Xây dựng Luật Nhà giáo giúp tháo gỡ nhiều bất cập

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đã có dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó đề xuất nhiều chính sách đối với đội ngũ.

Xây dựng Luật Nhà giáo để hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc. Ảnh minh họa
Xây dựng Luật Nhà giáo để hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc. Ảnh minh họa

Giáo viên và các chuyên gia cho rằng, xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết nhằm giải quyết những khó khăn, bất cập đang tồn tại.

Danh có chính, ngôn mới thuận

Với 26 năm đứng trên bục giảng, cô Châu Thanh Tuyền - giáo viên Trường Tiểu học A An Phú (Tịnh Biên, An Giang) trải qua nhiều cung bậc cảm xúc của nghề dạy học. Điều mà cô trăn trở, hiện có quá nhiều văn bản của cơ quan có thẩm quyền các cấp quy định trực tiếp hoặc liên quan đến đội ngũ nhà giáo dẫn đến chồng chéo. Nhiều lúc, cô Tuyền hoang mang không biết áp dụng văn bản nào mới đúng.

“Rất vui là Bộ GD&ĐT đã có dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo. Đây là động thái tích cực cho thấy, Bộ luôn quan tâm, thấu hiểu và đồng hành với đội ngũ. Dù mới là dự thảo, nhưng chúng tôi rất vui và mong những đề xuất của Bộ GD&ĐT sớm thành hiện thực, đáp ứng mong mỏi và kỳ vọng của đội ngũ nhà giáo trên cả nước” - cô Tuyền bày tỏ.

Theo cô Tuyền, hiện các chính sách tiền lương đối với nhà giáo còn nhiều bất cập. Dù đã được quan tâm nhưng chính sách này chưa phù hợp với vị trí, vai trò của nhà giáo; chưa tạo động lực để đội ngũ gắn bó với nghề. Nếu coi nhà giáo là nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, nhân lực của nhân lực thì điều kiện làm việc của đội ngũ cần được đầu tư xứng đáng. Chính sách tiền lương, các chế độ đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng đối với nhà giáo cũng cần có quy định riêng, tương xứng với vị thế và đặc thù lao động.

Cô Tuyền cho rằng, cần có Luật Nhà giáo nhằm giải quyết những vấn đề nêu trên. Đặc biệt, hạn chế tối đa việc phải ban hành các văn bản hướng dẫn để Luật có thể nhanh chóng, dễ dàng đi vào cuộc sống.

Làm việc trong môi trường ngoài công lập, cô Đinh Thị Hậu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Linh (TP Sơn La, Sơn La) nhận thấy, hiện chưa có đầy đủ chế tài về quản lý nhà giáo ngoài công lập. Các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là Luật Viên chức chủ yếu quản lý đội ngũ nhà giáo đã được tuyển dụng vào theo biên chế.

Trong khi đó, trước áp lực về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì giải pháp để giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng là mở rộng hệ thống giáo dục ngoài công lập. Tuy nhiên, chính sách đối với nhà giáo công tác trong hệ thống này chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, cô Hậu mong muốn sớm xây dựng Luật Nhà giáo để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà giáo ngoài công lập.

Cô - trò Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Cô - trò Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Khẳng định vị trí

Theo bà Dương Minh Ánh - đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội, chúng ta đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; trong đó có nhiều môn học mới nhưng chưa được bố trí đội ngũ giáo viên. Đồng thời, số lượng nhà giáo bị thiếu hụt do nghỉ việc, chuyển việc sau đại dịch Covid-19 đã làm tăng áp lực đối với nhiều địa phương, trong đó đặc biệt là giáo viên mầm non.

Ngoài ra, do áp lực công việc ngày càng lớn, yêu cầu về tiêu chuẩn của nhà giáo càng cao nhưng chính sách tiền lương lại chưa tương xứng với công sức mà họ bỏ ra, dẫn đến tình trạng “chảy máu” chất xám, không giữ chân được người tài giỏi trong lĩnh vực giáo dục. Sinh viên được đào tạo bài bản nhưng ra trường không mặn mà với nghề giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non. Điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn cho tương lai. Từ những vấn đề nêu trên, bà Dương Minh Ánh đề nghị Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu sớm đưa Luật Nhà giáo vào xem xét tại các kỳ họp tới và thực hiện đúng chủ trương Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương.

Tán thành với việc cần xây dựng Luật Nhà giáo để tháo gỡ những khó khăn, bất cập đối với đội ngũ, GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, khi có luật thì cả xã hội phải tuân theo, từng người dân sẽ có trách nhiệm thực hiện và chăm lo cho đội ngũ nhà giáo.

Có Luật Nhà giáo, mỗi thầy cô sẽ tự soi mình để rèn giũa, nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp. Trên hết, nhà giáo sẽ được xã hội tôn vinh xứng đáng. Ngoài ra, chúng ta cần xây dựng hệ thống quản trị nhà trường thật quy lát để phát huy tính tự chủ của từng cơ sở giáo dục. Xây dựng Luật Nhà giáo cũng góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống quản trị nhà trường.

Theo dự thảo Tờ trình của Bộ GD&ĐT gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ đề xuất một số chính sách liên quan đến nhà giáo, gồm: Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; Phát triển nghề nghiệp nhà giáo; Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo; quản lý Nhà nước về nhà giáo.

Khẳng định, xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết, dự thảo Tờ trình nhấn mạnh, việc xây dựng luật này nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo. Đồng thời, tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và đóng góp tốt hơn cho ngành Giáo dục, đất nước. Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm định hướng chính trị đúng đắn đối với công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo. Nâng cao nhận thức xã hội, trách nhiệm của các cơ quan xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ cơ bản về nhà giáo với giá trị pháp lý cao, tương đối ổn định, phù hợp phát triển giáo dục. Qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục nói riêng, hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền nói chung. (Trích dự thảo Tờ trình của Bộ GD&ĐT gửi Chính phủ).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.