Góp ý dự thảo đề cương chi tiết Luật Nhà giáo

GD&TĐ - Chiều 17/7, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) tổ chức cuộc họp góp ý dự thảo đề cương chi tiết Luật Nhà giáo (Đề cương).

Toàn cảnh cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp.

Cuộc họp có sự tham gia của đại diện các Vụ, Cục và các cơ quan thuộc Bộ GD&ĐT.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho hay, Chính phủ đã nhất trí thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo và 5 chính sách trong đề nghị xây dựng luật này.

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã xây dựng Đề cương chi tiết. Theo Đề cương này, Luật Nhà giáo được thiết kế 8 chương, 54 điều.

Ông Đức nhìn nhận, tới đây sẽ có nhiều việc phải làm nhằm đảm bảo tiến độ thông qua Chính phủ vào tháng 3/2024 và dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) để có thể thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) Quốc hội khóa XV.

Với tinh thần cầu thị, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục mong muốn lắng nghe nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn, trách nhiệm, tiến tới xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân.

Luật Nhà giáo là bộ luật khó, có tác động lớn trong xã hội. Vì vậy, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục mong muốn, trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các cơ quan, đơn vị trong Bộ GD&ĐT.

Ngoài ra, Cục sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc họp, hội thảo, hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà giáo… về những nội dung của dự thảo Luật. Trên cơ sở, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo trước khi lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân.

Các ý kiến góp ý tại cuộc họp.

Các ý kiến góp ý tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, các ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò nhà giáo và giải quyết những bất cập liên quan đến đội ngũ nhà giáo.

Hầu hết các ý kiến đồng tình với dự thảo đề cương chi tiết Luật Nhà giáo. Các ý kiến cũng ghi nhận Đề cương đã bao quát những vấn đề liên quan đến nhà giáo, bố cục rõ ràng, logic và bám sát thực tiễn.

Một số ý kiến đề xuất, dự thảo Luật cần làm rõ khái niệm về nhà giáo và Luật phải “bảo hộ” nhà giáo trong nước. Ngoài ra, cần thiết kế cơ chế phù hợp để nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề; đồng thời có chính sách thu hút người giỏi (kể cả người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài) có nguyện vọng trở thành nhà giáo.

Các ý kiến cũng đề nghị, xây dựng Luật Nhà giáo cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Luật cũng cần làm rõ cơ chế phân cấp quản lý và cơ chế tuyển dụng giáo viên cũng như tiêu chuẩn về nhà giáo, cùng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi khác.

Theo Tờ trình của Bộ GD&ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà giáo, 5 chính sách được đề cập khi xây dựng dự án luật này gồm:

- Khái niệm nhà giáo, vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ nhà giáo

- Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo

- Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo

- Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo

- Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ