Nhiều rào cản phát triển thị trường khoa học và công nghệ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thị trường khoa học và công nghệ đang phát triển và đạt được một số thành tựu, song vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc, cần sớm được tháo gỡ.

Tọa đàm trong khuôn khổ hội nghị Khoa học và Công nghệ lần thứ 18 của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: HCMUT
Tọa đàm trong khuôn khổ hội nghị Khoa học và Công nghệ lần thứ 18 của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: HCMUT

Ngày 15/12, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức hội nghị Khoa học và Công nghệ lần thứ 18 với chủ đề "Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa kết quả nghiên cứu".

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ có tham luận đáng chú ý về các khó khăn, rào cản chính sách và phương án gợi mở trong hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Theo ông Nghiệm, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có những bước phát triển.

Thống kê nhân lực tham gia hoạt động phục vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ năm 2019 cho thấy, cả nước có 150.000 cán bộ nghiên cứu, gần 13.000 cán bộ kỹ thuật và hơn 22.000 cán bộ hỗ trợ.

Theo đó, lực lượng này chủ yếu là nhân lực thực hiện chức năng nghiên cứu, chiếm đến 81%, tiếp tục có xu hướng gia tăng mạnh.

Trong khi đó, tỷ lệ cán bộ kỹ thuật chiếm tỷ trọng rất nhỏ 7%, lại có xu hướng sụt giảm về số lượng.

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ trình bày tham luận. Ảnh: HCMUT

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ trình bày tham luận. Ảnh: HCMUT

Theo đánh giá của ông Nghiệm, Việt Nam đang rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu cả thầy lẫn thợ trong đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ.

Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ở Việt Nam tương đối hạn chế so với các nước, đặc biệt là nhân lực có trình độ tiến sĩ.

Do vậy, trong ngắn hạn và trung hạn, nguồn cung công nghệ trong nước sẽ khó có thể cải thiện để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế.

Các số liệu trên cũng thể hiện rằng, năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp hiện nay chưa tốt.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cũng chỉ ra nhiều vướng mắc, khó khăn của thị trường khoa học và công nghệ.

Trong đó, điểm nghẽn lớn nhất là hệ thống chính sách pháp luật do được xây dựng ở các thời điểm khác nhau, góc nhìn của các bộ, ngành khác nhau nên không nhất quán, không đồng bộ.

Theo thống kê, kết quả nghiên cứu đi ra thị trường đang bị “nghẽn” bởi 13 luật và nhiều văn bản dưới luật như nghị định, thông tư.

Chính điều này khiến cho nhiều kết quả nghiên cứu không thể đưa ra thị trường được, trong tình trạng “đút ngăn kéo”, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, ông Nghiệm còn nêu nhiều khó khăn khác về cơ chế, chính sách như: Chính sách ưu đãi về thuế; một số cơ chế, chính sách, ưu đãi trong tín dụng...

Triển lãm tại hội nghị Khoa học Công nghệ lần thứ 18. Ảnh: HCMUT

Triển lãm tại hội nghị Khoa học Công nghệ lần thứ 18. Ảnh: HCMUT

Tại hội nghị Khoa học Công nghệ lần thứ 18, nhiều diễn giả chia sẻ về thực tiễn đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong nhà trường, doanh nghiệp và các chính sách, định hướng của Nhà nước về lĩnh vực này.

Hội nghị còn có triển lãm với sự tham gia của hơn 60 gian hàng đến các doanh nghiệp, phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu về các sản phẩm công nghệ, mô hình thiết bị tiên tiến, giải pháp chuyển đổi số, giải pháp tự động hóa, một số sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên,...

Hội nghị Khoa học và Công nghệ của Trường Đại học Bách khoa được tổ chức hai năm một lần.

Hội nghị nhằm tạo không gian để các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu các bộ, ngành, địa phương, các trường đại học và doanh nghiệp gặp gỡ và trao đổi học thuật và mở rộng hợp tác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ