Xây dựng Luật Nhà giáo cần kiên quyết, khẩn trương

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chuyên gia góp ý những vấn đề cần quan tâm khi xây dựng Luật Nhà giáo...

Cô trò Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP Vũng Tàu) trong một tiết học. Ảnh: INT
Cô trò Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP Vũng Tàu) trong một tiết học. Ảnh: INT

Nhấn mạnh “cần có Luật Nhà giáo”, PGS.TS Nguyễn Trí - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo viên (nay là Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục) đồng thời góp ý những vấn đề cần quan tâm khi xây dựng Luật này. Quan điểm PGS.TS Nguyễn Trí được đúc rút từ hơn 40 năm gắn bó với nghề dạy học và hơn 25 năm làm công tác quản lý tại Bộ GD&ĐT.

Cần kiên quyết, khẩn trương xây dựng Luật Nhà giáo

- Vì sao cần phải có luật dành riêng cho nhà giáo, thưa PGS?

- Tôi cho rằng, không những cần, mà còn rất cần có Luật Nhà giáo. Việc này lẽ ra có thể làm sớm hơn. Tôi nhớ vào những năm đầu thập niên 10 của thế kỷ XXI, Luật Nhà giáo đã được khởi động xây dựng. Một số hội thảo về Luật Nhà giáo, các phác thảo về một số điều khoản trong dự thảo Luật đã được hình thành.

Sau đó vì một số nguyên nhân - trong đó có việc nhận thức chưa đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về vai trò, vị trí, sứ mệnh… của đội ngũ nhà giáo mà cha ông ta đã đúc kết, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết luận thành các quan điểm chỉ đạo việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo trong các chỉ thị, nghị quyết - dẫn tới công việc trên bị dừng lại. Nay công việc trên lại tái khởi động. Tôi hoan nghênh và mong muốn việc xây dựng cần tiến hành một cách kiên quyết, khẩn trương hơn, để Luật được ban hành trong thời gian không lâu nữa.

Các chuyên gia trong, ngoài ngành, nhất là đông đảo nhà giáo tâm huyết đã phân tích nhiều lý lẽ thuyết phục dẫn tới kết luận cần phải có Luật Nhà giáo. Tôi tán thành và ủng hộ các ý kiến đó. Với hiểu biết và kinh nghiệm của mình, tôi xin viện dẫn thêm vào các lý lẽ như sau:

Đội ngũ nhà giáo rất đa dạng, bao gồm nhiều nghề khác nhau, làm việc ở lĩnh vực dạy học khác nhau, nhưng có chung một danh xưng là “nhà giáo”. Dạy trẻ mầm non, tiểu học, THCS, THPT, dạy nghề, dạy đại học… là những nhóm nghề khác nhau trong ngành Giáo dục. Điều này cũng giống như việc phân chia các nghề trong nhiều ngành như y tế, kỹ thuật… Cùng chữa bệnh trong bệnh viện, cùng được gọi là “bác sĩ” nhưng bác sĩ ngoại khoa, bác sĩ răng miệng, nhãn khoa, tim mạch… là những nghề khác nhau. Các quy định về nhà giáo trong bốn bộ luật về giáo dục hiện nay chưa bao quát hết mọi nghề dạy học khác nhau ở nhiều cấp học, ngành học.

Hiện, các quy định với đội ngũ nhà giáo trong cơ sở tư thục (số này chiếm 7% trong tổng số nhà giáo, chắc chắn vài năm nữa sẽ tăng lên nhiều), cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, nhà giáo trong các cơ sở dạy nghề, nhà trẻ tư thục, tư nhân… còn rất sơ sài, nhiều khoảng trống.

Một ví dụ, câu hỏi sau chưa có căn cứ pháp lý để trả lời: Những người trông giữ trẻ trong các lớp trẻ tư nhân, những người dạy nghề trong cửa hàng sửa chữa kiêm dạy nghề tư nhân… có được coi là giáo viên không? Họ được hưởng quyền lợi và phải thực hiện các nhiệm vụ gì của người giáo viên? Đó là chưa nói tới các quy phạm pháp luật đối với nhà giáo khi xảy ra biến động của nghề dạy học do sự phát triển của trí tuệ nhân tạo…

Đội ngũ nhà giáo có số lượng đông đảo. Tính đến năm học 2020 - 2021, tổng số nhà giáo trong cả nước là trên 1,4 triệu người; phân bố rất rộng, từ các thành phố lớn đến thôn bản heo hút miền biên giới, hải đảo xa xôi, do sự quản lý của cấp chính quyền khác nhau (từ cấp Bộ đến cấp tỉnh, quận huyện, phường xã…).

Vì thế, cách quản lý ở một số nơi, một số cấp chưa tạo được sự nhất quán. Trong khi đó, khi có sự cố xảy ra, như đại dịch Covid-19 vừa qua, đội ngũ nhà giáo nói chung, nhất là giáo viên ở các cấp học mầm non, tiểu học, giáo viên tư thục, những người trông giữ trẻ, dạy nghề ở các lớp dạy nghề tư nhân… chịu nhiều thiệt thòi mà thiếu một cơ sở pháp lý để họ tự bảo vệ và để xã hội bảo vệ họ.

Sự đa dạng và phức tạp đó đòi hỏi cần có một bộ luật chung về nhà giáo để điều chỉnh toàn bộ quá trình quản lý xây dựng, phát triển, bảo vệ và sử dụng… cũng như quá trình hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ này trên phạm vi cả nước theo luật lệ thống nhất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

PGS.TS Nguyễn Trí.

PGS.TS Nguyễn Trí.

Xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ nhà giáo

- Hiện, quy định về nhà giáo nằm ở nhiều văn bản. Có ý kiến cho rằng, quy định tản mạn thiếu đồng bộ như vậy không thuận lợi cho việc thực hiện, nhiều quy định có hiệu lực pháp lý không cao. PGS nghĩ sao về điều này?

- Tôi không những đồng tình, mà còn thấy nhận định trên chưa nêu đủ các hạn chế của thực trạng các quy định về nhà giáo bị tản mạn, thiếu đồng bộ do chưa có một luật chung. Vì thế, nhiều quy định về nhà giáo có hiệu lực pháp lý không cao. Một số cấp chính quyền và ngay cả cấp quản lý giáo dục chưa nghiêm túc thực hiện. Không những thế, nhiều khoảng trống pháp lý trong xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản lý đội ngũ nhà giáo cần khắc phục như đã nói ở trên. Các bộ luật giáo dục hiện nay cũng chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về sự tự chủ trong chuyên môn của giáo viên, phương pháp quản lý chuyên môn, phát huy sự sáng tạo của giáo viên…

- Vậy PGS mong muốn những bất cập gì liên quan đến đội ngũ nhà giáo sẽ được giải quyết khi xây dựng Luật Nhà giáo?

- Trước tiên, tôi mong muốn đây là bộ luật cơ bản, nền tảng, đề cập đến tất cả vấn đề liên quan đến đội ngũ nhà giáo. Bộ luật được xây dựng theo tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “dĩ bất biến ứng vạn biến”, có thể dùng bộ luật này để xây dựng, phát triển, bảo vệ và quản lý đội ngũ nhà giáo từ nay về sau.

Từ lâu chúng ta đã nói tới ba yếu tố quan trọng: “Xây dựng, phát triển, quản lý” đội ngũ nhà giáo. Tôi muốn thêm vào yếu tố thứ tư: “Bảo vệ” đội ngũ này. Yếu tố này cần được quan niệm theo cả hai chiều. Một là chống lại tình trạng xâm phạm đến nghề nghiệp, phẩm chất, danh dự, sức khỏe… nhà giáo. Hai là nhà giáo cần tự tu dưỡng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, phát triển và cập nhật kiến thức chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học và giáo dục… để đủ khả năng hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của nhà giáo.

- PGS có góp ý gì khi xây dựng Luật Nhà giáo hay không?

- Phần trên tôi đã trình bày ý kiến cá nhân liên quan đến một vài vấn đề nội dung của luật. Ở đây tôi chỉ nêu một kiến nghị về phương pháp xây dựng luật. Tôi mong Luật Nhà giáo thì mọi nhà giáo phải được, phải có quyền góp ý vào từng điều khoản trong văn bản dự thảo luật. Để khi luật ban hành, mọi nhà giáo đều thấy ý kiến của mình được phản ánh trong đó.

- Xin cảm ơn PGS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.