn cho công nhân.

Làm sao người dân không có một chính sách ưu đãi nào nhưng vẫn xây nhà ở, nhà trọ cho công nhân được. Và công nhân vẫn phải chấp nhận dù các nhà trọ đó tiêu chuẩn không bảo đảm, diện tích phòng trọ chật hẹp.

Bên cạnh đó là sự vào cuộc của địa phương. Bởi phải có quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội. Từ quỹ đất ấy thì cần có quy hoạch vì rất mất thời gian.

“Qua thực tiễn vừa rồi, triển khai một số dự án tại địa phương, chúng tôi thấy việc sửa một quy hoạch phân khu, chi tiết rất mất thời gian. Thứ nữa là vấn đề giải phóng mặt bằng, nhiều khi các địa phương chưa chuẩn bị, chưa tách được gói giải phóng mặt bằng riêng. Vấn đề kết nối hạ tầng, phải có hệ thống hạ tầng đấu nối mới triển khai được”, ông Khang nêu.

Bài 2: Đánh giá đúng nhu cầu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ