Hội thảo nhằm mục tiêu thu thập ý kiến từ các chuyên gia, cho việc xây dựng đề án xây dựng hệ sinh thái Đại học thông minh, qua đó giúp các Trường Đại học tại Việt Nam có một nền tảng quản trị chung, hiệu quả, giảm chi phí và phát triển bền vững.
Tham dự Hội thảo có sự tham dự của: GS.TS. Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.Nguyễn Lộc- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; TS. Dương Trọng Hải, Viện trưởng - Viện KH&CN Industry 4.0 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; Đại diện công ty Microsoft Việt Nam; Ông Phí Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Tin học TP, Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn Công nghệ Thông tin P.A.T cùng hơn 100 đại biểu là các doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ viện nghiên cứu và trường đại học trên cả nước.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra một cách mạnh mẽ và có ảnh hưởng đến từng cá thể, doanh nghiệp và đặc biệt môi trường giáo dục đại học – nơi trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nền công nghiệp 4.0. Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm qua, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã thường xuyên tổ chức nhiều hội thảo quốc tế quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước cùng thảo luận về xây dựng mô hình giáo dục 4.0, một mô hình giáo dục thông minh của thế kỷ 21 – nơi hội tụ nguồn nhân lực thông minh với các sản phẩm thông minh.
Tại hội thảo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận; từ những thay đổi của nền công nghiệp 4.0 và yêu cầu phát triển của nền kinh tế hiện nay, các trường Đại học đang có xu hướng phát triển thành trường đại học thông minh theo định hướng đổi mới sáng tạo. Ngoài yếu tố thông minh, yếu tố đổi mới sáng tạo được thể hiện qua 7 đặc trưng:
Thứ nhất, các cơ sở giáo dục không chỉ dừng lại ở việc đào tạo truyền thống mà đào tạo phải theo định hướng khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp phải được thấm sâu trong hệ thống ngành nghề đào tạo mới.
Thứ hai, việc nghiên cứu không chỉ dừng lại ở bài báo, sách vở mà cần tập trung vào các vấn đề nghiên cứu khoa học với các sản phẩm mang tính ứng dụng thực tế.
Thứ ba, khởi nghiệp cần phải dựa trên việc đổi mới sáng tạo với những công nghệ mới để tương thích với nền kinh tế tri thức có tính cạnh tranh cao.
Thứ 4, giá trị quản lý cốt lõi mãnh mẽ tập trung trong việc thích ứng các nhu cầu đa dang. Đây chính là nền tảng vững chắc để triển khai mô hình đại học mới.
Thứ năm, nhà trường cần phải tạo ra hệ sinh thái. Trong đó, mối quan hệ giữa nhà nước – doanh nghiệp – nhà trường có mối quan hệ khăng khít hỗ trợ nhau trong sự phát triển chung.
Thứ sáu, chính là mức độ quốc tế hóa, không chỉ dừng lại ở việc trường có bao nhiêu sinh viên – giảng viên quốc tế mà còn phải mở rộng ra hợp tác nghiên cứu với ai? Sở hữu trí tuệ chia sẻ với ai? Và các sản phẩm có ra thị trường quốc tế không?...
Thứ bảy, liên quan đến trách nhiệm xã hội và phục vụ cộng đồng. Bên cạnh việc chuyển giao tri thức để làm cho doanh nghiệp phát triển, xã hội phát triển, vùng miền phát triển mà các trường đại học cần phải vốn hóa tri thức, phải tạo ra được tài chính trong khuôn viên trường. Tạo điều kiện làm sao để quyền lợi nhà trường và quyện lợi xã hội được phát triển một cách hài hòa.
Quang cảnh hội thảo |
Với chủ đề năm học 2017-2018 là “Chất lượng cao – Việc làm tốt” Trường ĐH Nguyễn Tất Thành quyết tâm xây dựng và phát triển nhà trường trở thành một trường ĐH trọng điểm định hướng theo đại học 4.0 với cốt lõi nền tảng là hệ quản trị 4.0 hay nói cách khác là đại học thông minh.
Tại đây, nhà trường chú trọng phát triển con người có tư duy sáng tạo, có tầm nhìn qua thời đại, tạo ra môi trường tích cực cho sinh viên, tạo cho họ khát vọng thực hiện niềm đam mê của mình, sáng tạo khởi nghiệp, đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của thế giới thông qua thực nghiệm và thực hành với các sản phẩm sáng tạo.
Có thể nói, việc phát triển mô hình trường Đại học đổi mới sáng tạo đang là một xu thế quốc tế đang được quan tâm. Mặc dù còn có nhiếu ý kiến trái chiều trong việc đại học đổi mới sáng tạo đi ngược với những giá trị học thuật truyền thống.
Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng mô hình giáo dục này chứa đựng nhiều yếu tố tích cực như sự thích ứng với sự thay đổi của môi trường, chia sẻ nguồn lực, tăng cường hợp tác, đính hướng đào tạo….
Việc triển khai mô hình trường Đại học sáng tạo này trong thực tiễn đòi hỏi cần có những nghiên cứu sâu sắc hơn để có thể đưa ra những ý kiến phù hợp về mức độ cũng như nội dung áp dụng với từng quốc gia cụ thể, trong đó có Việt Nam.