Gặp gỡ các thầy cô giáo, TS Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT có những chia sẻ chân tình, động viên các giáo viên.
Cùng dự buổi gặp mặt có ông Nguyễn Phi Long – Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, TS Võ Văn Thành Nghĩa -Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long, đại diện các lãnh đạo của các Vụ, Cục (Bộ GD&ĐT),…
Sự hi sinh thầm lặng
Bằng tấm lòng, sự tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì học sinh thân yêu, các thầy cô giáo đã được cha mẹ học sinh, chính quyền, nhân dân địa phương tin yêu và gọi là “giáo viên cắm bản”. Tôi rất chia sẻ với những khó khăn và sự hi sinh thầm lặng của các thầy cô...
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ: “Năm 2015, để triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” do Đại hội toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (LHTNVN) phát động, Trung ương Hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long, tổ chức chương trình tri ân các thầy cô giáo tiêu biểu.
Tôi được biết, các thầy cô giáo được vinh danh trong Chương trình tri ân các thầy cô giáo tiêu biểu năm 2015 là các giáo viên tiêu biểu xuất sắc đang công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo, có thời gian công tác từ 3 năm trở lên, trong đó có những thầy cô như cô giáo Nguyễn Thị Hương Bình đã có hơn 20 năm gắn bó với giáo dục huyện nghèo vùng biên giới Quản Bạ (Hà Giang); cô Hoàng Thị Hương đã có 17 năm gắn bó với giáo dục huyện nghèo Thông Nông (Cao Bằng); ...
Tuy điều kiện công tác còn nhiều khó khăn nhưng thầy cô giáo đã nỗ lực hết mình, không chỉ truyền đạt kiến thức cho các em mà còn chăm lo cho các em học sinh ở xã từ bữa ăn đến giấc ngủ.
Bằng tấm lòng, sự tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì học sinh thân yêu, các thầy cô giáo đã được cha mẹ học sinh, chính quyền, nhân dân địa phương tin yêu và gọi là “giáo viên cắm bản”. Tôi rất chia sẻ với những khó khăn và sự hi sinh thầm lặng của các thầy cô...
Trong không khí thân tình, đồng chí Nguyễn Phi Long bày tỏ sự vui mừng, xúc động khi được đón tiếp 64 thầy cô giáo “cắm bản” tiêu biểu trong dịp học trò cả nước đang hướng tới chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11).
"Hàng ngày, các thầy cô giáo ở vùng cao, vùng sâu, xa luôn phải đối diện với sự vất vả, thiệt thòi, hi sinh tuổi thanh xuân, nhiều người trẻ từ miền xuôi, học xong, tình nguyện lên vùng khó khăn công tác để đem con chữ đến cho học trò nghèo. Tất cả thầy cô giáo ấy đều là những tấm gương tiêu biểu, xứng đáng được tôn vinh" - vị lãnh đạo Trung ương Đoàn nhấn mạnh.
Yêu nghề, yêu trò, vượt mọi khó khăn
Thấy các em tay cầm nắm cơm, tay một nhúm muối bỏ vào miệng, thế là xong bữa, tôi cứ trào nước mắt,…Điều tôi ao ước nhất là các em sẽ có một ngôi trường khang trang hơn, đầy đủ hơn để thoát cái đói, nghèo, có như vậy mới có thể tập trung vào việc học.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, các thầy cô mỗi người là một hoàn cảnh khác nhau, một địa phương khác nhau, nhưng những câu chuyện mà họ kể, đều bắt nguồn từ học trò thân yêu.
Thầy Lò Văn Xuân (58 tuổi) – Giáo viên nhiều tuổi nhất trong tổng số 64 giáo viên – xúc động: Tôi không biết nói gì hơn ngoài sự bày tỏ niềm hạnh phúc, cảm ơn khi chương trình đã giúp tôi có cơ hội được ngồi đây chia sẻ những khó khăn mà tôi và đồng nghiệp gặp phải trong suốt thời gian qua.
Được biết, thầy Lò Văn Xuân đã bước vào nghề từ năm 1977, cho đến nay đã là gần 30 năm gắn bó với phấn trắng, bảng đen. Thầy đã có nhiều kinh nghiệm không chỉ trong công tác giảng dạy mà còn vận động gia đình phụ huynh cho con đến trường đầy đủ.
Đến với chương trình, cô Đàm Thị Thu Thủy - Giáo viên trẻ nhất, hiện đang công tác tại Lào Cai – không giấu được sự hồi hộp: Tôi là một giáo viên trẻ, thuộc thế hệ 9X, lại là người Kinh, từ miền xuôi lên miền núi dạy chữ cho các em nhỏ.
Ở trường tôi có quá nhiều khó khăn vì là một nơi không đường, không điện, không sóng,..nhưng khi đến với chương trình, tôi mới thấy sự vất vả của mình chưa thấm gì so với những thầy cô đã gắn bó bao nhiêu năm trong nghề từ miền núi đến vùng biên giới. Đây cũng là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa trong sự nghiệp cao quý này.
Là một cô giáo hết sức giản dị, và đặc biệt rất tình cảm mỗi khi trò chuyện, cô Nguyễn Thị Hạ (Tân Sơn - Phú Thọ) - tâm sự: Tôi thương học trò của mình quá. Suốt từ sáng, được đi tham quan Hà Nội, tôi chỉ muốn chạy về ngay với các em để kể những câu chuyện, những hình ảnh trên thành phố mà các em chưa bao giờ được biết đến.
Được biết, cô Hạ là giáo viên có thâm niên 16 năm trong nghề, hiện đang dạy hai lớp ghép 1 và 2. Mỗi lớp có số lượng học sinh rất ít nhưng cơ sở vật chất thiếu thốn, 2 phòng học lợp prôximăng phục vụ cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.
Được biết, chồng cô Hạ đã mất cách đây gần chục năm, mẹ cô cũng mới qua đời cách đây chưa lâu. Con gái đi học xa nhà... Vượt qua nỗi cô đơn và những chuyện buồn riêng, cô dành hết tình yêu với nghề, với trò, với bản.
Cô Lê Thị Hằng (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) lại kể về điều ước của mình: Tôi công tác tại đặc biệt khó khăn của tỉnh, một nơi không có điện, có nước... có khi phải gánh gạo, rau lên để sinh sống. Hiện công tác tại điểm trường được 15 năm, tôi thương các em học sinh ở đây như những đứa con ruột thịt của mình.
Thấy các em tay cầm nắm cơm, tay một nhúm muối bỏ vào miệng, thế là xong bữa, tôi cứ trào nước mắt,…Điều tôi ao ước nhất là các em sẽ có một ngôi trường khang trang hơn, đầy đủ hơn để thoát cái đói, nghèo, có như vậy mới có thể tập trung vào việc học.
TS. Võ Văn Thành Nghĩa – người theo suốt chương trình từ đầu, và cũng đã đến thăm một số hoàn cảnh của các cô giáo - mong muốn Bộ Giáo dục đưa những câu chuyện của các thầy, cô giáo cắm bản vào lịch sử ngành Giáo dục, vì các thầy, cô đang là những người gieo con chữ, vượt qua những khó khăn vất vả, cả sự hi sinh để mang văn hóa tri thức tới các em học sinh vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới khó khăn nhất của Tổ quốc.
Lắng nghe những tâm sự, ghi nhận những ý kiến, đề xuất và mong muốn của các thầy cô giáo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa - cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu và làm tốt hơn nữa những chính sách hỗ trợ các thầy, cô; những khó khăn và rào cản về ngôn ngữ, vật chất,...
Hiện nay, Bộ đang xây dựng đề án để đào tạo ngôn ngữ tiếng dân tộc cho các thầy, cô giáo và mong rằng chương trình này sẽ khiến các thầy cô bớt một phần khó khăn hơn trong công tác giảng dạy.
Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trân trọng trao những món quà đến 64 thầy cô được tuyên dương, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục.