Cách mạng công nghệ 4.0 - Ưu tiên đổi mới đào tạo nghề

GD&TĐ - Tự động hóa sẽ là một xu thế lớn tác động đến sự phát triển kinh tế của toàn thế giới trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra. 

Cách mạng công nghệ 4.0 - Ưu tiên đổi mới đào tạo nghề

Với Việt Nam, để thích ứng với xu thế này, trong lĩnh vực đào tạo và dạy nghề đang đặt ra những yêu cầu đổi mới nhằm nâng cao chất lượng lao động đặc biệt trong các ngành kỹ thuật, công nghệ. Bên cạnh đó, là việc thúc đẩy các chính sách ưu tiên cho đào tạo để chuyển dịch cơ cấu lao động.

Thách thức về năng suất lao động

Toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đang đặt ra những thách thức về thị trường lao động Việt Nam, trong tổng số hơn 54 triệu lao động trong cả nước, chỉ có hơn 11,2 triệu lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, chiếm 20,6%.

Đáng lưu ý là lao động được đào tạo trong ngành kỹ thuật, công nghệ còn chiếm tỉ trọng thấp và đang thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật cao, công nhân lành nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, kỹ thuật điện hoặc lao động trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, tự động hóa.

Theo khảo sát của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), trong năm 2015, để đáp ứng xu thế hội nhập, một số nhà máy hoạt động trong lĩnh vực may mặc có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã đưa công nghệ mới vào sử dụng, thay thế cho 10 - 15 lao động trong từng công đoạn.

ASEAN trong giai đoạn chuyển đổi công nghệ sẽ khiến cho 86% số người lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày và khoảng 75% lao động trong ngành điện - điện tử có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao do tự động hóa.

Áp dụng công nghệ là việc tất yếu nếu muốn cạnh tranh, tuy nhiên theo đánh giá của ILO, Việt Nam đang tụt hậu hơn so với các nước trong khu vực ASEAN về áp dụng công nghệ và sáng kiến cải tiến. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là do vốn cố định cao, ngoài ra, thiếu nguồn nhân lực có tay nghề để vận hành công nghệ cũng là yếu tố quan trọng.

Cũng theo nghiên cứu này, các kỹ năng mà doanh nghiệp cần ở người lao động, ngoài kiến thức chuyên môn thì còn một loạt kỹ năng mềm khác như làm việc nhóm, giao tiếp, tư duy chiến lược, ngoại ngữ, thậm chí nhiều kỹ năng mềm còn quan trọng hơn cả kiến thức chuyên môn. Đây là những kỹ năng thiết yếu bất kể sự cải tiến công nghệ diễn ra như thế nào tại nơi làm việc.

Thúc đẩy hành động

Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Để thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ cần hành động cụ thể không chỉ từ Nhà nước, mà các bộ ngành và bản thân người lao động cũng phải hành động. Chính phủ có chính sách ưu tiên doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo và dạy nghề. Kỹ năng đánh giá của người lao động phải đổi mới kể cả đại học và dạy nghề.

Đối với người lao động, cần sớm tăng cường nhận thức, có ý thức rèn luyện những kỹ năng mới để đáp ứng được xu thế mới cũng như xác định tâm thế học suốt đời để không bị động trước những biến đổi về công nghệ.

Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650.000 chỗ làm việc và chuyển dịch cơ cấu lao động vẫn là một hướng để tăng năng suất lao động.

Dưới tác động của tự động hóa, giải quyết việc làm cho lao động trong các ngành công nghiệp đang trở thành một thách thức lớn. Bên cạnh yêu cầu về dự báo chính xác nhu cầu thị trường lao động, thì ưu tiên vẫn là đổi mới đào tạo nghề và kết hợp chuyển đổi ngành nghề.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng: Đây là cuộc cách mạng mà tất cả mọi người đều phải tham gia, từ Chính phủ, doanh nghiệp đến cả người lao động. Trong đó, doanh nghiệp phải tham gia mang tính chất dự báo thị trường lao động, đặt hàng với cơ sở đào tạo nghề, thậm chí biến doanh nghiệp thành trường dạy nghề. Nhà nước tạo khuôn khổ điều kiện khuyến khích doanh nghiệp dạy nghề thông qua ưu đãi về thuế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ