Phát triển điện than là đi ngược thế giới
- Là người có nhiều năm trăn trở về lĩnh vực năng lượng, ông nghĩ sao về bản chiến lược này?
- Tôi rất vui mừng! Bởi lẽ nghị quyết này ra đời kịp thời. Đấy cũng là mong muốn của nhiều giới trong xã hội. Từ nhà quản lý, doanh nghiệp, nghiên cứu đến người dân. Nói kịp thời bởi chúng ta đang chuẩn bị xây dựng tổng sơ đồ điện VIII thay thế tổng sơ đồ điện VII. Mà việc xây dựng nội dung sơ đồ điện VIII hiện còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận.
- Cụ thể là thế nào ạ?
- Có bộ phận mong muốn nhiệt điện than phải là nòng cốt, không chỉ hiện tại mà cả tương lai. Nhóm khác lại mong muốn rằng phải sử dụng năng lượng tái tạo để thay thế, chuyển đổi hệ thống điện ở Việt Nam. Bộ phận khác nữa lại cho rằng hiện nay nhận thức vấn đề an ninh năng lượng chưa được nhận thức đầy đủ, thấu đáo, nên khi đặt ra những vấn đề này không có cơ sở thảo luận. Cho nên, Nghị quyết này ra đời rất kịp thời.
- Ở tổng sơ đồ điện VIII sẽ có khác?
- Cho đến năm 2020 có thể nhận định, tổng sơ đồ điện VII đã đáp ứng nhu cầu năng lượng phát triển kinh tế quốc gia và an ninh quốc phòng. Nhưng nó cũng bộc lộ nhiều thiếu sót, nhiều trăn trở, nhiều thứ phải nghiên cứu. Tổng sơ đồ điện VIII phải khắc phục được.
Công bằng trong cách tính giá điện
- Theo ông, vì sao có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển mà đến nay năng lượng tái tạo vẫn là thứ yếu?
- Sau 2020 có khả năng sẽ thiếu điện. Tại sao? Ngay trong tổng sơ đồ điện VII người ta đã đặt ra, trong đó chủ yếu sử dụng nhiệt điện than với tỉ trọng là 53% công suất. Nhiệt điện than có ưu điểm nhưng nó cũng bộc lộ rất nhiều khuyết điểm. Xu hướng chung của thế giới hiện giảm dần điện than, sử dụng năng lượng mới, tái tạo.
Nhưng chúng ta đi ngược lại, đó là điều khó chấp nhập. Theo quy hoạch điện VII thì phải cần đến 168 tỉ USD để phát triển năng lượng, chủ yếu là điện than. Vốn trong nước thực ra không đáp ứng quá 20%, nên phải sử dụng vốn vay nước ngoài là chính. Nhưng sẽ rất khó vay nếu đi ngược lại xu thế của họ.
- Phát triển nhiệt điện than có đáp ứng được nhu cầu điện đang tăng cao?
- Ai cũng biết ta không có đủ than. Phần lớn các nhà máy nhiệt điện xây dựng sau phải nhập khẩu than. Trong khi ta không có chiến lược nhập khẩu than, nên rất bấp bênh. Thứ nữa là vấn đề môi trường, ô nhiễm do các hạt kim loại nặng, khí thải của nhà máy điện than.
Trong khi chúng ta có nhiều nguồn năng lượng sơ cấp khác lại không sử dụng triệt để. Cho nên Nghị quyết lần này giải tỏa được rất nhiều vấn đề trong phát triển năng lượng.
- Những người ủng hộ điện than cho rằng đó là điện giá rẻ, phù hợp với Việt Nam?
- Giá điện là vấn đề lớn. Cần công khai minh bạch. Đảm bảo sự công bằng của các loại hình năng lượng từ thủy điện, gió, mặt trời. Giá điện hiện nay chưa tính tất cả các yếu tố để hình thành của từng loại hình.
Nhiều yếu tố đó khiến năng lượng tái tạo luôn có giá cao hơn vì người ta chưa tính đúng. Các yếu tố ảnh hưởng về môi trường lại không tính vào giá điện. Trong khi đó theo đúng quy định tại sơ đồ điện VII thì giá điện phải bảo gồm những thiệt hại về ô nhiễm môi trường, không khí… Vì thế, có người cứ nghĩ điện than thì có giá rẻ.
- Nghĩa là phải tính cả những chi phí như môi trường, khí thải… vào giá điện?
- Là chuyên gia độc lập, tôi đã tính thử. Kết quả, nhiệt điện than hiện có giá 7,5cenl/kWh. Điện mặt trời và gió là 10 - 11 cent/kWWh. Điện khí thì cao hơn, khoảng 12cent/kWWh. Nếu tính cả thiệt hại môi trường vào giá thì nhiệt điện than có giá khoảng 10 - 10,5cent/kwwh.
- Rõ ràng điện than không rẻ?
- Đúng! Giá của nhiệt điện than chỉ tăng, không giảm. Nhiệt điện than rồi sẽ đắt hơn các loại năng lượng khác.
Doanh nghiệp được lợi, dân chịu thiệt
- Khi tính cả chi phí khí thải, liệu có sợ giá điện tăng cao quá so với thu nhập của người dân?
- Người sinh ra ô nhiễm phải chịu phí và thuế. Ở các nước họ tính phí từ 2 – 4 USD cho 1 tấn phát thải. Mức tính toán này là người dân có khả năng chấp nhận được. Người nghèo thì Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ an sinh.
- Chúng ta cũng nên áp dụng tính loại thuế này?
- Thuế carbon rất hay. Tiếc là ở Việt Nam chưa có. Để thi hành được cái đó, phải thay đổi một số luật. Luật Điện lực hiện cho phép tính giá điện gồm toàn bộ chi phí vào giá, thế thì người ta coi thuế và phí đó là phí phải đóng vào giá điện luôn, người dân phải đóng.
Thế là doanh nghiệp được lợi, người dân chịu thiệt, Nhà nước chẳng thu được cái gì. Để thực hiện cần có biện pháp nghiên cứu đồng bộ, cần sửa đổi cả luật mới làm được. Do đó, nghị quyết này viết rất chặt chẽ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!