Xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội: Đánh giá đúng nhu cầu

GD&TĐ -Chuyên gia cho rằng, với thu nhập hiện nay của người lao động, việc làm không thường xuyên, theo thời vụ… thì rất khó để bảo đảm tiêu chí mua nhà ở xã hội.

Chính sách nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp chưa riêng lẻ. Ảnh minh họa
Chính sách nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp chưa riêng lẻ. Ảnh minh họa

Bài 1: Xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội

Cần cân nhắc, tính toán kỹ các tiêu chí

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, nhà ở xã hội là trăn trở rất lớn đối với trách nhiệm của Nhà nước và tình hình xã hội. Đây là chủ trương lớn kiên định, đảm bảo quyền của người dân được tiếp cận nhà ở.

Qua rà soát, đánh giá cho thấy, mặc dù được quan tâm nhưng rõ ràng chuỗi cung ứng nhà ở xã hội, trong đó đối tượng là người thu nhập trung bình rất khó tiếp cận nhà ở với giá cả như hiện nay.

Với đồng lương của họ, trong vòng 20 năm, để tiếp cận nhà ở khá khó khăn. Trong khi đó, các đối tượng xã hội thụ hưởng, tính cả đô thị và nông thôn, mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách nhưng vẫn còn nhiều vấn đề.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, quan điểm đối với vấn đề nhà ở xã hội cần sự thống nhất chung để các nhà đầu tư, cũng như đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội không mặc cảm, không hiểu sai.

Có nghĩa là nhà ở xã hội bảo đảm đồng bộ trong quy hoạch về phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị nếu đó là đô thị hoặc nếu ở nông thôn. Không làm tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của nhà ở xã hội khác với nhà ở bình thường. Điều này không có nghĩa hoàn toàn tất cả nhưng về mức độ an toàn, môi trường, hạ tầng, kỹ thuật xã hội thì nhu cầu sống phải bảo đảm được.

“Chúng ta đã có quy hoạch nhà ở đô thị tại nông thôn. Như vậy phải khẳng định, trong quy hoạch đô thị ở nông thôn, hoàn toàn tính toán được. Nhưng hiện nay tôi cho rằng đang rất thiếu.

Nếu lấy tiêu chí trung bình thu nhập khoảng 15 năm có thể tiếp cận mua nhà ở với diện tích tối thiểu, thì từ đó mới xác định được. Vì đây là nhu cầu thực tế và quyền của người dân nên từ góc độ này cần cân nhắc, tính toán kỹ tiêu chí thế nào là đối tượng cần sự quan tâm của Nhà nước để họ có quyền được mua nhà”, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nói.

Cũng theo ông Trần Hồng Hà, nếu tính toán ở đô thị, nông thôn, qua thu nhập chính thức ổn định thì tính toán được. Còn có những thu nhập hiện nay là lao động, việc làm không thường xuyên theo thời vụ… thì không đơn giản. Đối tượng này đều có những yêu cầu và quyền mua, do đó phải đánh giá lại cho trúng và đúng nhu cầu này.

Phải nhìn nhận một điều, hiện nay nhu cầu nhà ở thương mại là rất bình thường và cũng là hoạt động bình thường của thị trường. Nhưng cần cân đối lại với tình hình dân số và dân số tăng thì chúng ta phải đánh giá hai yếu tố này. Từ đó để tính toán, cân nhắc, bố trí quỹ đất cho chuỗi cung ứng thương mại chất lượng cao với chuỗi cung ứng đối với người thu nhập trung bình.

Ông Hà cho biết, hiện đang có sự mất cân đối ở khu vực mà chúng ta gọi là các đối tượng xã hội. Vấn đề này cần phải rà soát, đánh giá lại, từ đó có quy hoạch quỹ đất. Bên cạnh Nhà nước đứng ra lo nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, cũng cần có những ưu tiên nhưng các doanh nghiệp đầu tư bất động sản cũng cần phải có trách nhiệm xã hội.

Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư bất động sản hoàn toàn có thể có những đóng góp, trách nhiệm vào cùng địa phương. Đồng thời, yêu cầu ngoài trách nhiệm sản xuất thì các nhà đầu tư cũng cần phải có trách nhiệm về nhà ở và điều kiện thiết yếu cho người lao động. Vấn đề này cũng phải gắn với trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài.

Còn tồn tại nhiều bất cập

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, có một số khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người có thu nhập thấp. Trên thực tế, mặc dù thời gian vừa qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực này nhưng vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng được yêu cầu, có một số nhóm bất cập.

Theo bà Ngọc, Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn đã quy định cụ thể là phải dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội ngay từ giai đoạn lập, phê duyệt quy hoạch phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.

Tuy nhiên, thực tế vừa qua, công tác quy hoạch cho quỹ đất, đặc biệt nhà ở xã hội, ở các địa phương chưa thực sự được quan tâm. Đó là từ việc bố trí quỹ đất cũng như chưa gắn được trách nhiệm của nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp với phát triển nhà ở cho người lao động.

Liên quan đến việc bố trí sử dụng đất, theo quy định tại Nghị định 100, việc thực hiện quy định dành 20% tổng quỹ đất của các dự án nhà ở thương mại, đô thị đã đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.

Trên thực tế, có bất cập là nhiều nhà đầu tư triển khai các dự án có quy mô dưới 10 ha. Bên cạnh đó, nhiều địa phương thực hiện theo hình thức xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung thay vì thực hiện theo quy định…

Chính sách phát triển nhà ở xã hội theo quy định phải hướng đến tạo lập nhà ở cho các đối tượng có khả năng tài chính phù hợp. Tuy nhiên, việc dành quỹ đất phát triển nhà ở trong các dự án đô thị, thương mại còn gặp nhiều khó khăn.

Bà Ngọc thông tin, cho đến nay, chính sách nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp chưa có chính sách riêng. Hiện đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội nên có những bất cập nhất định.

Về chính sách thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, còn những tồn tại như lợi nhuận trong các dự án thấp.

Ưu đãi cho các chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội thì thực chất nhà đầu tư không được hưởng do các ưu đãi không được tính vào giá thành. Vì thế, chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp. Hiện, không có nhiều quỹ đất sạch, đặc biệt các dự án xa trung tâm, không hấp dẫn các nhà đầu tư…

“Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35 năm 2022, đã có những quy định cơ bản để xử lý vấn đề nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp.

Theo đó, khi xây dựng các danh mục khu công nghiệp, các địa phương buộc phải bố trí ngay quỹ đất cho nhà ở xã hội và các công trình tiện ích cho người lao động.

Các dự án hạ tầng khu công nghiệp phải có quy hoạch xây dựng nhà ở cho người lao động thì mới có cơ sở để giải quyết thủ tục đầu tư. Đồng thời, bổ sung một số cơ chế, chính sách để khuyến khích, ưu đãi nhà đầu tư…”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nêu.

(Bài 3: Doanh nghiệp không mặn mà vì nhiều “rào cản”)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ