Trong khoảng 12 phút, tên lửa đẩy Orion với trọng tải thử nghiệm đã tách khỏi tầng trên Angara và tiếp tục vào quỹ đạo mục tiêu trong các cuộc thử nghiệm phát triển chuyến bay của tên lửa.
Vụ phóng thử nghiệm đầu tiên của Angara-A5 từ sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông của Nga ban đầu được lên kế hoạch vào chiều 9/4.
Tuy nhiên, việc phóng thử đã bị hệ thống an toàn tự động hủy bỏ 2 phút trước khi phóng do hệ thống điều áp của bình oxy hóa bị hỏng.
Lần phóng thứ 2 dự kiến được thực hiện lúc 12 giờ ngày 10/4 nhưng tiếp tục bị dừng 24 giờ.
Theo giải thích của Giám đốc Roscosmos Yury Borisov, một trục trặc kỹ thuật mới đã xuất hiện liên quan đến lỗi trong hệ thống kiểm soát khởi động động cơ, theo kết quả phân tích sơ bộ dữ liệu từ xa.
Đây là chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của tên lửa Angara từ sân bay vũ trụ Vostochny ở miền đông nước Nga. Trước đây, những phương tiện phóng này chỉ được phóng từ Sân bay vũ trụ Plesetsk ở phía tây bắc nước Nga.
Ba lần phóng tên lửa hạng nặng Angara đầu tiên từ sân bay vũ trụ Plesetsk diễn ra vào các ngày 23/12/2014, ngày 14/12/2020 và ngày 27/12/2021.
Vụ phóng tên lửa hạng nhẹ Angara diễn ra ngày 9/7/2014 (chuyến bay thử nghiệm dưới quỹ đạo), ngày 29/4/2022 (chuyến bay quỹ đạo) và ngày 15/10/2022 (chuyến bay quỹ đạo).
Vụ phóng thử Angara từ sân bay vũ trụ Vostochny đã bắt đầu các cuộc thử nghiệm phát triển chuyến bay của hệ thống tên lửa Amur gồm tên lửa mang Angara và cơ sở hạ tầng của sân bay vũ trụ.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho tên lửa Angara tại Sân bay vũ trụ Vostochny bắt đầu vào năm 2019.
Cuối năm ngoái, năng lực hoạt động của tổ hợp kỹ thuật và bệ phóng đã được xác nhận trong các cuộc thử nghiệm Angara-NZh, một mô hình kích thước đầy đủ của tên lửa Angara- A5.
Giải pháp công nghệ cho phép phóng tất cả các loại tên lửa Angara từ một bệ phóng: từ phương tiện vận chuyển hạng nhẹ đến hạng nặng.
Phiên bản Angara-A5 đầu tiên dành cho sân bay vũ trụ Vostochny được sản xuất bởi Hiệp hội sản xuất Polyot có trụ sở tại Omsk (một chi nhánh của Trung tâm Khrunichev ở Roscosmos).
Angara là dòng tên lửa vũ trụ thế hệ tiếp theo của Nga. Nó gồm các tên lửa mang hạng nhẹ, trung bình và hạng nặng với sức nâng lên tới 37,5 tấn.
Dòng tên lửa mới trên sử dụng dầu hỏa và oxy lỏng làm thành phần nhiên liệu thân thiện với môi trường hơn so với nhiên liệu của tên lửa Proton-M mà Angara sẽ thay thế trong tương lai.
Nga dự định sử dụng dòng tên lửa Angara để đưa các tàu thăm dò tự động (ví dụ, đài quan sát quỹ đạo Spektr-UF) vào quỹ đạo gần Trái đất, đưa một số mô-đun của Trạm quỹ đạo tương lai của Nga và các phi hành đoàn tới tiền đồn quỹ đạo trên tàu vũ trụ thế hệ tiếp theo.