Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh về an ninh nguồn nước

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Khoảng 200 nhà quản lý, nhà khoa học thảo luận về việc phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ đảm bảo an ninh nguồn nước.

Các nhà khoa học tham gia hội thảo “Định hướng phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2021-2030”. Ảnh: Mạnh Tùng
Các nhà khoa học tham gia hội thảo “Định hướng phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2021-2030”. Ảnh: Mạnh Tùng

Chiều 8/12, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Thủy Lợi tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2021-2030”.

Hội thảo diễn ra tại Phân hiệu Trường Đại học Thủy Lợi (TPHCM), dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho biết, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trung ương đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó cũng đưa ra giải pháp “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước”.

Giải pháp này cũng đã được cụ thể hoá tại Quyết định số 1595/QĐ-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ và một số chiến lược, quy hoạch khác.

Cuối tháng 11/2023, Quốc hội cũng đã chính thức thông qua dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia.

Theo ông Trần Hồng Thái, từ nhu cầu thực tiễn an ninh nguồn nước và nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, ngày 1/12/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2030 “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước”, mã số KC.14/21-30.

Chương trình KC.14/21-30 sẽ góp phần giải quyết những vấn đề tổng thể các vấn đề khoa học, công nghệ liên quan đến an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái kêu gọi các nhà khoa học trong lĩnh vực tài nguyên nước cùng nhau liên kết để nghiên cứu nhằm ứng dụng khoa học công nghệ trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập quốc gia. "Chúng ta cố gắng xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh về an ninh nguồn nước", ông Trần Hồng Thái nói.

Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ nhiệm Chương trình KC.14/21-30 đã có bài báo cáo “Định hướng phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030”.

PGS.TS Nguyễn Đăng Tính, Phó Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Thủy Lợi tham luận về "Định hướng nghiên cứu đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa tại một số khu vực của Việt Nam".

Theo đó, Trường Đại học Thủy Lợi đã và đang tập trung vào các vấn đề: Phát triển, ứng dụng công nghệ quản trị hồ đập cảnh báo an toàn hồ đập nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và mức bảo đảm an toàn đập; Tăng cường thể chế chính sách nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả, công bằng và tiết kiệm tài nguyên nước;

Ngoài ra, trường còn nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến và giải pháp phù hợp trong quản lý, khai thác và phát triển nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Trong thời gian tới, trường tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng giải pháp bờ bao xanh giúp giảm thiểu tình trạng sạt lở đất, bảo vệ môi trường.

Tại hội thảo, các nhà khoa học cho biết, công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế.

Theo đó, việc quản trị nguồn nước còn yếu, chưa hiệu quả; ý thức, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao; ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng.

Ngoài ra, nhiều công trình thuỷ lợi xuống cấp; rủi ro, mất an toàn đập, hồ chứa nước có xu hướng gia tăng.

Việc phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, làm suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, thậm chí gây mất an ninh nguồn nước…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ