Vì sao nói 'Bệnh khớp chạy vào tim'?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bắt đầu là đau khớp, nhưng cuối cùng... quả tim lại nhận hậu quả nặng nề. Đó là, đau khớp dẫn đến đau tim.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Căn bệnh này còn được gọi một cách hình tượng là bệnh khớp... chạy vào tim. Bệnh chủ yếu “tấn công” vào độ tuổi mới lớn...

Mối liên quan tim và khớp

“Bệnh khớp chạy vào tim” dùng để chỉ mối liên quan bệnh tật giữa hai bộ phận trong cơ thể là tim và khớp. Tên gọi chính danh của nó là bệnh thấp khớp cấp (acute rheumatism).

Bệnh thấp khớp cấp còn có các tên gọi khác là thấp tim hay bệnh sốt thấp khớp (rheumatic fever), bệnh Bouillaud (gọi theo tên của một bác sĩ người Pháp mô tả bệnh này đầu tiên). Bệnh có tỉ lệ mắc cao ở các nước đang phát triển, tập trung chủ yếu ở độ tuổi từ 6 - 15 tuổi. Tuy nhiên, những người ở độ tuổi lớn hơn vẫn có khả năng bị mắc bệnh này.

Về bản chất, đây là bệnh lý của hệ thống miễn dịch. Thương tổn xảy ra ở mô liên kết, hay còn gọi là hệ thống tạo keo. Van 2 lá và van động mạch chủ là các vị trí tổn thương thường gặp ở “bệnh khớp chạy vào tim”.

Thật ra, các thương tổn ở tim xảy ra đồng thời với viêm khớp, nhưng chưa bộc lộ rõ ràng cho đến khi các van thương tổn rõ, tạo ra tiếng tim bất thường khi thầy thuốc đặt ống nghe lên tim. Siêu âm thấy các lỗ van bị hẹp hoặc hở và dòng máu lưu chuyển trong tim bị trục trặc.

Thủ phạm gây ra sự viêm khớp chính là một loại vi khuẩn, có tên gọi là liên cầu khuẩn (Streptococcus). Nói có tính chuyên sâu hơn một chút đó là các liên cầu khuẩn gây tán huyết nhóm A, type â (bê ta). Liên cầu khuẩn thường xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng với biểu hiện viêm họng.

Giai đoạn bị viêm họng có thể là rõ ràng hoặc mơ hồ, thoáng qua. Một thời gian ngắn sau viêm họng thì viêm khớp xuất hiện. Thường là đau ở các khớp lớn như đầu gối, cổ chân, khủy tay, cổ tay, vai.

Đau có tính di chuyển, nghĩa là hết đau khớp này rồi đến đau khớp khác. Các khớp cứ thế lần lượt thay phiên nhau... đau. Các đợt viêm khớp cứ tái diễn gọi là bệnh thấp khớp cấp. Điều đặc biệt, sau các đợt đau khớp gần như không có một di chứng nào lưu dấu ở khớp.

Khi liên cầu khuẩn xâm nhập cơ thể, hệ thống miễn dịch cơ thể sinh ra các chất chống lại sự xâm nhập này. Đối tượng xâm nhập gọi là kháng nguyên, chất chống lại kháng nguyên gọi là kháng thể. Sự phản ứng giữa kháng nguyên và kháng thể trên khớp gây ra viêm khớp và trên tim thì gây tổn thương tim với các bệnh lý như hẹp van hai lá, hở van hai lá, hẹp van động mạch chủ, hở van động mạch chủ...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hướng điều trị và cách phòng bệnh

Có thể hiểu sự biểu hiện ở tim là biểu hiện muộn sau viêm khớp. Trong giai đoạn khởi bệnh, ngoài viêm khớp còn có các biểu hiện khác như sốt, ban dạng vòng trên da, múa giật (biểu hiện sự vận động không tự chủ và không mục đích của các cơ mặt và chi). Ngoài ra, còn thấy khó viết, khó nói, khó đi lại...

Do tính chất nghiêm trọng của căn bệnh nên việc điều trị các đợt thấp khớp tái phát rất quan trọng, nhằm ngăn chặn sự ảnh hưởng tim sau này. Bởi cứ mỗi lần bệnh thấp tái phát thì mỗi lần các van tim thương tổn thêm một ít.

Lâu ngày các van tim bị hỏng (do hẹp hay hở) không còn thực hiện được chức năng đóng mở trong việc tưới máu của tim, dẫn đến suy tim là hậu quả sau cùng và kết thúc bằng cái chết. Do đó nếu đã bị thấp khớp hoặc nghi ngờ thấp khớp cần đi khám chuyên khoa để xác định và có hướng dẫn điều trị cụ thể và hiệu quả.

Bệnh thấp tim sau khi được chẩn đoán xác định thường được quản lý điều trị tại các đơn vị chuyên khoa. Bệnh nhân sau đợt điều trị “tấn công” khoảng 10 - 14 ngày để cơ bản “thanh toán” thủ phạm là liên cầu thì chuyển sang điều trị dự phòng thấp bằng cách tái khám và tiêm Penicilline loại có tác dụng chậm định kỳ hằng tháng cho đến năm 25 tuổi.

Hoặc tùy thuộc sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa cho từng trường hợp cụ thể. Khi các biến chứng đã xảy ra như suy tim, hẹp van 2 lá... thì tùy trường hợp mà dùng thuốc lợi tiểu, trợ tim, chống đông máu, nong van tim, thay van tim...

Một số người thắc mắc thức ăn nào có lợi hay có hại đối với khớp trong bệnh này? Câu trả lời là không thấy tài liệu nào nói, mà chỉ thấy thức ăn nào có lợi hoặc có hại cho cơ thể nói chung mà thôi.

Tuy nhiên, một điều mà mọi người cần phải lưu ý là nếu bệnh nhân thấp khớp mà có biến chứng tim, cụ thể là suy tim gây phù thì thức ăn cần tránh các thức ăn có gia vị nhiều muối, mắm hay nói khác đi là phải tuân thủ chế độ ăn nhạt để điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Cách phòng bệnh khớp chạy vào... tim tốt nhất là điều trị triệt để các nhiễm trùng hô hấp trên, đặc biệt là khu vực mũi họng. Nhằm loại bỏ ngay từ vòng ngoài thủ phạm gây bệnh là liên cầu khuẩn.

Giữ ấm ngực vào mùa lạnh, vệ sinh răng miệng tốt để phòng viêm nhiễm đường hô hấp và mũi họng. Thể dục thể thao rèn luyện thân thể, dinh dưỡng tốt sẽ giúp chống lại nhiều loại bệnh đang rập rình đâu đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...