Ký ức một thời của một nữ cựu chiến binh - Kỳ 2: Những cuộc hành quân dưới mưa bom bão đạn

GD&TĐ - ... Chúng tôi được lệnh hành quân dọc theo đường mòn giao liên, lúc đó gọi là đèo 1001 đi xuyên qua núi từ Quảng Bình sang Lào. Con đường này lúc đó rất khó đi, đường đất trơn tuột, dốc thẳng đứng, cánh lính kháo nhau độ cao của đỉnh núi phải đến 1001 m, cho nên được đặt tên là đèo 1001. 

Những nữ thanh niên xung phong trẻ trung, đầy sức sống và niềm tin (Ảnh tư liệu)
Những nữ thanh niên xung phong trẻ trung, đầy sức sống và niềm tin (Ảnh tư liệu)

Con đường ngoằn nguèo đi qua nhiều cánh rừng, lau sậy um tùm, vào những ngày mưa thì từng đoàn vắt đuổi theo đoàn quân đang vội vã. Nghe rào rào rồi những chú vắt cứ thế “tùy tiện” chui vào bất cứ đâu trên cơ thể mà “không hề xin phép”.

Đoàn quân đi với ngập tràn kỷ niệm

Trong đoàn hành quân có một vài đồng chí sợ vắt đến phát khóc, sợ thú rừng cũng khóc, mang vác nặng cũng khóc. Nhưng khóc thì chẳng có ích lợi gì, vì mọi người đều mải miết đi…, may ra chỉ có gió, mưa, và những chú vắt rừng nghe được.

Trong các cuộc hành quân tôi thường là người đi trước, nhưng cũng thường lộn lại đằng sau để xem có người nào tụt lại để còn giúp đỡ. Có đồng chí đã bỏ lại cả những bao tượng gạo, những tăng màn, quần áo, thế là tôi phải nhặt hết, mang theo trên đôi vai của mình có lúc đến hơn 50kg. Nếu không mang đi dọc đường lấy gì mà ăn, đồng chí mình lấy gì mà ngủ.

Có lệnh được nghỉ giải lao cả đoàn quân dừng lại, người thì nhanh nhẹn đi kiếm nước tranh thủ bắc ngay ăng gô lên để nấu cơm, một số đồng chí mệt quá nằm ngay ra vệ đường ngủ một giấc. Lúc này tôi tranh thủ đào vội cái bếp Hoàng Cầm và đi vào nhặt nhanh nắm củi để cho anh em cùng nấu vội ăng gô cơm.

Khổ nhất là khi đi qua Binh Trạm 14, địa danh "nước khe cạn bướm bay lèn đá" chính là ở đây, các dòng suối chẳng có lấy một giọt nước nào, thế là cả đoàn quân chia nhau múc đầy ắp những ăng gô nước ở khe đá cạn với những chú nòng nọc... đến khi nấu xong cơm thì nòng nọc cũng nằm lẫn gạo như là thức độn thêm vậy….ấy thế mà lính ta cứ chén hết sạch ăng gô cơm ngon lành…

Chúng tôi hay đùa nhau, nhờ có thêm “chất nòng nọc” nên sau khi ăn chúng tôi đi nhanh hơn. Tuy nhiên trong hàng quân cũng có sự cố xẩy ra, một số đồng chí kêu mất bao tượng gạo, đồng chí khác kêu mất súng, có cả đống chí mất cả tăng võng, lại có tiếng khóc thút thít của ai đó giữa hàng quân. Hóa ra khi trời nhập nhoạng tối, lính ta tranh thủ ngủ thế là cánh dân công hỏa tuyến đi qua họ “mượn” mất lúc nào không biết. Trong đêm tối âm u của núi rừng tiếng khóc cứ nghẹn lại như bị ai đó chặn ở cổ họng, chỉ nghe những tiếng nghèn nghẹn như tiếng chú cóc nghiến răng lúc trời chuẩn bị mưa.

Đoàn quân lại đi và rồi B52 rải thảm, chúng tôi đều những người lính đi từ các tỉnh thuộc các tỉnh miền Trung(lúc đó gọi là quân khu 4) nên chuyện bom đạn là lẽ thường tình. Có đi chiến trường hay ở nhà thì cũng vẫn bom đạn réo rắt cả ngày, chẳng mấy ai để ý, bom cứ thả và đoàn quân vẫn cứ đi.

Nhưng lần này thì không thể "bình thường" được nữa, bom ném đúng giữa đoàn quân, tôi đang đi phía trước thì bỗng nhiên có tiếng hét “nằm xuống”. Chưa kịp định thần thì cả đám lửa khồng lồ đã bùng lên, tiếng máy bay B52 rít qua đầu người. Đã là B52 rải thảm thì khi nghe tiếng bom nổ mới nghe được tiếng máy bay rít qua đầu, và có đến hơn chục đồng chí, chiến sỹ nữ đã vĩnh viễn ra đi....Một số đồng chí bị bỏng nặng được đưa quay lại hậu phương.

......Cũng có những cuộc hành quân được đi bằng ô tô tải chở đầy gạo, chúng tôi cả nam và nữ nằm chung với những bao gạo đầy ắp trên xe. Lấy bao gạo làm “vĩ tuyến 17” và ngủ thiếp đi, nhưng đến khi xe xóc mạnh thức dậy thấy mình đang ôm một “bao gạo” có hẳn cả "quần áo và cả râu". Thật kinh hoàng. ...Cả đoàn quân tạm nghỉ điểm lại quân số: thiếu mất một đồng chí nữ, hóa ra đồng chí này nằm trên gạo nên khi xe chạy xóc quá bị rơi xuống đường lúc nào không biết. Thôi thì để đơn vị khác cứu giúp, đoàn quân cứ thế mà đi....

Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu 

Cùng đi qua những tháng ngày ác liệt....

....Chúng tôi hành quân dọc các trạm giao liên đó là thời điểm chiến tranh ác liệt nhất, bởi thế mới có “Mậu Thân năm 1968” quân mình bị tổn thất ghê gớm. Với cái thế cài răng lược, nhiều nơi quân mình bị chặn hết mọi con đường chi viện và cảnh tượng đó cũng xảy ra với các trạm giao liên. Chúng tôi đi mỗi ngày qua được một trạm, càng lên cao càng mệt, đói, khát và những cảnh tưởng gặp dọc trạm giao liên đã làm cho chúng tôi vô cùng đau đớn vì sự hy sinh mất mát tổn thất quá lớn.

Nung nấu thêm ý chí quyết tâm hành quân, để đến đơn vị chiến đấu. Những cái vòng tăng ở các trạm giao liên vẫn còn đó, lác đác những thi thể đồng đội nằm trên võng, tay vẫn còn nắm chặt những lá thư, những tấm hình của mẹ, của vợ của con nhỏ và ra đi thanh thản, các anh ra đi không phải vì bom đạn mà vì đói, sốt rét, bệnh tật.

Đâu đấy vương vãi những lá thư, với những dòng chữ đã nhòe nhoẹt do mưa gió. Tận mắt chứng kiến bao nhiêu đồng đội hy sinh như vậy dọc theo đường giao liên, nhưng chẳng ai có thời gian để dừng lại chôn cất các anh. Chúng tôi mải miết đi, đi mãi mong đến đơn vị chiến đấu để trả thù cho đồng chí của mình.

Ba tháng trời hành quân, đói khát và bom đạn, thám báo rình rập, cái chết luôn luôn kề cận. Thế nhưng với sức trẻ và ý chí “vì miền Nam ruột thịt” đã thôi thúc chúng tôi nuốt nước mắt vào trong, đẩy căm thù giặc Mỹ xâm lược lên đến đỉnh đầu. Trong mỗi chúng tôi chỉ có một quyết tâm là phải vượt qua được chặng đường gian khổ, để sớm đến đơn vị tham gia chiến đầu nhanh nhất.

Dọc đường hành quân, chúng tôi đã gặp bao nhiêu thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, có cả phụ nữ, nam giới đồng bào Vân kiều, Pako đi tải đạn, tải gạo. Họ mang vác trên đôi vai của mình một trọng lượng hơn cả cơ thể, đi hết ngày nọ đến ngày kia để tiếp thêm gạo vũ khí cho tiền tuyến.

Thật cảm phục ....văng vẳng bên tai tôi bài hát: “Đi chiến trường gùi trên vai nặng trĩu” là như thế đó. Gặp nhau chưa kịp chào câu “đồng chí” đã vội vượt lên rồi, tiếng thở dốc, tiếng bước chân nặng nề là vậy nhưng chẳng có ai lùi lại phía sau. Tất cả đều cố gắng đi thật nhanh về phía trước, càng đi càng gặp những cán bộ y tế cùng những chiếc võng và trên đó là những người thương binh nằm bất động đi theo hướng ngược lại. Điều này cho thấy chiến trường ngày một gần hơn.

Dọc đường đi qua những bãi lau những đàn vắt, chạy nhanh theo đoàn quân và sau đó khi đã ăn no máu mấy chú vắt lại tự lăn ra khỏi cơ thể. Những người lính chẳng còn ai buồn nhớ là đã bị bao nhiêu con vắt cắn, và nó đã từ đâu chui ra khi đã no nê máu. Sau 3 tháng tôi và 3 đồng chí còn lại được phân công về Trung đoàn bộ trung đoàn 541 mà lúc bấy giờ gọi là Binh Trạm 41. Tôi được phân công về làm anh nuôi của trung đoàn bộ, một nhiệm vụ mới bắt đầu.

Thời gian làm anh nuôi cũng có những kỷ niệm vui, khi lính ta lẻn sang doanh trại của thanh niên xung phong ăn trộm áo "Cốc Sê" màu đỏ của chị em thanh niên xung phong, để đem đến cái chợ trong bản người Lào Thưng đổi lấy mấy con gà. Khi về ăn vừa mỉa mai sao gà hôm nay già thế, người ngoài không biết cứ thắc mắc là gà ngon thế sao lại bảo già. Mấy hôm sau các O thanh niên xung phong đến tận lán trại đơn vị bắt đền cánh lính trẻ, mấy cậu còn chỉ vào bụng ý nói nó đã vào hết dạ dày rồi.

Có lần, tôi đi ra vườn rau tăng gia để bón phân thì bất ngờ máy bay Mỹ bay vè vè trên ngọn cây. Đây là một loại máy bay trực thăng Bà già, chuyên dùng loa để chiêu hồi. Chúng ném cả những nắm truyền đơn xuống bãi rau mà tôi đang nấp, rà xuống sát vườn rau chắc chắn là đã bị lộ. Chiếc trực thăng bay thấp xuống thả ngay dây thang xuống, mấy tên lính ngụy ôm súng định nhảy dù. Không còn cách nào khác đành vác súng chĩa thẳng vào máy bay địch. Sau đó chạy thục mạng về đơn vị, rồi thông báo để được lệnh hành quân gấp. Mấy tiếng sau, cả doanh trại chúng tôi đã tan tành dưới những trận B52 oanh tạc.

Mời bạn đọc theo dõi tiếp Kỳ cuối: Chuyện tình yêu của lính 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ