Vinh quang nhưng cũng đầy nghiệt ngã - nếu ai đó dấn thân vào nghiệp văn. Để thành công, một sự thật không thể chối cãi- đó là tùy thuộc vào “vốn” của nhà văn. Vốn và tài năng-sẽ giúp tác phẩm được tạc lưu danh trong lòng bạn đọc. Quan niệm về vốn của nhà văn và tầm quan trọng của vấn đề này như thế nào, ta có thể hình dung và lắng nghe tiếng nói của những người trong cuộc.
* Đặng Khánh Cường (nhà thơ -họa sĩ - Hội nhà văn Hà Nội): Nhà văn phải kiểm soát được vốn của mình
Vốn là những tích tụ đa dạng trong con người nhà văn để làm nên tác phẩm văn học. Đã là con người, ai cũng có và cũng cần sử dụng vốn sống để sống và làm việc tốt hơn. Với nhà văn, vốn sống giàu có hơn bởi anh ta có ý thức gom nhặt, phân loại, sắp đặt nó để làm nguyên liệu tái tạo một cuộc sống khác, ở đó tư tưởng, thái độ của nhà văn được bộc lộ giá trị với bạn đọc. Mỗi cá nhân có cách gom nhặt, lưu giữ vốn sống một kiểu. Giống như muốn xây dựng ngôi nhà, nhất thiết phải có nguyên vật liệu. Tùy theo thể loại, mà tác giả chọn cách khai thác vốn sống khác nhau. Vốn sống cũng tự mất đi theo năm tháng, nếu ai đó quá tin vào trí nhớ, không chịu khó ghi chép hay sử dụng các biện pháp lưu giữ khác hỗ trợ.
Cũng giống như xây dựng, nhà văn cần có khả năng sử dụng vốn sống hợp lý. Hợp lý ở đây là tùy thuộc vào thể loại, qui mô của từng tác phẩm để đưa vốn sống tái tạo một cách không khiên cưỡng. Sử dụng vốn sống cho một bài thơ khác hẳn với cho một truyện ngắn, càng khác xa với một tiểu thuyết. Vốn sống không được tùy tiện bước vào tác phẩm khi không được nhà văn kiểm soát
Nghề văn sở dĩ được loài người kính trọng không phải chỉ do tài năng, thái độ nhà văn trước cuộc sống, cái chính là do giá trị nhiều mặt của tác phẩm mang đến cho bạn đọc. Giá trị của tác phẩm là làm cho con người biết nhận ra cái đẹp, biết sống tốt hơn, biết yêu thương và chia sẻ với đồng loại hơn, biết căm ghét cái ác, cái xấu và quyết tâm tiêu diệt nó.
*Nguyễn Thế Kiên - Hội VHNT tỉnh Nam Định: Đọc để tích lũy vốn!
Một tác phẩm văn chương từ cổ chí kim thường được hình thành bởi ba yếu tố: Cảm xúc, tài năng và vốn sống. Trong ba yếu tố ấy thì cái “Vốn” của nhà văn đã chiếm hai rồi, đó là tài năng và vốn sống!
Trong cái kho tàng văn chương đồ sộ của nhân loại không ai có thể đọc tất cả, nhưng những tác phẩm tiêu biểu và kinh điển về văn chương thì người viết nên đọc kỹ! Đọc cái đã qua ta như được trở về quá khứ, được sống cùng thời gian và cổ tích, ta nắm bắt được cái thâm ý sâu sắc mang tính chất triết lý của người xưa, đọc cái đang diễn ra để có cái nhìn khái quát và đầy đủ hơn về thời mà mình đang sống. Đó là cách tích luỹ vốn hiệu quả nhất!
Xã hội ngày nay phát triển mạnh, với sự bùng nổ về các phương tiện truyền thông thì bên cạnh việc đọc là việc chủ động tìm hiểu thực tế và cập nhật cuộc sống. Cuộc sống luôn luôn thay đổi, những điều vừa là triết lý của hôm qua ngay ngày hôm nay có thể đã lỗi thời! Từ thực tế ngàn đời ấy, nếu người cầm bút xa rời cuộc sống, không vận động tư duy của mình theo sự phát triển của cuộc sống, không liên tục cập nhật để có cái Vốn hiện tại, thì chắc chắn anh ta sẽ cho ra đời những tác phẩm tụt hậu, không mang hơi thở và nhịp đập của cuộc sống hôm nay!
Vốn là nguyên liệu chính để người viết tạo ra sản phẩm văn chương. Cái vốn ấy là do lao động văn chương mà có. Còn một thứ vốn khác mà người viết không tự tạo ra được, đó là tài năng trời phú cho người viết! Nói một cách dân dã thì đây là cái phần công thức, bản vẽ để sắp xếp và xử lý phần “nguyên liệu chính” kia!
* Nguyễn Thị Ngọc Yến (Hội VHNT tỉnh Yên Bái): Thực tế cuộc sống chính là vốn quan trọng nhất!
Vấn đề tích luỹ vốn đối với nhà văn là một vấn đề có tính nóng, đóng vai trò quan trọng trong cách hình thành nhận thức, cách nhìn nhận và tầm nhìn của mỗi nhà văn. Đây là yếu tố quyết định để tạo nên chất lượng, giá trị của mỗi tác phẩm.
Tôi chưa có một phương thức cụ thể để tích luỹ vốn cho riêng mình nhưng với thời gian cầm bút ngắn ngủi, tôi chú ý đến năm yếu tố mà người cầm bút cần lưu tâm: Đọc- Học – Đi – Nghĩ và Viết.
Theo tôi, “đọc” đóng vai trò cốt lõi, là vấn đề tự giác của mỗi người, là quá trình tích luỹ để đòi hỏi sự kiên trì, cần mẫn và một tấm lòng yêu văn chương. Các thế hệ đi trước đã để lại rất nhiều những điều đáng kể cho chúng ta phải đọc, thế giới ngày nay cũng có rất nhiều vấn đề đặt ra mà chúng ta cần phải biết. Học: Có những người may mắn được học hành, đào tạo ở những trường lớp chính quy, điều đó là rất tốt, song cũng có một số trường hợp tự học. Mỗi hình thức có một ưu thế riêng nhưng quan trọng là phương thức học và ý thức học của mỗi cá nhân đến đâu. Đi: Tôi luôn tâm đắc một câu nói “Không có sự hư cấu nào tốt hơn hiện thực” do đó điều tối quan trọng là chúng ta phải đi, phải xâm nhập vào thực tế, đó chính là những vốn sống vô cùng sinh động, tạo nên cái nhìn đa dạng, đa chiều, cái nhìn toàn diện và bao dung. Song tôi nghĩ đây cũng chính là điểm còn nhiều bất cập của người cầm bút trẻ hiện nay. Sáng tác một chỗ thường mang đến những tác phẩm hư cấu và ảo tưởng, ít mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Nghĩ: Với tôi đây là yếu tố then chốt. Nếu như công việc viết lách như nấu một bữa ăn ngon thì đây chính là khâu pha chế nêm nếm gia vị cho các món ăn. Sự nhào nặn tư duy, sự khắt khe trong suy nghĩ và cách thức suy nghĩ của từng người sẽ tạo nên một phong cách văn chương với những nét độc đáo riêng. Nếu anh chỉ đọc chỉ học chỉ đi rồi để đó thì tất cả rồi cũng qua đi không giải quyết được vấn đề gì cả. Viết: Đây là một công việc cần thiết của mỗi người viết. Viết liên tục, viết hàng ngày, viết bất cứ điều gì mà mình tâm đắc và ngay cả viết nhật ký cũng là một cách để chúng ta rèn luyện cây bút, đem lại sự nhuần nhuyễn, tạo hứng thú cảm xúc thường trực trong mỗi người viết.
Còn việc viết thế nào, viết hay đến đâu lại là tài năng của mỗi người.
“Vốn liếng” đó có thể tạo nên những tác phẩm để đời, những tên tuổi đáng lưu danh vào sử sách, nhưng cũng có thể với nguồn “Vốn” nghèo nàn và thiên lệch sẽ tạo ra những tác phẩm văn chương phản cảm, vô giá trị hoặc nhẹ hơn là những tác phẩm kém giá trị không đủ đáp ứng yêu cầu của độc giả.
* Nguyễn Hương Duyên - Hội VHNT Quảng Bình: Tác phẩm hay tùy thuộc vào độ “chín” của vốn.
Phần lớn các nhà văn đều quan niệm muốn có vốn sống thì phải thực sự dấn thân, cùng ăn cùng ở cùng làm với đối tượng văn học hướng đến mới có tác phẩm thật sống động. Thực tế này không thể phủ nhận. Nhưng gần đây, một số nhà văn lại quan niệm khác: Sự giao thoa rộng rãi trong xã hội, những sự kiện, tin tức diễn ra hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, hay trong cuộc sống thường nhật, thì ở mảng này hay mảng kia người tinh nhạy vẫn thu nhận được vốn sống đầy đủ.
Vốn với người khác có thể là đọc, là tích luỹ kiến thức qua sách vở. Có khi là khả năng quan sát thật nhạy bén, tinh tế. Người không viết văn chỉ quan sát câu chuyện ở góc độ không phát triển, mọi cái chỉ kết thúc ở đấy. Nhưng nhà văn phải nắm bắt, phân tích và khuếch đại nó lên. Nhiều khi chỉ cần một biểu lộ trên nét mặt ai đó, hoặc một cử chỉ là đã có một chi tiết để khắc hoạ chân dung nhân vật.
Với người viết văn, ai cũng có phương pháp tích luỹ và sử dụng vốn của riêng người ấy. Không ai giống ai, cốt yếu phương pháp ấy đem lại hiệu quả tích cực nhất. Có cái gọi là vốn tác giả “bắt” được và viết ngay nóng hổi, hoàn thành tác phẩm trong thời gian ngắn. Nhưng có cái gọi là vốn khác tác giả phải thai nghén rất lâu có khi hàng chục năm trời mới có thể đặt bút viết. Tất cả tuỳ thuộc vào độ “chín” của vốn.
* Đào Thị Kim Anh - Hội VHNT tỉnh Kiên Giang: Không bao giờ có tác phẩm hay dành cho tất cả mọi người.
Về vốn, tôi tự tin nói rằng: Các nhà văn rất giàu vì đã được thừa kế tự ngàn xưa một kho tàng vốn do thiên nhiên và con người để lại. Nguồn vốn mênh mông vô tận có ở khắp nơi, ta có thể gặp ở bất kỳ chỗ nào, nhưng để dung nạp và tích luỹ cần có nhiều phương pháp
Việc đi thực tế tìm vốn bằng cách dấn thân sẽ làm nhiều người ái ngại, nhất là những bạn làm cán bộ công chức, ăn lương nhà nước. Nên điều này chỉ dành cho những ai có thời gian, dám sống và viết, dám đeo đuổi nghiệp chướng văn chương bằng cách: “Sống bằng nghề!”
Đi, sống và viết... ngoài việc có thêm vốn, sẽ còn bắt được nhiều ý tưởng đến bất chợt. Ý tưởng luôn dành phần cho những ai dám sống, dám viết và ưu ái nhiều cho những ai dám sống bằng nghề. Tư duy của mỗi nhà văn sẽ mới hơn, nhân văn hơn... Tôi cho rằng, yên tâm mà viết, truyện không được in hôm nay, thì thời gian sau sẽ được. Không được cấp quốc gia in, thì đã có các tuần báo cấp thành phố và cấp tỉnh... Sự kiên nhẫn ấy có từ trong sự an ủi của chính mình: “Mỗi người đều có một cách cảm nhận riêng, nên không bao giờ có tác phẩm hay dành cho tất cả mọi người!”
(thực hiện)