Cần thiết xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo

GD&TĐ - Nhiều giáo viên và chuyên gia đề xuất, cần thiết xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo nhằm giải quyết một số vấn đề còn bất cập.

Cô - trò Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang)
Cô - trò Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang)

Giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn

Hơn 10 năm đứng trên bục giảng, cô Bế Thị Bé Lan – giáo viên Trường Tiểu học & THCS Cao Chương (Trùng Khánh, Cao Bằng) vẫn tha thiết mong có Luật Nhà giáo. Cô chia sẻ, có rất nhiều vấn đề liên quan đến giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mà nếu chỉ dừng lại ở Thông tư, nghị định và các văn bản khác thì chưa thể giải quyết được hết. Hoặc nếu giải quyết được thì có thể xảy ra tình trạng chồng chéo giữa các văn bản.

“Tôi tin, nếu có Luật Nhà giáo, sẽ giải quyết được những khúc mắc trên; đồng thời bảo đảm quyền lợi của giáo viên. Chẳng hạn như: giáo viên miền núi, dù dạy ở vùng I nhưng điều kiện vẫn còn nhiều vất vả, thiếu thốn chẳng khác gì giáo viên vùng khó, nhưng chúng tôi không được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi…” - cô Lan phân trần, đồng thời bày tỏ:

Luật Nhà giáo sẽ là hành lang pháp lý để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, ở đó sẽ có cơ chế khuyến khích, tạo động lực để giáo viên làm việc.

Nhấn mạnh, cần thiết xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo, bà Tăng Thị Ngọc Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh – phân tích: Luật được ban hành sẽ thống nhất khái niệm thế nào là nhà giáo và đối tượng nào được gọi là nhà giáo.

Ngoài ra, sẽ thống nhất tiêu chuẩn, tiêu chí chuẩn mực đối với nhà giáo. Hiện nay, đội ngũ nhà giáo ngày càng đòi hỏi cao về chuyên môn, nghiệp vụ; đặc biệt là khả năng thích ứng với hoàn cảnh thực tiễn.  “Tôi tin, nếu có Luật Nhà giáo sẽ giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến đội ngũ nhà giáo như: Chế độ chính sách, vấn đề biên chế” – bà Mai bày tỏ.

Nhà giáo là đối tượng lao động đặc thù. Ảnh: TG
Nhà giáo là đối tượng lao động đặc thù. Ảnh: TG

Nêu thực trạng, hiện có nhiều người làm trong ngành giáo dục nhưng không được hưởng các chế độ, chính sách của nhà giáo như phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp…, bà Mai cho rằng, đây là vấn đề mà nhiều người đã phản ánh nhưng vẫn chưa được tháo gỡ, khiến nhiều địa phương phải giải quyết theo hướng vận dụng linh hoạt.

 “Quyền lợi đi kèm với nghĩa vụ. Do đó, nếu có Luật Nhà giáo sẽ có những chế tài đủ mạnh để xử lý nếu như nhà giáo vi phạm pháp luật” – bà Mai nói.

Phù hợp bối cảnh mới

Đồng quan điểm, ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khoá XIV trao đổi: Việc xây dựng Luật Nhà giáo đã được nhiều đại biểu trao đổi ở nhiều kỳ họp của Quốc hội khoá XIV, nhưng đến nay vẫn chưa được thống nhất.

Mong rằng, ở kỳ họp sắp tới, Quốc hội khoá XV tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo, đáp ứng mong mỏi của đội ngũ giáo viên nói riêng và những người làm trong ngành Giáo dục nói chung.

Ông Tứ viện dẫn, lao động của nhà giáo đang được điều chỉnh bằng Luật Công chức, luật Viên chức. Tuy nhiên, những luật này đề cập đến đội ngũ công chức, viên chức nói chung, chưa giải quyết được tính đặc thù nghề nghiệp nhà giáo.

Theo ông Tứ, hiện chúng ta đã có Luật Giáo dục, nhưng đây là luật khung cho lĩnh vực giáo dục nên không thể giải quyết hết các vấn đề liên quan đến đội ngũ. Thứ nữa, làm giáo dục phải là những người tâm huyết, trách nhiệm, nhất là với những giáo viên dạy ở bậc mầm non và phổ thông. Vì thế, cần có hành lang pháp lý để giáo viên thật sự yên tâm công tác và dành hết tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà.

Ông Tứ cho rằng, nếu có Luật Nhà giáo sẽ tháo gỡ được nhiều vấn đề, ở đó sẽ không phân biệt công – tư, bởi dù là giáo viên trường công lập hay ngoài công lập thì tất cả đều vì sự nghiệp trồng người. Do đó, cần tạo cơ chế bình đẳng và tạo sự liên thông giữa giáo viên công lập và ngoài công lập.

Ngoài ra, ban hành Luật Nhà giáo sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến đội ngũ, cơ chế chính sách, thừa thiếu giáo viên… cho đến những chế tài xử lý vi với những nhà giáo vi phạm pháp luật.

Cần thiết ban hành Luật Nhà giáo
Cần thiết ban hành Luật Nhà giáo

Tại hội thảo tham vấn chuyên gia về đề xuất xây dựng Luật điều chỉnh về nhà giáo được Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức mới đây, hầu hết các đại biểu đều thống nhất về tính cấp thiết của việc xây dựng Luật Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay.

Các đại biểu cho rằng, nhà giáo là đối tượng lao động đặc thù, vì vậy bên cạnh các quy định chung đối với viên chức, cần nhìn vào đặc thù lao động sư phạm của nhà giáo để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ra, hiện có không ít nhà giáo là người nước ngoài đã và đang tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam nhưng các quy định về chế độ cho các nhóm đối tượng này chưa cụ thể và phần nào nó chưa thể hiện trong một văn bản luật thống nhất… Vì thế, nếu có Luật Nhà giáo thực trạng này sẽ được giải quyết thấu đáo.

Hiện cả nước có gần 1,5 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục từ mầm non cho đến đại học. Mới đây, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đã kiến nghị đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật sắp tới của Quốc hội. Ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục đề nghị, Bộ GD&ĐT rà soát, tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện các văn bản pháp luật về nhà giáo, đặc biệt xây dựng Luật Nhà giáo, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ