Với tiềm năng đó, Ninh Thuận đủ điều kiện phát triển để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo, sạch của cả nước.
Biến bất lợi thành tiềm năng
Ninh Thuận có tốc độ gió lớn nhất cả nước với tốc độ từ 6,4 - 9,6 m/giây. Lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển điện gió. Bảo đảm ổn định cho tuabin gió phát điện.
Theo các quy hoạch đã lập và phê duyệt tiềm năng phát triển năng lượng trên địa bàn, Ninh Thuận có thể đạt tổng công suất 20.888 MW. Cụ thể, điện gió trên đất liền được Bộ Công Thương phê duyệt, khả năng phát triển giai đoạn đến năm 2030 lên khoảng 2.000 MW. Điện gió trên biển, có thể phát triển đến năm 2030 khoảng 3.240 MW.
Ngoài ra, Ninh Thuận đã lập Quy hoạch điện mặt trời giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và trình Bộ Công Thương. Mục tiêu đến năm 2030 xây dựng và lắp đặt khoảng 8.448 MW (giai đoạn đến năm 2020 phát triển 2.417 MW (các dự án đã phê duyệt bổ sung vào quy hoạch). Giai đoạn đến năm 2025 phát triển khoảng 2.618 MW. Giai đoạn đến năm 2030 phát triển khoảng 3.413 MW.
Ninh Thuận có cảng Cà Ná độ sâu tự nhiên lớn, khối lượng nạo vét thấp, khả năng tiếp nhận tàu khí hóa lỏng (LNG) thương mại lên đến 250.000 m3. Với lợi thế đó, Ninh Thuận đã lập và kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná công suất từ 6.000 MW - 7.500 MW vào quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh giai đoạn 1 công suất 1.500MW, dự kiến vận hành năm 2025 - 2026.
Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận còn có khả năng phát triển thêm các nguồn năng lượng từ điện sinh khối, điện dùng chất thải rắn, sóng biển, thủy triều, hải lưu.
Thiếu cơ sở pháp lý để kêu gọi đầu tư
Trước đó, ngày 17/7, ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dẫn đầu Đoàn công tác, đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận về tình hình thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, điện khí và vấn đề quy hoạch phát triển điện lực tại tỉnh. Ông Thanh đánh giá cao Ninh Thuận đã khai thác tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư năng lượng tái tạo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Tổng các dự án đã được bổ sung điều chỉnh là 59 dự án, tổng công suất 11.651,875 MW. Trong đó, 10 dự án với tổng công suất 7.107 MW đã có trong điều chỉnh và 49 dự án với tổng công suất 4544,875 MW đã được bổ sung. Tỉnh đang đề nghị bổ sung 38 dự án điện gió và điện mặt trời, tổng công suất 2.527,18 MW".
UBND tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án điện gió, tổng công suất 678,33 MW, tổng vốn đầu tư đăng ký 22.176 tỷ đồng. Đến nay, có 3 dự án đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 181 MW. Dự kiến đến cuối năm 2020, thêm một dự án đi vào hoạt động nâng tổng quy mô, công suất tích lũy đưa vào vận hành thương mại lên 229 MW, tổng sản lượng điện ước đạt khoảng 467 triệu kWh.
Các dự án còn lại đang triển khai các thủ tục đầu tư nhưng đang vướng thủ tục bổ sung quy hoạch đấu nối. Đối với điện mặt trời, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp Quyết định đầu tư cho 34 dự án, với tổng công suất 2.343MW, tổng vốn đầu tư hơn 62.000 tỷ đồng.
Đến nay, có 23 dự án đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất khoảng 1.403 MW. Dự kiến đến cuối năm 2020 tiếp tục có 8 dự án đưa vào vận hành, với tổng công suất 720MW. Nâng tổng số dự án đưa vào vận hành thương mại đến cuối năm 2020 là 31 dự án, với tổng công suất 2.123 MW, tổng sản lượng điện ước đạt khoảng 2.557 triệu kWh.
Ông Phạm Văn Hậu chia sẻ: "Hiện, khó khăn, vướng mắc lớn nhất là thủ tục chuyển đổi đất rừng. Trình tự, thủ tục thực hiện chuyển đổi đất rừng còn phức tạp, kèo dài thời gian. Nó làm ảnh hướng đến tiến độ triển khai dự án và các công trình lưới điện truyền tải đi qua nhiều địa phương.".
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét xác định cụ thể chủ trương xây dựng Trung tâm năng lượng trong quy hoạch điện VIII và xác định Ninh Thuận là Trung tâm năng lượng của cả nước. Nghiên cứu đấu nối đồng bộ với các dự án để giải tỏa hết công suất trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm thực hiện phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, làm cơ sở pháp lý kêu gọi đầu tư trong giai đoạn tới.
Cũng theo UBND tỉnh Ninh Thuận, hiện nay, chưa có hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà.