Tận dụng cơ hội từ Cách mạng Công nghiệp 4.0

GD&TĐ - Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh đã và đang tạo ra những thay đổi đột phá về khoa học và công nghệ, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội mỗi quốc gia, từng khu vực và toàn cầu. 

Tận dụng cơ hội từ Cách mạng Công nghiệp 4.0

Để có thể bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp này, một trong những yêu cầu đặt ra là, các chương trình giáo dục và đào tạo cần phải được điều chỉnh phù hợp để tận dụng tối đa những cơ hội cũng như giảm thiểu rủi ro đến từ cuộc cách mạng này.

Nhiều nghề mới - nhiều kiến thức, kỹ năng mới

Đối với giáo dục nghề nghiệp, cùng với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ có một sự dịch chuyển lớn nguồn lực lao động, nhiều nghề nghiệp cũ sẽ mất đi và thay vào đó là sự xuất hiện của nhiều nghề nghiệp mới. Đồng thời, các yêu cầu về trình độ và kỹ năng của người lao động để đáp ứng yêu cầu việc làm cũng tăng lên và đặt ra các vấn đề phát triển giáo dục, đào tạo đáp ứng những yêu cầu thay đổi trong tương lai.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, trong cuộc cách mạng này, thị trường lao động gặp những thách thức lớn giữa chất lượng cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Do đó, việc làm của những lao động trình độ thấp và ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức mới - kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế.

Trong những năm gần đây, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đạt được sự tăng trưởng rõ rệt, thể hiện ở mức sống của người dân đã được cải thiện rất lớn, cụ thể là hàng trăm triệu người có cuộc sống tốt hơn, năng suất lao động cao hơn, mặt khác tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các chính phủ trong khu vực nâng cao mức ngân sách dành cho an sinh xã hội. Số hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp đang mở ra những cơ hội và thách thức trong giáo dục, đào tạo nghề và an sinh xã hội, các quốc gia cần ưu tiên trong hợp tác và thúc đẩy việc áp dụng các khung trình độ quốc gia, công nhận kỹ năng lẫn nhau cho lao động bậc trung và bậc cao cũng như các giải pháp an sinh phù hợp cho các nền kinh tế.

Hợp tác đào tạo

Để có thể giải quyết thách thức chất lượng nguồn nhân lực đến từ cách mạng công nghệ 4.0, trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, TS Horst Sommer - Giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam - GIZ nhấn mạnh sự cần thiết của tính linh hoạt trong việc xây dựng, thực hiện và đánh giá hoạt động giáo dục nghề nghiệp và tính cấp thiết của việc hợp tác chặt chẽ với khối doanh nghiệp. Sự linh hoạt cần được đảm bảo thông qua việc giảm thiểu tối đa mức độ can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước hiệu quả.

Ngoài ra, tiêu chuẩn kỹ năng nghề cần nêu rõ các kết quả đầu ra chủ chốt, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần được phép phối hợp với doanh nghiệp điều chỉnh tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình đào tạo thường xuyên hơn.

Điều này cũng có nghĩa phải giảm bớt mức độ quản lý vi mô và và quy định chi tiết quá mức của các cơ quan chức năng và tăng quyền tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cho phép họ phát triển linh hoạt các chương trình đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp.

TS Horst Sommer cho rằng, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ với khối doanh nghiệp vì các doanh nghiệp là những người đi đầu chuẩn bị cho Cách mạng Công nghiệp 4.0. Doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp và các nhà tuyển dụng tiềm năng phải có vai trò quyết định trong việc xác định các tiêu chuẩn nghề nghiệp và các chương trình đào tạo, thiết kế, thực hiện và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề.

Cơ chế phối hợp này sẽ giúp cung cấp các chương trình đào tạo gắn liền với việc làm, được công nhận bởi cộng đồng doanh nghiệp và phù hợp với quá trình phát triển công nghệ.

Sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong đào tạo có thể giúp triển khai các giai đoạn đào tạo thực hành chuyên sâu tại doanh nghiệp, nơi các học viên có cơ hội học tập trong môi trường sản xuất thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ