Một người mẹ chưa chấp nhận
Liên quan đến vụ việc, trao đổi với báo chí, chị Hương cho biết, từ khi biết sự việc bị trao nhầm con cách đây 6 năm, chị bị sốc và không làm ăn được gì cả.
"Nhưng chỉ một mình nuôi con nên phải gượng dậy. Chị không phải kể công đâu, chị đã hy sinh tất cả vì con, không để con “thua” chúng bạn cái gì, bạn có gì con có cái đó. Con nhà chị rất quấn mẹ nên chị lo, nếu sau có đổi tráo rất sợ M. bỏ đi vì bạn này rất nhớ đường. Chị cho đi cùng mà các ngóc ngách ở Hà Nội bạn ý đều nhớ", chị Hương cho hay.
Chị Hương cũng khẳng định, sau khi biết được sự việc, chị đã rất "hợp tác" với gia đình anh Sơn.
Chị Hương cho biết: "Chị nghĩ, trẻ con phải có bồi bổ tâm lý vững chắc. Bây giờ, ngay cả con em, biết tin mà đón về luôn, dám chắc nó sẽ không bình thường được. Sau 3 ngày biết sự thật, phía BV đến và yêu cầu giao con, chị đã nói với họ rằng: “Tôi phải đảm bảo cho con tôi đến bước đường cuối cùng, khi tôi nuôi dạy nó và không được nuôi nó đến lúc cháu an toàn”. Con nhà chị nuôi, gần đây nhất mới uống sữa nội, còn hầu như toàn sữa ngoại. Con chị ở đâu, em có thể hỏi nơi chị cư trú xem chị chăm con thế nào".
Về việc chưa sẵn sàng giao con, chị Hương lý giải: "Tối hôm kia, gần đây nhất, khi ngồi khoanh chân xem tivi, M lẩm nhẩm: “M là con mẹ H; M là con mẹ H..”. Chị đã nói với cháu rằng, con ở đâu con vẫn là con của mẹ, con không phải lẩm nhẩm thế. Chị cũng khuyên con nhiều nhưng không được. Chị nói với vợ chồng Sơn – Hiền: “Em cứ từ từ để cho con có thời gian”. Chị mà ở quê, con cái cũng ở quê thì nó sẽ giống nhau. Hai đứa con chị chỉ ở với mẹ nên nó chỉ biết mẹ thôi".
Theo chị Hương, mấu chốt của việc chưa giải quyết được vấn đề ở đây là do bệnh viện và phía bệnh viện phải chịu trách nhiệm.
Phía tòa án: Thủ tục pháp lý chưa cho phép
Liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Đức Thưởng - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Ba Vì cho biết, đơn vị đã nhận được đơn của anh Phùng Giang Sơn gửi đến tòa án để giải quyết sự việc trao nhầm con sau sinhkhi ở Bệnh viện Đa khoa Ba Vì.
Ông Thưởng cho hay, chúng tôi vẫn luôn mong các bên có thể hòa giải với nhau, tránh kiện tụng ảnh hưởng đến cuộc sống từng gia đình và bản thân các cháu. Còn nếu nhất quyết phải đưa ra tòa thì chúng tôi sẽ làm đúng theo quy định pháp luật
Tuy nhiên, theo ông Thưởng, hiện tại tòa vẫn chưa thể xử lý sự việc này vì còn một số vấn đề pháp lý vướng mắc.
Ông Thưởng thông tin thêm, trước đây, hai vợ chồng chị Hương đã ly hôn, trong quyết định tòa án ghi rất rõ cháu Đoàn Nhật M. là con chung của vợ chồng chị Hương. Bởi vậy, muốn đưa sự việc này ra tòa giải quyết, chúng tôi phải kiến nghị lên Tòa án cấp cao Hà Nội tái thẩm lại, bỏ phần con chung trong quyết định ly hôn. Như vậy mới có thể xét xử và trao con về đúng với bố mẹ các cháu.
Thêm nữa, theo ông Thưởng, kết quả xét nghiệm ADN hiện nay chỉ là một văn bản thông báo, nếu xét về luật thì không đủ pháp lý. Vì thế, đơn vị xét nghiệm phải đưa ra kết luận khẳng định kết quả này là đúng thì chúng tôi mới có căn cứ để xử lý.