Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

'Vua phá bom' và 4 lần được 'truy điệu sống'

GD&TĐ - Những năm tháng “vào sinh ra tử” ở chiến trường Điện Biên, với cựu binh Cao Xuân Thọ thì 4 lần “truy điệu sống” là những ký ức không thể nào quên.

Cựu binh Cao Xuân Thọ (bìa phải) cùng đồng đội.
Cựu binh Cao Xuân Thọ (bìa phải) cùng đồng đội.

Phá bom ở “ngã ba lửa” Cò Nòi

Căn nhà 3 gian đượm màu xưa cũ nép trong con ngõ nhỏ ở thôn Trinh Thọ, xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) là nơi “Vua phá bom” Cao Xuân Thọ (SN 1926) sinh sống.

“Vua phá bom”, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Cao Xuân Thọ nguyên là Đội trưởng Đội phá bom Đại đội 404 (Đội Thanh niên xung phong 40), 4 lần được đơn vị làm lễ “truy điệu sống” trước khi ra trận, 3 lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Năm nay 98 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm, với những di chứng của chiến tranh để lại trên cơ thể, tai ông Thọ đã không còn nghe rõ; lưng ông mất đi 3 - 4 đốt sống, 1 viên đạn vẫn nằm trong cơ thể… nhưng ở ông vẫn toát lên khí chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, 19 tuổi, thanh niên Cao Xuân Thọ xung phong vào đội tự vệ Thủ đô. Hai năm sau, chàng trai trẻ tình nguyện ra chiến trường, làm nhiệm vụ quân báo tại Cao - Bắc - Lạng. Tháng 3/1949, người lính trẻ được cử sang Trung Quốc học quân báo. Sau khi về nước, gia nhập Đội Thanh niên xung phong (TNXP), tham gia chiến dịch Hòa Bình, Thượng Lào và Điện Biên Phủ.

Trong thời gian phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của ông Thọ được phân công nhiệm vụ phá bom nổ chậm, dọn đường cho bộ đội. Ông Thọ được giao giữ chức vụ Đội trưởng Đội phá bom Đại đội 404, Đội TNXP 40.

Để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1953, Đoàn TNXP được thành lập với mật danh Đoàn X-P. Đơn vị của ông Thọ đảm nhận phá bom phục vụ kháng chiến ở “ngã ba lửa” Cò Nòi, nơi giao nhau của những con đường huyết mạch vào Điện Biên Phủ.

Trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngã ba Cò Nòi là điểm nối giữa Quốc lộ 41 với Quốc lộ 13, là một thung lũng hẹp và sâu, hai bên là đồi đất, nằm ở toạ độ rất thuận lợi cho không quân Pháp đánh phá. Tất cả mọi hoạt động chi viện lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực, dân công từ Yên Bái sang, từ Đồng bằng Bắc Bộ lên Điện Biên Phủ đều phải qua điểm nút ngã ba trọng điểm này.

Pháp triệt để lợi dụng điểm yếu của ngã ba Cò Nòi để tập trung không quân đánh phá ác liệt nhằm chặt đứt con đường huyết mạch duy nhất lên Điện Biên Phủ. Số lần đánh phá ngày một dầy đặc hơn, quy mô bán kính ngày một lớn, cứ 13 phút, địch lại ném bom bắn phá một lần. Có ngày chúng ném xuống đây 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom bươm bướm với trọng lượng 69 tấn thuốc nổ.

Trong vai trò là người chỉ huy, với sự mưu lược và dũng cảm, Cao Xuân Thọ cùng đồng đội không ngại lao vào mưa bom bão đạn, thực hiện nhiệm vụ phá bom nổ chậm, mở đường, góp phần bảo đảm thông suốt con đường huyết mạch vào Chiến trường Điện Biên Phủ huyền thoại.

Cựu binh Cao Xuân Thọ nhớ lại: “Tốp máy bay này vừa rời đi, tốp khác đã kéo đến là chuyện thường. Trong lúc chúng tôi còn chưa phá xong loạt bom nổ chậm vừa rải, bom mới đã lại thả xuống. Bom chồng bom thi nhau phát nổ, khói lửa ngập trời, núi rừng rung chuyển, đất đá văng tứ phía, hòa lẫn trong đó không ít máu, xương của các chiến sĩ TNXP mở đường. Nhưng bom đạn địch không thắng nổi ý chí của anh em chúng tôi. Các đại đội đã hạ quyết tâm “TNXP còn thì mạch máu giao thông được giữ vững”. Có những đêm mưa rét, TNXP phải nhịn đói chống lầy, dùng sức người đẩy ô tô chết máy qua đèo...”, ông Thọ bồi hồi nhớ lại.

Cựu binh Cao Xuân Thọ kể về những ký ức Điện Biên năm xưa.

Cựu binh Cao Xuân Thọ kể về những ký ức Điện Biên năm xưa.

Cựu binh Cao Xuân Thọ lần giở những tấm ảnh, kỷ vật về đồng đội.

Cựu binh Cao Xuân Thọ lần giở những tấm ảnh, kỷ vật về đồng đội.

Uống nước mắm lặn tìm phá bom

Đã có hàng trăm lần phá bom nổ chậm, thế nhưng có lẽ lần uống nước mắm, ngâm mình dưới nước để tìm bom, với cựu binh Cao Xuân Thọ là ký ức không bao giờ quên. Đó là vào hồi tháng 3/1954, ông được báo có bom nổ chậm nằm dưới suối sâu cách đường ngầm Tà Vài gần 4m.

Ông kể: “Trên lệnh cho đơn vị phải thực hiện phá quả bom này trước 18 giờ để người và ô tô kéo pháo qua đây. Vực thì sâu, nước thì lạnh, tôi chợt nhớ kinh nghiệm của người dân quê mỗi lần đi biển, liền chạy vào trung tâm chỉ huy xin vài lít nước mắm.

Đồng chí Trần Văn Cam uống 2 bát thì xuống nhưng vẫn không chịu được lạnh phải lên ngay, sau đó tôi uống hơn 3 bát rồi lặn xuống tìm. Khi lặn xuống độ sâu chừng gần 4m, tôi phát hiện quả bom nằm trong vách đá.

Tôi lên bờ nói với anh em buộc dây rừng vào lưng trước khi lặn, thống nhất với anh em, khi tôi ốp được bộc phá vào ngòi, dòng dây cháy chậm xong sẽ giật dây ba lần để anh em kéo lên bờ. Sau 20 phút kích nổ, một tiếng nổ vang trời, cột nước cao tung tóe hàng chục mét. Cầu Tà Vài được thông đường, thông xe an toàn làm tôi nhanh chóng quên mất cái lạnh, quên cả hiểm nguy vừa trải qua, chỉ còn lại một niềm vui vô bờ bến”.

Cựu binh Cao Xuân Thọ tự hào cho biết, sau lần phá bom đó, tổ của ông được tặng thưởng Huy chương Chiến công, còn ông thì vinh dự được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba.

Rồi ông kể, lần nào đi phá bom cũng xác định mình sẽ chết. Lúc đó, lòng căm thù cao đến mức coi mạng sống chẳng là gì, coi cái chết nhẹ bẫng. Bởi thế, khi nhắc về 4 lần được đơn vị làm “truy điệu sống”, ông Thọ cho rằng mình may mắn nên mới sống để chứng kiến chiến thắng. Nhiều đồng đội của ông cũng được “truy điệu sống” trước khi thực hiện nhiệm vụ, nhưng nhiều người trong số đó đã không thể trở về.

Kết thúc chiến dịch, Đội trưởng Đại đội phá bom 404 Cao Xuân Thọ đã trực tiếp phá được trên 100 quả bom các loại, vinh dự được Bác Hồ tặng 3 lần huy hiệu của Người, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba… Đặc biệt, với những đóng góp của mình cho đất nước, năm 2014, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.