Xây dựng môi trường an toàn, đẩy mạnh liên kết vùng để phục hồi ngành du lịch

GD&TĐ - Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, nhiều Đại biểu Quốc hội hiến kế phục hồi, phát triển kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang.

Sớm sửa đổi Luật Đất đai 

Phát biểu về tình hình nông nghiệp, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, cho rằng ngành nông nghiệp đã và đang tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn. Đặc biệt là những tác động của đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp càng lộ rõ những hạn chế, bất cập cần quan tâm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long luôn phải đối mặt với một nền nông nghiệp bất ổn. Mặt khác, đất đai của chúng ta hiện nay manh mún, phân tán gây ra nhiều hạn chế, bất cập trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Do đó, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng việc sớm sửa đổi Luật Đất đai nhằm tạo điều kiện cho người nông dân, các tổ chức dần hình thành những đơn vị sản xuất có quy mô lớn, đồng thời tăng cường liên kết thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giá trị trong sản xuất nông nghiệp là nguyện vọng của cử tri hiện nay.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho biết thêm, vật tư đầu vào cho sản xuất, từ đầu năm 2021 đến nay giá phân bón và nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất không ngừng tăng cao. Giá các sản phẩm nông nghiệp lại bấp bênh đặt ra nhiều thách thức cho người nông dân trong việc tiếp tục duy trì sản xuất, đây là vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh lương thực khu vực và sự phát triển của khu vực cũng như An Giang.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành trung ương cần quan tâm, trước mắt có giải pháp hạ giá phân bón nói riêng và bình ổn các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nói chung một cách căn cơ, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn nhiều hơn vì lợi ích của bà con nông dân nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Liên quan đến đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, đại biểu cho rằng đa phần sản phẩm nông nghiệp chỉ mới đáp ứng được thị trường "dễ tính". Bên cạnh việc nông dân có thói quen làm ăn theo phong trào, không ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, mặt khác, từ khâu chọn giống, sản xuất, chế biến, bảo quản đến khâu tiêu thụ đều chưa được thực hiện một cách đồng bộ. Chính vì vậy, giá cả và chất lượng sản phẩm nông nghiệp của chúng ta chưa có tính cạnh tranh cao trên thị trường khu vực cũng như trên thế giới gặp nhiều thách thức.

Đại biểu đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chiến lược tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai xây dựng những mô hình mới, kết nối cung cầu, tăng cường liên kết vùng một cách hiệu quả hơn, xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách chính quy, chuyên nghiệp hơn nữa để vừa cung cấp sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ cho người tiêu dùng.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng, để nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển thật sự vững chắc, bên cạnh sự nỗ lực của bà con nông dân, của chính quyền địa phương trong khu vực vẫn cần có nhiều vấn đề đặt ra. Cần có giải pháp tổng thể trên tất cả các khía cạnh liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tập trung tháo gỡ.

Theo đại biểu, thứ nhất, vấn đề tích tụ ruộng đất phải chuyển từ nền sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

Thứ hai, nhân rộng những cách làm mới mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Thứ ba, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chính sách phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Thứ tư, xem xét tổ chức lại sản xuất một cách phù hợp là khâu đột phá để phát triển nền nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng gắn liên kết vùng, thành vùng sản xuất lớn.

Thứ năm, quan tâm nhiều hơn đến chính sách cho vùng sâu, vùng xa, những vùng khó khăn, nhất là sau đại dịch COVID-19 nhằm tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp để đảm bảo cho sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân.

Phục hồi và phát triển du lịch

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình 

Góp ý về giải pháp phục hồi và phát triển du lịch, đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, đề nghị Chính phủ cân nhắc hỗ trợ tài chính và đào tạo lại, bảo đảm sự tồn tại của các doanh nghiệp và người lao động.

Cụ thể, cần hỗ trợ tài chính trực tiếp và linh hoạt cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch và người dân kinh doanh du lịch cộng đồng; tăng cường thanh khoản và khả năng tiếp cận các quỹ, nguồn vốn đầu tư, các khoản tín dụng, gia hạn trả nợ...

Tạo cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin hiệu quả, nhanh chóng giữa chính quyền, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội để nhanh chóng đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn và tận dụng các cơ hội cho phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới.

Xây dựng môi trường du lịch an toàn để kích thích nhu cầu du lịch vốn dĩ đang bị “nén” suốt mấy tháng qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm cho rằng giải pháp ưu tiên là ban hành chính sách và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến để tạo sự tin tưởng cho du khách.

Hiện nay, nhiều địa phương trong đó có Quảng Bình đã khởi động lại hoạt động du lịch với các quy định, lộ trình. Do đó cần có quy trình xử lý sự cố xảy ra liên quan đến dich bệnh, đồng thời đánh giá mức độ an toàn. Quy trình này cần được chuẩn hoá trong phạm vi toàn quốc và cần có sự kết nối với các nước để “làm ấm” lại thị trường du lịch thế giới.

Cho biết, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, tổng thu từ du lịch 8 tháng đầu năm 2021 giảm 26,5 % so với cùng kỳ, đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp du lịch về phát triển bền vững, cơ cấu lại từ hoạt động xúc tiến, quảng bá, định vị thị trường, mục tiêu xây dựng sản phẩm phù hợp, ưu tiên xây dựng các gói đẩy mạnh liên kết vùng giữa các địa phương...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.