Xã hội số tạo nhiều thách thức cho đào tạo ngành Xã hội học

GD&TĐ - Xã hội số thay đổi cách giao tiếp, tương tác và giải quyết các vấn đề của con người, đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho lĩnh vực xã hội học.

Các chuyên gia, giảng viên tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng
Các chuyên gia, giảng viên tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng

Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm khoa học với chủ đề “Xã hội số và Xã hội học”, diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), ngày 23/12.

Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 25 năm thành lập khoa Xã hội học (1998-2023) và ngày Xã hội học Nam Bộ năm 2023.

GS.TS Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: XHH

GS.TS Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: XHH

GS.TS Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam cho rằng, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, xã hội loài người đã bước vào một kỷ nguyên hoàn toàn mới của xã hội số.

Mọi người sử dụng rộng rãi các thiết bị kỹ thuật số như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh và đồng hồ thông minh để truy cập thông tin, giao tiếp, tiêu dùng, giải trí và tham gia vào đời sống công cộng thông qua các ứng dụng.

Công nghệ số không chỉ tái tạo lại diện mạo cơ bản của đời sống xã hội mà còn tạo ra những thay đổi căn bản về mặt xã hội.

Theo GS Nguyễn Hữu Minh, trước những thay đổi xã hội do công nghệ số mang lại và những vấn đề mới trong xã hội số, cần phải tiến hành các nghiên cứu xã hội học chuyên sâu.

Trong bối cảnh này, xã hội học kỹ thuật số (Digital Sociology) đã xuất hiện. Trong đó, 6 chủ đề nghiên cứu chính trong lĩnh vực này được quan tâm gồm: Kinh tế và sản xuất lao động; chính trị và quyền lực kỹ thuật số; quan hệ và tương tác xã hội; cơ thể và bản thân; bất bình đẳng xã hội; đổi mới phương pháp luận.

Xã hội số là mục tiêu của Chính phủ trong giai đoạn 2025-2030 với định hướng nhằm thay đổi mọi phương diện của tổ chức xã hội cho đến toàn thể người dân. Trên thực tế, để thực hiện được xã hội số, cần có quá trình chuyển đổi số diễn ra trong mọi hoạt động.

Trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu nhu cầu số hoá các công tác đào tạo là nhiệm vụ thiết yếu và cấp bách.

PGS.TS Lê Thị Mai, Trường Đại học Tôn Đức Thắng trình bày tham luận tại buổi tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng

PGS.TS Lê Thị Mai, Trường Đại học Tôn Đức Thắng trình bày tham luận tại buổi tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng

PGS.TS Lê Thị Mai, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đặt vấn đề "Chương trình đào tạo Xã hội học: Điều chỉnh và thách thức để đáp ứng nhu cầu xã hội số".

Theo đó, xã hội số đang thay đổi cách chúng ta giao tiếp, tương tác và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong tổ chức và quản lý công việc.

Theo PGS Lê Thị Mai, nếu chấp nhận "cuộc sống là kỹ thuật số", tất cả các chủ đề mà các nhà xã hội học nghiên cứu và giảng dạy chắc chắn sẽ được kết nối với các công nghệ kỹ thuật số, cho dù là xã hội học gia đình, sức khỏe, văn hóa, kinh tế, việc làm, giáo dục, lao động, giới,...

Nghiên cứu xã hội số tập trung vào nhiều khía cạnh từ lâu đã là mối quan tâm chính của các nhà xã hội học: bản sắc, quan hệ quyền lực và bất bình đẳng, mạng lưới xã hội, cấu trúc xã hội...

Xã hội số đặt ra nhiều thách thức trong chương trình đào tạo Xã hội học: Hạ tầng dạy và học; kỹ năng số, năng lực số của giảng viên và sinh viên; quản lý rủi ro, an toàn thông tin; chất lượng thông tin thấp, tin giả/sai lệch; kỹ năng tiếng Anh...

Chương trình kỷ niệm 25 năm thành lập khoa Xã hội học vào chiều tối ngày 23/12. Ảnh: XHHChương trình kỷ niệm 25 năm thành lập khoa Xã hội học vào chiều tối ngày 23/12. Ảnh: XHH

Chương trình kỷ niệm 25 năm thành lập khoa Xã hội học vào chiều tối ngày 23/12. Ảnh: XHH

Tọa đàm còn một số tham luận khác đáng chú ý về chủ đề xã hội số như: “Xã hội học trong thời đại số: Hiện trạng và triển vọng”, ThS Lê Minh Tiến, Trường Đại học Mở TPHCM; “Bàn về nhóm lao động làm việc trong môi trường số hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Đức Chiện, Viện Xã hội học.

Ngày 26/12/1998, Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn được thành lập. Tiền thân của khoa là Bộ môn Xã hội học trực thuộc khoa Triết học (thành lập vào năm 1994) và trở thành Bộ môn Xã hội học trực thuộc nhà trường vào (năm 1996).

Tại chương trình kỷ niệm 25 năm thành lập, TS Nguyễn Nữ Nguyệt Anh Khoa, Trưởng khoa Xã hội học cho biết, đây là nơi đào tạo nhiều thế hệ sinh viên có thể trở thành “bác sĩ của xã hội”: có khả năng nghiên cứu, theo dõi, chẩn đoán, phân tích và lý giải những vấn đề xã hội, từ đó đề xuất các kiến nghị mang tính giải pháp nhằm vận hành xã hội ổn định và phát triển bền vững.

Đồng thời, khoa Xã hội học còn là nguồn động viên, khơi nguồn cảm hứng cho những người mong muốn dấn thân nghiên cứu để thay đổi xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ