Anh ta và các luật sư đã đưa vụ việc này lên Tòa án tối cao nhằm ngăn cản lần hành quyết thứ nhì nhưng không thành công. Trường hợp của người tù này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về án tử hình và nhân quyền, cho đến ngày nay vẫn còn tiếp tục.
Vụ án bất thường
Willie Francis sinh ngày 12/1/1929, tại St. Martinville, Louisiana, là con út trong gia đình có 13 người con. Cha anh làm việc trong một nông trại, thu nhập ít ỏi nên cuộc sống gia đình vô cùng chật vật. Willie được học trong hệ thống giáo dục tách biệt và nghèo nàn của Louisiana.
Vào tháng 8/1945, khi mới 16 tuổi, Willie đến thăm một người chị ở Port Arthur, Texas. Không may cho Willie, anh bị cảnh sát địa phương bắt vì nhầm lẫn anh là đồng phạm của một kẻ buôn ma túy. Dù đã sớm nhận ra sai lầm của mình, nhưng cảnh sát lại buộc Willie tội trộm và hành hung một cư dân Port Arthur. Anh tiếp tục bị giam.
Thời gian này, cảnh sát bang Louisiana đang điều tra một vụ trọng án mà nạn nhân là Andrew Thomas, dược sĩ nổi tiếng của St. Martinville, trước đây từng thuê Willie làm việc cho mình. Vào tháng 11/1944, Thomas thiệt mạng vì bị một kẻ lạ mặt bắn năm phát súng bên ngoài nhà của ông. Sau nhiều tháng không tìm ra thủ phạm, cảnh sát trưởng EL Reisweiber ra lệnh cho thuộc cấp “bắt giữ bất kỳ người nào” có thể kết tội được.
Điều bất ngờ là trong khi bị giam giữ ở Port Arthur, Willie thú nhận đã giết Andrew Thomas. Lúc đó, anh không có luật sư để bênh vực quyền lợi nên câu hỏi đặt ra là liệu lời thú tội này có phát xuất từ việc bị ép buộc hay không. Willie chính thức bị bắt về tội giết người vào ngày 8/8/1945.
Mặc dù, Louisiana chưa yêu cầu dẫn giải Willie nhưng cảnh sát Port Arthur đã ngay lập tức đưa Willie đến Martinsville để tiến hành khởi tố. Trong chuyến xe đến St. Martinville, Willie được cho là đã thú nhận tội giết người lần thứ hai. Tuy nhiên, một tháng sau, anh ta lại phủ nhận tội trạng này.
Chính quyền bang hầu như không có bằng chứng vững chắc để kết tội Willie. Vũ khí gây án là khẩu súng của một phó cảnh sát trưởng địa phương, ông ta đã báo mất nó hai tháng trước đó. Ông này cũng từng tố cáo Thomas ngoại tình với vợ mình. Điều kỳ lạ là cảnh sát đã bỏ qua những chi tiết trên và không hề kiểm tra dấu vân tay trên khẩu súng. Đáng chú ý là khẩu súng và những viên đạn gây án đã bị mất trên đường gửi đến FBI và không tìm lại được.
Phiên tòa xét xử Willie bắt đầu vào ngày 12/9. Anh nhận được sự hỗ trợ từ hai luật sư do tòa án chỉ định. Các luật sư này thi hành nhiệm vụ của họ mà không đưa ra lời biện hộ nào cả. Sau hơn một ngày xét xử, bồi thẩm đoàn toàn người da trắng đã kết tội và tuyên án tử hình Willie.
Hai lần lên ghế điện
Vào ngày 3/5/1946, Willie bị đưa lên ghế điện. Đội trưởng đội canh gác nhà tù, Ephie Foster bật công tắc. Điện giật xung quanh cơ thể Willie, nhưng anh không chết. Willie sau đó mô tả trải nghiệm này: “Whamm! Cảm giác như có trăm, nghìn cây kim và đinh ghim đang đâm vào khắp người tôi và chân trái của tôi có cảm giác như bị ai đó cắt bằng một lưỡi dao cạo”.
Sau đó, các nhân viên điều tra xác định Foster và một tù nhân, cả hai đều say rượu vào thời điểm đó, đã đấu dây sai vào ghế điện.
Chính quyền bang lên kế hoạch thực hiện lại vụ hành quyết vài ngày sau đó. Nhưng vụ án của Willie nhanh chóng trở thành một câu chuyện thời sự lan rộng. Người ta tự hỏi liệu cuộc hành hình lần thứ hai có tàn nhẫn và bất thường hay không.
Một số nhận định, sự sống sót của Willie là nhờ sự can thiệp của thần thánh. Sự quan tâm của báo chí đã mở ra cánh cửa cho Willie kháng cáo bản án của mình. Lúc đó, báo chí còn đặt biệt danh cho tử tù này là Willie Francis “May mắn”.
Bertrand DeBlanc là một luật sư trẻ người Cajun (nhóm dân tộc chủ yếu sống ở các bang Louisiana và Texas của Hoa Kỳ) vừa trở về sau Thế chiến thứ Hai. Ông cũng là bạn thân của Thomas và nhiều thành viên trong gia đình ông là những người ủng hộ thuyết da trắng ưu việt. Mặc dù vậy, DeBlanc và luật sư của Washington, J. Skelly Wright, đã đồng ý tham gia vụ án.
Tranh luận trước Tòa án tối cao Hoa Kỳ, cả hai cho rằng lần hành quyết thứ hai sẽ vi phạm Tu chính án thứ 8 (Không được phạt tiền và định tiền thế thân vượt mức hay xử phạt bất thường và tàn bạo). Tuy nhiên, cuối cùng Tòa án đã biểu quyết với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống, đưa chàng trai 17 tuổi trở lại ghế điện.
Lần thi hành án thứ hai của Willie là ngày 9/5/1947. Một số thành viên trong gia đình anh và luật sư DeBlanc đã đi cùng anh đến nơi hành quyết. Willie chấp nhận số phận của mình. Trong bộ quần áo khá trang trọng, anh nói: “Tôi sắp gặp Chúa với chiếc quần dài ngày Chủ nhật và trái tim ngày Chủ nhật của tôi”.
DeBlanc muốn đưa ra một lời thỉnh cầu khác vào phút cuối, nhưng Willie Francis từ chối vì không muốn kéo dài nỗi đau của cha mẹ anh. Anh bị hành quyết lúc 12 giờ 10 phút trưa hôm đó. Lần này, chiếc ghế điện đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Trường hợp của Willie tiếp tục để lại hậu quả lâu dài. Ngày nay, các vụ hành quyết không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ, nhiều tử tù đã chết sau những gì mà một số người xem là đau khổ không cần thiết. Nhưng điều này cũng không thay đổi quan điểm cơ bản về tính hợp pháp của việc thi hành án nhiều lần.