Luật Nhà giáo là hành lang pháp lý để giáo giới vững niềm tin với nghề

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Vai trò của đội ngũ giáo viên có yếu tố quyết định chất lượng giáo dục, việc ban hành Luật Nhà giáo có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

 Luật Nhà giáo là hành lang pháp lý để giáo giới vững niềm tin với nghề.
Luật Nhà giáo là hành lang pháp lý để giáo giới vững niềm tin với nghề.

Ý nghĩa to lớn của việc ban hành Luật Nhà giáo

Theo NGND Lưu Xuân Giới, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh: Sự nghiệp giáo dục có thành công đến đâu, chính đội ngũ các nhà giáo viên sẽ là lực lượng quyết định. Họ là những người đi đầu trong thực hiện các yêu cầu và nội dung của chương trình mới vào nhà trường và đến với từng học sinh. Thế nên, việc ban hành Luật Nhà giáo có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Luật Nhà giáo sẽ là hành lang pháp lý để giáo giới theo đó thực hiện, nhưng cũng là bộ luật điều chỉnh bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của nhà giáo.

Khi Luật ban hành, nhà nước, chính phủ và các cơ quan quản lý các cấp sẽ có căn cứ để đưa ra các chính sách phát triển và chiến lược giáo dục phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý đội ngũ giáo viên. Trong đó có những nội dung liên quan đến hoạt động như: đạo đức nhà giáo, chuẩn nghề nghiệp, chế độ đãi ngộ, chứng chỉ hành nghề, hiệp hội nhà giáo, chính sách thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm... Đây cũng là những nội dung quan trọng được Nghị quyết 29 nêu rõ.

Cô trò Trường mầm non song ngữ Merry Star, Hà Nội.
Cô trò Trường mầm non song ngữ Merry Star, Hà Nội.

Ở nước ta, qua hệ thống văn bản đã ban hành cho thấy Đảng và Nhà nước luôn rất quan tâm đến vấn đề phát triển giáo dục. Giáo dục luôn được quan tâm xây dựng và phát triển. Thực tế cho thấy, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã ban hành nhiều Nghị định, thông tư.... Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo, có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng, có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao...

Động lực nâng chất lượng

NGND Lưu Xuân Giới đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa khi Luật Nhà giáo được xây dựng và ban hành: Xây dựng Luật Nhà giáo là bước đi tất yếu, làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và quản lý đội ngũ nhà giáo. Việc có một bộ luật về nhà giáo trong bối cảnh hội nhập quốc tế không chỉ góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, chất lượng nhà giáo trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục mà còn là động lực để thầy cô giáo gắn bó hơn, trách nhiệm hơn và yêu nghề hơn khi mình được bảo vệ bằng một bộ luật.

Chính vì thế việc xây dựng Luật Nhà giáo cần quan tâm đến các tiêu chí chung của pháp luật về nhà giáo để bảo đảm tính toàn diện, tính đồng bộ, tính thống nhất; phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam và xu thế hội nhập quốc tế.

Luật Nhà giáo phải có tính chất phổ quát, bảo đảm thành công trong việc xây dựng và phát triển giáo dục, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Nhưng bộ Luật Nhà giáo dục cũng phải bao hàm các nội dung phát triển đội ngũ, bảo vệ quyền lợi... là hành lang pháp lý vững chắc để giáo giới vững niềm tin.

Luật Nhà giáo sẽ góp phần động viên nhà giáo gắn bó và thêm yêu nghề.
Luật Nhà giáo sẽ góp phần động viên nhà giáo gắn bó và thêm yêu nghề.

Là Nhà giáo Nhân dân, hiện tham gia Hội thẩm nhân dân tòa án thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, từ nhiều góc độ khác nhau, NGND Lưu Xuân Giới cho rằng Luật Nhà giáo ban hành sẽ là hệ thống pháp luật chính sách giáo dục nói chung, pháp luật về chính sách nhà giáo nói riêng. Do đó xây dựng Luật nhà giáo là việc cần thiết và vô cùng ý nghĩa, nội dung cần phải đáp ứng các yêu cầu hết sức căn bản:

Luật hóa và có các chính sách đặc thù cho đối tượng nhà giáo, phù hợp nghề nghiệp, động viên nhà giáo; Tạo khung pháp lý cho phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục; Có khung chính sách để thực hiện chế độ tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ và tôn vinh và nâng cao vị thế của nhà giáo. Khẳng định vị trí vai trò, quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà giáo. Có chính sách ưu tiên tuyển sinh, đào tạo tuyển dụng, sử dụng đối với nhà giáo; bồi dưỡng, phát triển chuyên môn nghề nghiệp nhà giáo và tôn vinh những tấm gương sáng nhà giáo mẫu mực.

Ngày 7/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 95/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2023. Sẽ xây dựng Luật Nhà Giáo với 5 chính sách quan trọng. Theo đó, 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm: Chính sách 1: Định danh nhà giáo; Chính sách 2: Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Chính sách 3: Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Chính sách 4: Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Chính sách 5: Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.