Xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo từ kinh nghiệm thế giới

GD&TĐ - Một số nước chưa có luật riêng, mà có những chính sách khác nhau quy định chung về nhà giáo...

Giáo viên được trao quyền trong việc tổ chức dạy và học thông qua các văn bản luật liên quan đến nhà giáo. Ảnh: INT
Giáo viên được trao quyền trong việc tổ chức dạy và học thông qua các văn bản luật liên quan đến nhà giáo. Ảnh: INT

Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ba Lan ban hành luật, đạo luật riêng dành cho giáo viên nhưng một số nước chưa có luật riêng, mà có những chính sách khác nhau quy định chung về nhà giáo. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ nhà giáo luôn được quan tâm và định hình rõ ràng.

Nâng cao địa vị xã hội cho giáo viên

Trung Quốc đã ban hành nhiều văn bản luật trong lĩnh vực giáo dục như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục bắt buộc, Luật Giáo dục Đại học, Luật Nhà giáo... Trong đó, Luật Nhà giáo tại Trung Quốc, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1994, đã góp phần bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ giáo viên, nhân viên trong ngành Giáo dục.

Luật Nhà giáo Trung Quốc gồm: Quy định chung; Quyền và Nghĩa vụ; Tư cách và Việc làm; Tu dưỡng rèn luyện; Đánh giá; Quyền lợi vật chất; Khen thưởng; Trách nhiệm pháp lý; Điều khoản bổ sung.

Theo đó, tại Chương I, Quy định chung, ghi rõ Luật Nhà giáo được xây dựng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà giáo, xây dựng đội ngũ nhà giáo có phẩm chất đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ và thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục. Luật này áp dụng đối với giáo viên tham gia giáo dục và giảng dạy tại các cơ sở giáo dục thuộc nhiều cấp học, loại hình...

Không chỉ nhấn mạnh nhà giáo phải được tôn trọng, Luật Nhà giáo chỉ rõ chính quyền các cấp phải áp dụng biện pháp tăng cường giáo dục tư tưởng, chính trị và bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên, cải thiện điều kiện sống và làm việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nâng cao địa vị xã hội của giáo viên. Theo Luật Nhà giáo, ngày 10/9 hàng năm được chọn là Ngày Nhà giáo Trung Quốc.

Ngoài ra, giáo viên được quy định các quyền như tiến hành hoạt động giáo dục và giảng dạy, thực hiện cải cách và thử nghiệm trong giáo dục và giảng dạy. Giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật, tham gia các hội học thuật chuyên nghiệp và thể hiện đầy đủ quan điểm của mình trong hoạt động học thuật.

Luật Nhà giáo Trung Quốc cũng quy định rõ về điều kiện để đạt trình độ chuyên môn cho giáo viên. Đơn cử, giáo viên tiểu học phải tốt nghiệp THPT trở lên. Giảng viên đại học phải tốt nghiệp đại học hoặc các chương trình sau đại học...

Bên cạnh đó, Luật Nhà giáo cũng quy định rõ trường hợp lăng mạ, hành hung giáo viên, tuỳ mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc phạt tiền; người gây thiệt hại hoặc bị thương phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, còn nhiều trách nhiệm pháp lý khác nhằm bảo vệ an toàn cho giáo viên; đồng thời, quy định những điều giáo viên được làm hoặc không được làm và mức độ xử phạt cho từng trường hợp.

Luật Nhà giáo đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo Trung Quốc. Đơn cử, một báo cáo vào tháng 10/2021 của Trung Quốc chỉ ra trình độ học vấn của giáo viên được cải thiện đáng kể trong những năm qua.

Đơn cử, năm 1993, chỉ 0,18% giáo viên tiểu học có bằng cử nhân trở lên. Nhưng năm 2020, con số này tăng lên 66%. Tỷ lệ giảng viên đại học có bằng tiến sĩ tăng từ 1,7% lên 27,7% trong cùng kỳ.

Sau gần 30 năm, tháng 11/2021, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã thông báo lấy ý kiến xã hội về dự thảo sửa đổi Luật Nhà giáo, trong đó, chú trọng xây dựng cơ chế khen thưởng cho giáo viên có đóng góp đáng kể cho giáo dục. Hiện, dự thảo Luật Nhà giáo tiếp tục được Bộ Giáo dục và Chính phủ Trung Quốc xem xét nhằm thay đổi, điều chỉnh các quy định phù hợp với sự phát triển của thời đại.

Dự thảo sửa đổi gồm 9 chương, 57 điều, trong đó bổ sung quy định về cơ chế quản lý, nhiệm vụ, quyền, nghĩa vụ cơ bản và điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề...

Đáng chú ý, dự thảo Luật Nhà giáo cũng cân nhắc các quy định về giáo viên nước ngoài giảng dạy tại Trung Quốc vì nhóm giáo viên này đang ngày một tăng về quy mô lẫn chất lượng. Từ đó cho thấy sự coi trọng của xã hội Trung Quốc dành cho giáo viên và trách nhiệm cao quý mà người thầy ở nước này đang gánh vác.

Bên cạnh Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng ban hành nhiều văn bản liên quan đến giáo viên như quy tắc ứng xử giáo viên các cấp (năm 2018). Trong các văn bản, đạo đức nghề nghiệp được nhấn mạnh là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá giáo viên.

Đạo đức nghề nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá giáo viên. Ảnh: INT

Đạo đức nghề nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá giáo viên. Ảnh: INT

Tác động đến kết quả học tập của học sinh

Tại Indonesia, trong nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, năm 2005, chính phủ đã thông qua Luật số 14/2005 về Giáo viên và Giảng viên. Luật Giáo viên và Giảng viên yêu cầu tất cả giáo viên phải có bằng cử nhân và đạt chứng chỉ sư phạm. Ngoài ra, luật cũng quy định rõ các khoản phụ cấp chuyên môn đi kèm với năng lực, trình độ học vấn của giáo viên; từ đó có thể tăng lương, tăng thu nhập cho giáo viên đạt trình độ theo quy định.

Kể từ đó, Luật Giáo viên và Giảng viên đã nâng cao địa vị của thầy, cô giáo so với các ngành nghề khác như luật, y khoa... và tạo động lực thúc đẩy giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn.

Trả lời phỏng vấn của World Bank, chị Tina Setiawati, giáo viên tại Indonesia, bày tỏ: “Trước đây, tôi không tự tin khi giảng dạy vì ngần ngại trước các phương pháp giảng dạy mới. Tuy nhiên, giờ đây (sau khi có Luật Giáo viên và Giảng viên), tôi đã tự tin. Học sinh cũng có động lực học tập hơn”.

Theo đánh giá của World Bank, một trong những cải cách giáo dục quan trọng của Indonesia nằm trong Luật Giáo viên và Giảng viên khi quy định tất cả giáo viên phải có bằng cử nhân đại học và chứng chỉ sư phạm khác nhằm bổ sung về năng lực chuyên môn. Những giáo viên đạt chứng chỉ sẽ được nhận một khoản trợ cấp chuyên môn giúp nâng cao thu nhập.

Ngoài ra, Luật Giáo viên và Giảng viên giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng và động lực làm việc của giáo viên. Điều này góp phần tác động tích cực đến kết quả học tập của học sinh.

Trong khi đó, tại Ba Lan, Hiến chương Nhà giáo (tiếng Ba Lan: Karta Nauczyciela) là văn bản pháp lý xác định quyền và nghĩa vụ của giáo viên phổ thông. Hiến chương được thông qua ngày 26/1/1982 và được sửa đổi nhiều lần từ đó đến nay.

Phạm vi điều chỉnh của Hiến chương là tất cả vị trí công việc trong trường công lập dưới bậc đại học gồm giáo dục tiểu học, THCS và THPT. Hiến chương quy định điều kiện việc làm, yêu cầu trình độ, nhiệm vụ, trách nhiệm kỷ luật, thăng tiến nghề nghiệp, phúc lợi xã hội, lương hưu, chăm sóc sức khỏe... dành cho giáo viên. Đối với giáo viên, Hiến chương có ý nghĩa quan trọng hơn Bộ luật Lao động Ba Lan.

Điểm trọng tâm của Hiến chương là giáo viên phổ thông phải tốt nghiệp trường đại học sư phạm trở lên, đáp ứng yêu cầu về đạo đức và có sức khỏe tốt. Giáo viên cũng được kỳ vọng nâng cao kiến thức chung và chuyên môn bằng cách tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, bồi dưỡng khác bên cạnh mục tiêu dạy và học.

Luật Giáo viên và Giảng viên Indonesia tạo động lực hiệu quả thúc đẩy giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn. Ảnh: INT

Luật Giáo viên và Giảng viên Indonesia tạo động lực hiệu quả thúc đẩy giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn. Ảnh: INT

Lấy nhà giáo làm trung tâm

Canada là quốc gia duy nhất trên thế giới không có Bộ Giáo dục quốc gia hay hệ thống giáo dục quốc gia. Hiến pháp Canada cũng quy định chính quyền cấp tỉnh/bang có trách nhiệm toàn quyền đối với giáo dục cho tất cả cấp học trong phạm vi quản lý hành chính của họ. Vì thế, mỗi tỉnh/bang tại Canada đều có Đạo luật Giáo dục riêng.

Đơn cử, tỉnh/bang Bristish Columbia có Đạo luật Nhà giáo ban hành cùng năm 2011 với Luật Nhà giáo, Luật Giáo dục phổ thông, Luật Đại học... Tỉnh/bang Ontario có Luật Giảng viên Đại học, ban hành năm 1996.

Còn tại Hà Lan, từ ngày 1/8/2017, chính phủ đã thông qua Đạo luật về Nghề Giáo viên (Teacher Profession Act) nhằm đảm bảo chất lượng nghề nghiệp và thực hành nghề nghiệp của giáo viên trên cả nước. Luật áp dụng cho giáo viên tiểu học, trung học, giáo dục đặc biệt và phổ thông nghề.

Theo đó, Đạo luật về Nghề Giáo viên trao cho giáo viên nhiều quyền tự do và kiểm soát hơn trong quá trình giảng dạy và giáo dục. Cụ thể, đạo luật quy định rõ ba trách nhiệm của giáo viên gồm: Nội dung giáo dục, cách học sinh tiếp thu nội dung đó và môi trường học tập trong nhà trường. Ngoài ra, giáo viên chịu trách nhiệm độc lập trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh. Giáo viên cũng phải đáp ứng các yêu cầu về năng lực được đặt ra.

Bên cạnh đó, Hà Lan cũng ban hành nhiều văn bản, luật khác nhau liên quan đến nhà giáo như Quy chế nghề nghiệp, Luật Giáo dục... góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo. Các đạo luật, văn bản luật nếu gộp lại sẽ giúp thể chế hóa hầu hết mọi chính sách liên quan đến nhà giáo.

Do đó, một số nước chưa có luật riêng về nhà giáo nhưng vẫn xây dựng những chính sách khác nhau liên quan đến nhà giáo nhằm tạo ra các quy định chung về nhà giáo. Các nước có thể kể đến như Vương quốc Anh, Nhật Bản, Áo...

Nhìn chung, các văn bản này đều lấy nhà giáo làm trung tâm, coi đó là nguồn lực quan trọng nhất của giáo dục cần được phát triển để đảm bảo thực hiện sứ mệnh và mục tiêu của giáo dục. Điều này bắt nguồn từ tư duy chất lượng của hệ thống giáo dục phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ nhà giáo; còn chất lượng đội ngũ nhà giáo phụ thuộc vào các chính sách định hình môi trường làm việc, quy định cách thức lựa chọn, tuyển dụng và phát triển giáo viên.

Theo báo cáo “Giáo dục Indonesia: Vượt lên thử thách” do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện, nhiều giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đánh giá Luật Giáo viên và Giảng viên góp phần nâng cao nhận thức rằng dạy học là một nghề nghiệp đang được đầu tư và chú trọng. Ngoài ra, luật còn quy định rõ những chính sách, chế độ phụ cấp cho giáo viên... nên ngày càng có nhiều người trẻ Indonesia yêu thích và lựa chọn theo đuổi nghề giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.