Trong thực tế dạy học, người thầy cần có sự giúp đỡ tách riêng đối với nhóm học sinh này - điều chỉ có thể thực hiện chủ yếu ngoài giờ chính khoá.
Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, thầy Trịnh Tiến Nam - giáo viên Trường PTDT Nội trú Bá Thước (Thanh Hóa) - cho rằng: Để giúp đỡ học sinh kém Toán, một trong những công việc đóng vai trò quan trọng và mang ý nghĩa quyết định là thực hiện các biện pháp phù hợp giúp học sinh có kiến thức theo kịp yêu cầu chung của những tiết học trên lớp, tiến tới có thể hoà nhập vào dạy học đại trà.
Để HS “xích lại gần nhau hơn”
Kinh nghiệm cho thấy, khó khăn lớn khi dạy học học sinh yếu kém môn Toán là kiến thức kỹ năng nền tảng bị hổng, dẫn đến việc tiếp thu kiến thức mới rất hạn chế.
Từ không nắm được kiến thức kỹ năng mới, dẫn đến vận dụng rất khó khăn và việc xâu chuỗi để ghi nhớ là gần như không thể xảy ra; học sinh thấy cái gì cũng khó, cũng thiếu - khiến các em mất phương hướng, hoang mang, chán nản và ngày càng yếu đi.
Muốn khắc phục, theo thầy Trịnh Tiến Nam, trước hết phải giúp học sinh bù lấp ngay những kiến thức cũ -kiến thức tiền đề. Để làm được điều này, trước tiết dạy đại trà, người thầy phải nghiên cứu kỹ nội dung chương trình, vạch ra khối lượng kiến thức, kỹ năng cần thiết và mức độ yêu cầu từ đó biết phải bổ sung những kiến thức tiền đề nào (thông qua SGK, sách giáo viên, chuẩn chương trình...).
Sau đó, phân tích đánh giá mức độ tri thức kỹ năng có sẵn của học sinh; đặc biệt là học sinh yếu kém ở mức độ nào (qua quá trình tìm hiểu, quan sát ở học sinh trên lớp, qua các bài kiểm tra...).
Tiếp đến, tập trung vào tái hiện những tri thức, tái tạo những kỹ năng cần thiết một cách tường minh thông qua cho học sinh yếu kém ôn tập những kiến thức, kỹ năng trước khi dạy nội dung mới vào các buổi học ngoài giờ chính khoá.
Trong thực hiện việc tạo tiền đề đảm bảo trình độ xuất phát, thầy Trịnh Tiến Nam chú ý: Mỗi bài toán phải được thực hiện qua nhiều bước, hướng dẫn và yêu cầu cách thực hiện thành thạo từng bước một; Tổ chức phân dạng bài tập một cách khoa học, chi tiết, cung cấp cho học sinh các dạng bài tập một cách có hệ thống; Soạn thêm nhiều bài tập đơn giản và tương tự cho từng dạng để các em tự làm, lặp lại nhiều lần, giúp các em dễ khắc sâu kiến thức.
“Lấp hổng” kiến thức
Qua thực tiễn, thầy Trịnh Tiến Nam nhận định: Kiến thức có nhiều “lỗ hổng” là một “bệnh” phổ biến của học sinh yếu kém Toán. Vai trò của việc đảm bảo trình độ xuất phát là cần thiết, nhưng chỉ để phục vụ cho nội dung sắp học.
Còn việc lấp lỗ hổng về kiến thức kỹ năng là nhiệm vụ cần thiết nhưng mang tính tổng quát, không phụ thuộc ý đồ chuẩn bị cho một bài học cụ thể nào sắp tới, đây là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài nhất.
Thầy Trịnh Tiến Nam đưa ví dụ: Học sinh yếu kém Toán lớp 7 thường bị hổng kiến thức chủ yếu ở phần tập hợp số nguyên, các kỹ năng thực hiện các phép tính trên số nguyên, quy đồng mẫu các phân số.... đối với môn Đại số.
Môn Hình học, học sinh thường yếu ngay ở khâu đọc hiểu đề bài, chuyển ngôn ngữ lời nói (chữ viết) sang ngôn ngữ hình học (việc vẽ hình), việc tóm tắt giả thiết, kết luận, xác định phương hướng
chứng minh và việc trình bày chứng minh theo cấu trúc chặt chẽ.
Ở các buổi học phụ đạo, theo thầy Nam, nên tập trung vào bù lấp những lỗ hổng kiến thức thông qua việc nhắc lại kiến thức lý thuyết, đi đôi với hướng dẫn học sinh giải bài tập ở mức độ thấp và trung bình, có thể là tương tự để học sinh từ từ nắm lại kiến thức và hình thành kỹ năng.
Ví dụ, với nhóm học sinh yếu về kỹ năng cộng trừ số nguyên, một mặt, ở giờ học phụ đạo, giáo viên giúp học sinh nhớ lại cách thực hiện, đồng thời cho các em thực hành nhiều lần với bài tập đơn giản vừa sức để mau chóng lấy lại được kiến thức à kỹ năng cơ bản.
Mặt khác, giao bài tập về nhà và phân công học sinh khá kiểm tra giúp đỡ, hướng dẫn thêm.
Trong giờ phụ đạo, trước khi giáo viên đưa hệ thống kiến thức để lấp những lỗ hổng kiến thức cho học sinh, cần để các em tự phát hiện và nêu ra những lỗ hổng kiến thức của mình, biết cách tra cứu sách vở, tài liệu, học từ bạn để tự lấp những “lỗ hổng” đó.
Dẫn dắt HS học theo bậc thang Việc luyện tập theo trình độ chung sẽ không phù hợp với học sinh yếu kém, vì vậy, theo thầy Trịnh Tiến
Nam, nhóm này cần nhiều thời gian luyện tập hơn.
Đầu tiên phải tập cho học sinh cách đọc và hiểu rõ đề bài: Đề bài cho biết gì? Yêu cầu gì? Nếu học sinh không hiểu đề bài sẽ không thể tiếp tục quá trình giải toán để đưa lại kết quả đúng. Do đó, giáo viên cần dành nhiều thời giờ giúp học sinh vượt qua được vấp váp đầu tiên này (đối với hình học cần vạch rõ và ghi giả thiết, kết luận
bằng kí hiệu).
Đồng thời, cần chú ý gia tăng số lượng bài tập cùng loại, ngoài ra các bài tập phải được phân bậc với mức độ gần nhau, tăng dần.
“Được bước đi theo từng bậc thang vừa sức với mình, các học sinh yếu kém sẽ tự tin hơn, không còn cảm giác mơ hồ mất phương hướng và không dám “đi tiếp”.
Sự tự tin giúp các em có thể tự leo hết các nấc thang dành cho mình. Từ đó, dần dần chiếm lĩnh tri thức và kỹ năng cơ bản cần thiết. Các bậc thang dù có thấp song sự kiên trì và nghị lực mới là điều quan trọng giúp các em vượt qua tình trạng yếu kém hiện tại” - thầy Trịnh Tiến Nam chia sẻ.