Vũ khí hạt nhân và cuộc 'ly hôn' giả giữa quốc phòng Mỹ và châu Âu

GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu của Nga Viktor Litovkin, vũ khí hạt nhân mới của Mỹ ở châu Âu vi phạm cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Đầu đạn hạt nhân của tên lửa Trident II D5.
Đầu đạn hạt nhân của tên lửa Trident II D5.

Ly hôn giả

Viktor Litovkin cho rằng, không có "lời lẽ cường điệu nào từ phía các nhà lãnh đạo châu Âu" về việc "tạo khoảng cách" với Washington có thể thuyết phục được Nga rằng Mỹ sẽ khép lại chiếc ô hạt nhân của mình trên khắp châu Âu.

"Trên thực tế, họ sẽ rất vui nếu Mỹ tiếp tục nắm giữ chiếc ô hạt nhân trên đầu họ, và bản thân Mỹ tiếp tục làm như vậy, chỉ đơn giản là yêu cầu các nước châu Âu phải trả nhiều hơn đáng kể cho an ninh của họ so với hiện nay", Litovkin nói.

Đối với các loại bom hạt nhân trọng lực B61-12 mới, bắt đầu có mặt tại châu Âu vào tháng 1, sự hiện diện của chúng báo hiệu sự sẵn sàng tiếp tục phớt lờ các nghĩa vụ theo hiệp ước của Mỹ và NATO, Litovkin cho biết, đồng thời coi việc triển khai chúng là "vi phạm nghiêm trọng" các cam kết của Mỹ theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Học giả Litovkin nói: "Vấn đề không chỉ là triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước ngoài tại sáu căn cứ ở năm quốc gia (Ý, Hà Lan, Bỉ, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ), mà còn là việc Mỹ đã huấn luyện phi công từ các quốc gia này sử dụng những quả bom này, trang bị cho máy bay của họ các thiết bị để sử dụng những quả bom này" và tạo điều kiện cho hoạt động của họ từ các căn cứ Baltic ngay cạnh Nga.

"Hiệp ước NPT nêu rõ rằng một cường quốc hạt nhân không được trực tiếp hoặc gián tiếp, dưới bất kỳ lý do nào, thông báo cho các quốc gia khác không sở hữu vũ khí hạt nhân về hoạt động, lưu trữ hoặc sản xuất vũ khí hạt nhân", nhà phân tích quân sự chỉ ra.

Tuy nhiên, Litovkin không tin rằng các cường quốc châu Âu sẽ quyết định kích hoạt một cuộc tấn công hạt nhân độc lập vào Nga mà không có lệnh từ Mỹ, "bởi vì NATO là công cụ của Mỹ trong việc quản lý châu Âu, chứ không phải là một cơ quan hay tổ chức độc lập".

Theo nhà quan sát, chiến lược hạt nhân của NATO là nhằm gây "áp lực" lên Nga như một phần của chiến lược Jekyll và Hyde rộng lớn hơn về "kiềm chế và đối thoại".

Hiệu quả của chiến lược này lại là một câu chuyện khác, theo Litovkin, người chỉ ra rằng khả năng răn đe hạt nhân của Nga hiện đã được hiện đại hóa 95%, trong khi Mỹ, quốc gia đã cam kết 2 nghìn tỷ đô la cho quá trình hiện đại hóa, vẫn thiếu các tên lửa chiến lược mới đã hứa từ lâu.

Hiện nay Mỹ đang gặp vấn đề với kho vũ khí chiến lược Minuteman III và Trident, thậm chí còn gặp khó khăn trong việc làm giàu uranium cấp độ vũ khí.

Giấc mơ của châu Âu

Sau 75 năm tồn tại, NATO đang đối mặt với thách thức từ chủ nghĩa biệt lập của Mỹ. Những phát biểu gần đây của Tổng thống Donald Trump về việc giảm dần sự hiện diện quân sự tại châu Âu đã thổi bùng tranh luận về khả năng tự chủ phòng thủ của EU.

Hiện nay, Mỹ vẫn duy trì 100.000 binh sĩ và 100 vũ khí hạt nhân chiến thuật tại 5 quốc gia châu Âu. Nhưng nếu những con số này suy giảm, ý tưởng "châu Âu hóa" kho vũ khí hạt nhân của Pháp và Anh – từng bị lãng quên – có thể hồi sinh.

Giáo sư Tom Sauer tại Đại học Antwerp ở Bỉ cho rằng: "Nếu Mỹ rút lui, việc Pháp và Anh chia sẻ răn đe hạt nhân với EU sẽ trở nên khả thi".

Điều này từng được Pháp đề xuất dưới tên gọi "dissuasion concertée" (răn đe phối hợp), nhưng vấp phải sự im lặng từ Đức. Tuy nhiên, lần này, lãnh đạo đảng CDU Friedrich Merz, Thủ tướng tiếp theo của Đức đã bày tỏ thiện chí, dù NATO vẫn tồn tại.

Giáo sư Sauer kết luận châu Âu đang đứng trước hai lựa chọn: Theo đuổi chủ quyền hạt nhân đầy rủi ro, hoặc xây dựng an ninh dựa trên hợp tác và tin cậy.

Eurobomb không chỉ tốn kém (cả về tài chính lẫn chính trị), mà còn làm sâu sắc thêm chia rẽ toàn cầu. Thay vào đó, EU cần tận dụng sức mạnh mềm, thúc đẩy đối thoại, và chứng minh rằng an ninh thực sự đến từ đoàn kết, không phải từ những quả bom.

Dù ý tưởng "châu Âu hóa" kho vũ khí hạt nhân của Pháp và Anh có thể hồi sinh nhưng việc Mỹ chịu từ bỏ chiếc ô hạt nhân của Mỹ là điều gần như không thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Nhà vua Bỉ Philippe. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Nhà vua Bỉ

Chiều 1/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Nhà vua Vương quốc Bỉ Philippe đang có chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam.