Nhìn nhận về dạy học phân hóa sau một giai đoạn triển khai chương trình mới, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đề xuất một số vấn đề cần quan tâm nhằm hiện thực hóa mục tiêu của dạy học phân hóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.
Nền tảng phát triển toàn diện
- Giáo sư đánh giá thế nào về thực trạng triển khai dạy học phân hóa trong Chương trình GDPT 2018 thời gian qua?
- Chương trình GDPT 2018 nhấn mạnh mục tiêu dạy học phân hóa nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh, phát triển năng lực và phẩm chất cá nhân, đồng thời chuẩn bị cho học sinh nền tảng vững chắc để tiếp tục học tập hoặc gia nhập thị trường lao động.
Dạy học phân hóa trong Chương trình GDPT 2018 bao gồm cung cấp một hệ thống môn học bắt buộc và tự chọn để học sinh có thể lựa chọn môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp và sở thích.
Chương trình cũng khuyến khích trường THPT tổ chức các hoạt động học tập linh hoạt, như chuyên đề học tập, hoạt động ngoại khóa, chương trình giáo dục hướng nghiệp, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp từ sớm. Tính phân hóa này không chỉ tạo cơ hội cho học sinh chọn lựa môn học theo sở thích, mà còn giúp phát triển năng lực chuyên môn sâu trong các lĩnh vực mình quan tâm; từ đó tạo nền tảng vững chắc cho việc học tập lâu dài sau khi tốt nghiệp THPT.
Triển khai dạy học phân hóa trong Chương trình GDPT 2018 tại Việt Nam đã đạt một số thành tựu đáng kể, tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện của học sinh và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Một trong những thành tựu rõ rệt nhất là sự đa dạng trong các môn học tự chọn.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các chuyên đề học tập mang lại hiệu quả tích cực. Dạy học các chuyên đề học tập với hình thức khác nhau không chỉ giúp học sinh có cơ hội khám phá và phát triển sở thích cá nhân, mà còn tăng cường khả năng định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Năm 2020, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 hướng dẫn việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, đồng thời tổ chức tập huấn cán bộ quản lý và giáo viên (mô-đun 4 trong số 9 mô-đun theo Quyết định 4660/QĐ-BGDĐT ngày 4/12/2019 ban hành danh mục các mô-đun bồi dưỡng giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán để thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông).
Trong quá trình triển khai, nhiều trường đã xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp, phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất hiện có. Trên cơ sở đó, học sinh lựa chọn các tổ hợp môn học dựa theo định hướng nghề nghiệp do nhà trường thiết kế, thay vì chọn từng môn học riêng lẻ.
Trường hợp có 2 tổ hợp trong cùng một định hướng nghề nghiệp, nhà trường sẽ sắp xếp học sinh phù hợp nhằm tối ưu nguồn lực. Để tạo điều kiện thuận lợi, các trường đã công bố sớm và rõ ràng các tổ hợp môn học, số lớp và tiêu chí đăng ký để học sinh và cha mẹ hiểu rõ, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp. Ngoài ra, vai trò tư vấn, định hướng của nhà trường, phụ huynh rất quan trọng, giúp học sinh hiểu ý nghĩa việc lựa chọn tổ hợp môn học thay vì chọn theo sở thích cá nhân từng môn.
Một thành tựu khác là sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường phổ thông và cơ sở giáo dục đại học trong tổ chức chương trình giáo dục hướng nghiệp, hoạt động ngoại khóa. Điều này không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về ngành nghề, mà lựa chọn đúng đắn các môn học theo định hướng nghề nghiệp từ sớm.
Đây là một trong những yêu cầu của dạy học phân hóa và là định hướng quan trọng của giáo dục hướng nghiệp mà Chương trình GDPT 2018 đã phần nào đạt được. Kết quả này khắc phục một số khó khăn trong chương trình cũ gặp phải, dù trên thực tế cần tiếp tục đánh giá hiệu quả việc tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, cũng như hướng nghiệp nói chung bằng nhiều hình thức, phương thức khác nhau.

Lựa chọn và dạy môn học lựa chọn
- Ngoài kết quả đạt được như đề cập ở trên, triển khai dạy học phân hóa thời gian qua có những hạn chế, tồn tại nào, theo Giáo sư?
- Bên cạnh kết quả đạt được, triển khai dạy học phân hóa ở THPT theo Chương trình GDPT 2018 còn những hạn chế và đặt ra một số vấn đề cấp thiết cần giải quyết.
Thứ nhất, công tác tư vấn lựa chọn môn học cho học sinh ở THCS chưa hiệu quả. Nhiều học sinh và phụ huynh còn lúng túng trong lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp tương lai. Điều này dẫn đến mất cân đối tỷ lệ lựa chọn giữa các nhóm môn học, như các môn thuộc nhóm Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và môn khác, gây áp lực trong tổ chức giảng dạy tại cấp THPT.
Thứ hai, tổ chức dạy học các môn lựa chọn ở lớp 10 còn gặp khó khăn do yêu cầu kết hợp giữa nội dung cốt lõi và các chuyên đề học tập. Việc tổ chức triển khai các chuyên đề chưa đồng đều, thiếu sự kết nối, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục phân hóa.
Bên cạnh đó, đánh giá kết quả học tập của các môn lựa chọn cũng đặt ra nhiều thách thức. Việc đánh giá thường xuyên, định kỳ và trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT cần thống nhất; nhưng hiện nay chưa có quy định cụ thể về cách thức và tỷ trọng đánh giá các môn học này.
Tính liên thông và đồng bộ đối với tuyển sinh đại học cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Các trường đại học chưa chuẩn bị kịp phương án tuyển sinh để tiếp nhận thí sinh từ các tổ hợp môn học khác nhau, khiến học sinh gặp khó khăn trong chọn môn học phù hợp với yêu cầu tuyển sinh.
Ngoài ra, một số vấn đề khác như đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng, đặc biệt đối với các môn học mới trong nhóm lựa chọn. Điều kiện cơ sở vật chất ở nhiều địa phương còn hạn chế, không đủ để đáp ứng yêu cầu chương trình mới.
- Vậy đâu là những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, tồn tại trên?
- Nguyên nhân của những hạn chế này xuất phát từ nhiều yếu tố.
Thứ nhất, về nhận thức, nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh thiếu thông tin và chưa hiểu rõ tầm quan trọng của dạy học phân hóa cũng như mục tiêu định hướng nghề nghiệp của chương trình.
Thứ hai, về năng lực, một bộ phận giáo viên chưa được đào tạo đầy đủ để giảng dạy các môn học mới hoặc tổ chức các chuyên đề học tập mở rộng.
Thứ ba, điều kiện cơ sở vật chất ở nhiều trường học, đặc biệt ở khu vực nông thôn và miền núi, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học phân hóa, dẫn đến khó khăn trong tổ chức các tổ hợp môn.

5 giải pháp quan trọng
- Từ nhìn nhận kết quả đạt được, những vấn đề còn hạn chế và phân tích nguyên nhân, Giáo sư có thể gợi ý các giải pháp để triển khai dạy học phân hóa trong Chương trình GDPT 2018 hiệu quả hơn thời gian tới?
- Từ hạn chế và nguyên nhân đã phân tích ở trên, có thể xem xét một số giải pháp triển khai dạy học phân hóa trong Chương trình GDPT 2018, trong đó nhấn mạnh vấn đề tăng cường tư vấn tuyển sinh, xây dựng chương trình giáo dục linh hoạt, phát triển năng lực đội ngũ giáo viên, nâng cao nhận thức cộng đồng và hỗ trợ hướng nghiệp cho học sinh.
Tăng cường công tác tư vấn tuyển sinh lớp 10 cho học sinh các lớp cuối cấp THCS là yêu cầu đầu tiên. Việc tư vấn tuyển sinh lớp 10 cho học sinh cần thực hiện sớm và hệ thống, đặc biệt đối với học sinh lớp cuối cấp THCS. Tư vấn nên được thực hiện qua nhiều hình thức nhằm tạo cơ hội cho học sinh và phụ huynh hiểu rõ các môn học lựa chọn trong Chương trình GDPT 2018.
Học sinh cần được cung cấp đầy đủ thông tin về ngành nghề, cơ hội nghề nghiệp trong tương lai, mối liên hệ giữa các tổ hợp môn học với ngành nghề. Việc này giúp học sinh lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của bản thân.
Cùng đó, cần nâng cao năng lực xây dựng chương trình nhà trường đảm bảo các yêu cầu về phát triển năng lực học sinh phù hợp với bối cảnh cụ thể của nhà trường. Chương trình dạy học phân hóa tại trường THPT cần bảo đảm tính giáo dục toàn diện, không chỉ đáp ứng yêu cầu kiến thức chuyên môn, mà còn phát triển năng lực của học sinh, giúp các em chuẩn bị tốt cho tương lai.
Nhà trường cần xây dựng các tổ hợp môn học một cách linh hoạt, đảm bảo mỗi học sinh có thể phát huy tối đa tiềm năng cá nhân. Việc này cần căn cứ vào điều kiện thực tiễn của trường, như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, nhu cầu học tập của học sinh.
Phát triển năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên về tổ chức dạy học phân hóa trong Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT là yếu tố cần tính đến. Để triển khai hiệu quả dạy học phân hóa, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cần hiểu sâu sắc quan điểm tiếp cận về dạy học phân hóa, cách tổ chức lớp học linh hoạt và đánh giá học sinh trong môi trường dạy học phân hóa.
Việc tổ chức dạy học các chuyên đề học tập hiệu quả bên cạnh nội dung cốt lõi cũng là vấn đề cần quan tâm. Đây là yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng giáo dục phân hóa tại các trường THPT.
Tăng cường truyền thông và các chính sách hỗ trợ hướng nghiệp trên bình diện chung theo định hướng nghề nghiệp vô cùng quan trọng. Cần triển khai chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh và cộng đồng về các mô hình phân hóa trong giáo dục và tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh.
Ngoài tư vấn trực tiếp, các trường có thể tổ chức buổi gặp gỡ với chuyên gia, tổ chức buổi hướng nghiệp, hội thảo nghề nghiệp để học sinh hiểu rõ hơn về ngành nghề tương lai và sự liên kết giữa các môn học và yêu cầu nghề nghiệp.
Cuối cùng, cần nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh, giáo viên, cộng đồng về dạy học phân hóa ở cấp THPT nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện học sinh. Các trường học cần tổ chức hoạt động truyền thông để giúp bên liên quan hiểu rõ hơn về cơ hội học tập, nghề nghiệp và vai trò việc lựa chọn môn học trong phát triển năng lực cá nhân.
Các hoạt động truyền thông cần được triển khai đồng bộ, bao gồm các buổi tọa đàm, sự kiện, tài liệu hướng dẫn để giải thích chi tiết về lợi ích, mô hình và quy trình của dạy học phân hóa. Việc này sẽ giúp tạo dựng sự đồng thuận trong cộng đồng và thúc đẩy quá trình triển khai chương trình giáo dục phân hóa ở cấp THPT, từ đó đạt được hiệu quả cao nhất trong việc phát triển toàn diện học sinh.
- Xin cảm ơn Giáo sư!
Dạy học phân hóa nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh bằng cách điều chỉnh phương pháp, nội dung và cách thức tổ chức lớp học sao cho phù hợp khả năng, sở thích và nhu cầu từng học sinh. Việc áp dụng dạy học phân hóa cũng giúp giáo viên theo dõi, hỗ trợ học sinh một cách linh hoạt hơn trong quá trình học. Dạy học phân hóa không chỉ tạo ra môi trường học tập linh hoạt, mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện, giúp các em sẵn sàng đối mặt với những thử thách trong học tập và cuộc sống. - GS.TS Huỳnh Văn Sơn.