Chia sẻ của thầy Trần Nguyễn Khánh Phong - Giáo viên Trường TPHT Hương Thủy (Thừa Thiên Huế): Chất lượng dạy, học Ngữ văn đối với học sinh dân tộc sẽ cải thiện đáng kể nếu người dạy nắm rõ đặc điểm của địa phương; triển khai các phương pháp dạy học phù hợp; biết huy vai trò của phương tiện, đồ dùng dạy học...
Hiểu văn hóa địa phương
Một dân tộc được xác định bởi ba yếu tố là văn hóa, ngôn ngữ và lãnh thổ. Trong cùng một địa phương có thể có nhiều dân tộc cùng sinh sống, tồn tại, nói bằng nhiều ngôn ngữ, phương ngữ, thổ ngữ khác nhau...
Theo thầy Trần Nguyễn Khánh Phong, nếu giáo viên dạy Ngữ văn biết vận dụng hiểu biết của mình về các yếu tố này sẽ rất thuận lợi để xây dựng phương pháp dạy học lồng ghép song ngữ tiếng Việt - tiếng dân tộc thiểu số một cách thuần thục; từ đó tăng hiệu quả giảng dạy.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã xây dựng 8 bộ chương trình cho 8 tiếng dân tộc thiểu số vào giảng dạy các trường tiểu học và THPT nội trú, đồng thời, chỉ đạo biên soạn hàng trăm đầu sách song ngữ với nội dung kiến thức địa phương để sử dụng trong nhà trường; các loại từ điển, so sánh, đối chiếu các ngôn ngữ Dân tộc - Việt; các sổ tay phương ngữ Việt - Dân tộc dùng cho học sinh tiểu học…
Giáo viên dạy Ngữ văn có thể tham khảo các tài liệu nói trên để vận dụng vào hoàn cảnh từng bài học, bài giảng.
Sử dụng phương pháp dạy học phù hợp
Phương pháp đặc thù tộc người: Học sinh miền núi, lối tư duy, tiếp nhận kiến thức bài giảng rất khác; thể hiện ở cách dùng từ, đặt câu, phát âm...
Học sinh thường thể hiện đặc tính ngôn ngữ của mình qua các bài làm văn, học sinh phát âm sai dấu nhiều trường hợp dẫn đến viết sai chính tả trên bài làm.
Trong trường hợp này, giáo viên cần sửa lỗi chính tả cho học sinh; nhưng lưu ý, uốn nắn cách phát âm chuẩn rồi mới chữa lỗi chính tả ở bài làm.
Phương pháp bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ rất cần thiết trong dạy học Ngữ văn cho học sinh dân tộc. Chịu khó trau dồi vốn kiến thức về văn hóa, giáo viên sẽ có sự so sánh nét tương đồng và dị biệt giữa văn hóa các tộc người.
Giáo viên cầ tuyệt đối tránh độc thoại trong tiết dạy. Học sinh dân tộc thiểu số vốn rụt rè, đặc biệt khi phát biểu ý kiến hay đứng dậy đọc bài, bởi vậy càng cần giáo viên phải là người đồng cảm, trân trọng, chia sẻ, động viên những cảm nhận, rung động trong việc học của các em.
Nếu học sinh trả lời không chính xác và có thái độ xấu hổ,... giáo viên cần trân trọng ghi nhận ý kiến, sau đó cùng phân tích để các em hiểu ra vấn đề, không dùng lời lẽ chỉ trích, trách cứ... làm học sinh mất tự tin.
Thỉnh thoảng giáo viên cần tạo không khí gây cười, vỗ về, an ủi để giải tỏa căng thẳng cho học sinh. Làm được như vậy học sinh sẽ thấy tiết học qua nhanh và cảm thấy thích học môn Ngữ văn hơn, đó là lợi thế để lôi cuốn các em duy trì sĩ số cao ở lớp.
Bên cạnh đó, để dạy học tốt Ngữ văn, giáo viên phải bị thêm nhiều tranh ảnh, đồ dùng dạy học liên quan, các câu nói nổi tiếng cũng được đưa vào bài giảng, xem đó là cầu nối giữa học sinh thông qua giáo viên đến các nhà văn.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng là cần thiết để học sinh nhìn rõ hình ảnh, mặt chữ nhưng cũng không nên quá lạm dụng công nghệ thông tin vì sẽ gây cho học sinh sự chây lười trong đọc sách.
Sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu
Dạy Ngữ văn cho đối tượng là học sinh dân tộc thiểu số không nhất thiết phải dùng các từ ngữ hoa mĩ, ít được sử dụng. Điều này khiến học sinh khó nhớ từ vựng và giảm niềm yêu thích môn học.
Giáo viên phải có vốn ngôn ngữ nhất định để có thể dùng bản ngữ giảng nghĩa một số từ khó hiểu trong sách Ngữ văn, giúp học sinh dân tộc nhận nghĩa một cách nhanh chóng.
Trong quá trình giảng bài, chú ý giảng từ từ, lời lẽ rành mạch, rõ ràng; đưa ra khái niệm nào phải giải thích khái niệm đó, trong phân tích còn cần phải lấy dẫn chứng cụ thể, dễ hiểu để chứng minh...