Việt Nam nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn

GD&TĐ - Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020 diễn ra sáng ngày 17/9. Một số tồn tại được chỉ ra như nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.

 Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Năng lượng nhập khẩu tăng vì… quản lý nguồn cung yếu

Diễn đàn do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức. Trong giai đoạn vừa qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu đáng ghi nhận.

Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Chỉ số tiếp cận điện năng đứng thứ 27/190 quốc gia/vùng lãnh thổ. Công nghiệp khai thác dầu khí và lọc hóa dầu phát triển mạnh. Sản lượng khai thác than thương phẩm tăng. Thủy điện phát triển nhanh. Gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao.

Tuy nhiên, ngành năng lượng còn nhiều hạn chế. Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ.

Trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao. Việc nội địa hóa và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hóa cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế…

TS Đinh Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, chuyển dịch năng lượng là sự thay đổi chính sách/cơ cấu/công nghệ. Từ sản xuất, tiêu thụ các nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống như than, dầu, khí tự nhiên sang các nguồn năng lượng tái tạo, bền vững như gió, mặt trời, sinh khối…

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị ghi rõ “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng. Ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch… Ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý… Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.

Đối với nguồn điện năng lượng tái tạo, tính tới tháng 7, hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất 5.053 MW. 11 nhà máy điện gió đang hoạt động với tổng công suất là 429 MW và 325 MW điện sinh khối, điện chất thải rắn gần 10 MW. Đối với điện mặt trời mái nhà, tính đến ngày 31/8 đã có trên 47.000 hệ thống được lắp đặt với tổng công suất 1.128 MWp.

Nguồn năng lượng gây ô nhiễm đang đứng trước nhiều thách thức. Ảnh minh họa
Nguồn năng lượng gây ô nhiễm đang đứng trước nhiều thách thức. Ảnh minh họa

Cần có cơ chế phát triển năng lượng hydro

Theo TS Trần Anh Tuấn, chuyên gia cao cấp của Hội đồng Năng lượng Thế giới tại Việt Nam, trước thực trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay thì việc phát triển các dạng năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu. Theo dự báo của Hội đồng Năng lượng Thế giới, vào năm 2040, nước sẽ là nguồn năng lượng khan hiếm nhất, sau đó là dầu, nguồn năng lượng từ các mỏ như mỏ than, mỏ khí… khí tự nhiên cũng sẽ dần cạn kiệt.

Ông Tuấn cho rằng, sử dụng năng lượng hiệu quả là biện pháp có tác động lớn nhất. Đó là tiết kiệm điện trong sản xuất và sinh hoạt. Đổi mới công nghệ, áp dụng kỹ thuật số trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện… Các phương tiện giao thông chạy bằng điện sẽ tiêu thụ năng lượng nhiều nhất vào năm 2040. Điện mặt trời trên mái, thiết bị lưu trữ điện, thiết bị sử dụng điện hiệu quả sẽ là các công nghệ có ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ năng lượng.

Ông Lê Đình Chiến, Ban Công nghiệp Khí và Lọc hóa dầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, trong bức tranh chuyển dịch năng lượng thì sản xuất hydro từ nguồn năng lượng tái tạo cần được tính đến. Hydro có hiệu quả chuyển đổi năng lượng cao, được sản xuất từ nước và không tạo ra khí thải, trữ lượng lớn, có thể vận chuyển ở khoảng cách xa. Hydro được sản xuất từ các nguyên liệu chính là hydrocarbons, sinh khối, nước… nên có thể coi là nguồn tài nguyên vô tận cần tính đến.

Công nghệ năng lượng nào sẽ chiếm ưu thế trong tương lai, có khả năng áp dụng tại Việt Nam? Theo TS Trần Anh Tuấn, trước hết là các thiết bị lưu trữ năng lượng sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho ngành năng lượng vào năm 2040. Bởi vì nó có thể xử lý các biến động khác nhau của nhu cầu tiêu thụ điện, đặc biệt là khi có sự thay đổi lớn về nguồn cung.

Lưu trữ điện có khả năng làm hài hòa cung và cầu một cách hiệu quả. Các tấm pin mặt trời cải tiến sẽ có tác động lớn nhất đến việc sản xuất năng lượng. Với sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, các tấm pin mặt trời càng ngày càng rẻ và hiệu quả hơn. Cuối cùng là hydro sạch, năng lượng gió sẽ góp phần đáng kể vào sản xuất năng lượng.

Do vậy, TS Trần Anh Tuấn kiến nghị cùng với phát triển năng lượng gió và mặt trời, cần có cơ chế/chính sách phát triển năng lượng hydro. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, hydro là nguồn năng lượng của tương lai vì nó sạch, giá rẻ và sẵn có. Cần có cơ chế chính sách phát triển các phương tiện chạy bằng điện và các phương tiện chạy bằng hydro, sử dụng các thiết bị lưu trữ năng lượng trong sản xuất và phân phối điện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.