Dấu hiệu và cách điều trị bệnh viêm đa khớp dạng thấp

GD&TĐ - Viêm đa khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính. Bệnh tiến triển lâu ngày dẫn đến sự biến dạng các khớp và cuối cùng là dính khớp, khiến cho người bệnh luôn có cảm giác đau và hoạt động khó khăn.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Bệnh viêm đa khớp dạng thấp thường gặp ở phụ nữ độ tuổi trung niên (chiếm đến 80%) hơn là nam giới. 

Nguyên nhân và các biểu hiện thường gặp

Nguyên nhân gây bệnh viêm đa khớp cho đến nay vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tìm thấy có các yếu tố liên quan đến căn bệnh như là sự di truyền, thời tiết, khí hậu và yếu tố nội tiết của cơ thể.

Bệnh thường khởi phát từ từ. Các triệu chứng ban đầu có khi mơ hồ như mệt mỏi, ăn uống kém, sốt nhẹ và đau không rõ rệt các ngón tay. Về sau bệnh tiến triển rõ dần với hiện tượng sưng đau một số khớp ở cổ tay, ngón tay, bàn tay, có khi là khớp gối.

Mức độ sưng - đau - nóng - đỏ các khớp trong bệnh viêm đa khớp dạng thấp thường không nhiều như các loại viêm khớp khác. Buổi sáng thường có dấu hiệu “cứng khớp”, nghĩa là các ngón tay cầm nắm hoặc xoè ra một cách khó khăn khi mới ngủ dậy. Lâu ngày các khớp ngón tay biến dạng trông như hình thoi (các khớp phình to so với các đốt ngón tay ở hai đầu).

Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả thì sau một thời gian, thường là vài tháng sẽ có các biểu hiện “rầm rộ” hơn như là sưng đau nhiều khớp, cử động hạn chế và đau. Cơn đau của các khớp cũng mang tính đối xứng ở tứ chi như đau khớp cổ tay hai bên, đau khớp gối hai bên. Một số trường hợp khớp gối bị tràn dịch. Biểu hiện cứng khớp buổi sáng cũng thường xuyên và kéo dài hơn.

Ngoài các dấu hiệu ở khớp, còn có thể có các biểu hiện sau đây: Nổi hạch, lách to, thiếu máu, teo cơ, viêm gân, nổi hạt dưới da ở quanh khớp. Thể trạng chung gầy sút, mệt mỏi, sốt, rối loạn tiêu hoá. Các trường hợp bệnh kéo dài nhiều năm mà không được hiệu quả thì thấy các khớp bị viêm dính, biến dạng và lệch trục rõ rệt khiến cho hoạt động của tứ chi bị giới hạn rất nhiều hoặc thậm chí không thể thực hiện được.

Xét nghiệm cần làm: Tốc độ lắng máu, điện di protein, phản ứng Waaler Rose (phát hiện yếu tố dạng thấp trong huyết thanh) và chụp X quang xem mức độ hẹp khe khớp, sự biến dạng và lệch trục của khớp…

Dấu hiệu và cách điều trị bệnh viêm đa khớp dạng thấp ảnh 1

Một số biến chứng nặng

Bệnh viêm đa khớp dạng thấp, nếu không được chữa trị sớm hoặc chữa trị không đúng cách, thời gian tiến triển kéo dài có thể gây ra một số biến chứng nặng làm giảm sút nghiêm trọng hoặc mất khả năng vận động của người bệnh.

Biến dạng khớp: Đây là biến chứng chiếm tỷ lệ cao. Có đến 90% người bệnh các khớp bàn tay bị biến dạng, cứng khớp làm hạn chế sự cầm nắm và mọi hoạt động khác trong sinh hoạt hằng ngày.

Tổn thương thần kinh: Hệ thống thần kinh ngoại biên dần bị thương tổn làm nghẽn dẫn truyền gây cảm giác tê buốt hoặc đau đớn cho người bệnh. Có khoảng 10 - 15% bệnh nhân tàn phế suốt đời do bị liệt.

Tăng nguy cơ bệnh tim mạch: Khoảng 30% người mắc bệnh viêm đa khớp dạng thấp có biến chứng về tim mạch và 50% trong số đó có nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng.

Ảnh hưởng sinh đẻ: Phụ nữ độ tuổi sinh đẻ mắc bệnh viêm đa khớp dạng thấp có nguy cơ sinh non cao hơn những người bình thường và có khoảng 25% giảm khả năng thụ thai.

Dấu hiệu và cách điều trị bệnh viêm đa khớp dạng thấp ảnh 2

Hướng điều trị và chế độ ăn uống

Nếu sưng đau nhiều cần nghỉ ngơi, tăng cường tập luyện qua việc xoa bóp, vận động để tránh teo cơ, cứng khớp. Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng. Các loại thuốc sử dụng để điều trị bệnh viêm đa khớp dạng thấp rất phong phú, nhưng “hậu quả” do chúng gây ra cũng không phải ít. Do vậy, bệnh nhân cần có sự tư vấn của bác sĩ và sử dụng thuốc theo đơn.

Do nguyên nhân chưa được xác định một cách rõ ràng, nên không có các biện pháp phòng bệnh đặc hiệu. Các yếu tố được cho là liên quan đến căn bệnh như sự di truyền, nội tiết tố trong cơ thể là không thể can thiệp được.

Các yếu tố như khí hậu, thời tiết có thể “tác động” được như thay đổi vùng miền sống hay đơn giản chỉ là luôn giữ ấm cho cơ thể và tránh sự ẩm thấp, ướt lạnh kéo dài….

Điều trị bằng Đông y

Viêm đa khớp dạng thấp là bệnh mạn tính. Nó kéo dài dai dẳng từ năm này sang năm nọ. Người bệnh uống và tiêm rất nhiều loại thuốc và thậm chí đi nhiều nơi theo phương châm “Có bệnh thì vái tứ phương”.

Họ uống nhiều thuốc Tây đến... biến chứng ở dạ dày do kết quả tác động của các thuốc điều trị bệnh khớp. Họ ao ước có ai đó mách bảo cho một phương pháp « bí truyền » của Y học Dân tộc để chữa lành bệnh, giúp họ thoát khỏi những cơn đau hành hạ.

Mách cho một cách chữa đơn giản mà hữu hiệu đối với bệnh viêm đa khớp dạng thấp thì e rằng... không thể. Nhưng nếu đã dùng nhiều thuốc Tây thấy “ớn” thì có thể điều trị theo Đông y hay còn gọi là chữa bệnh theo phương pháp Y học Cổ truyền Dân tộc.

Để được dùng thuốc đúng người, đúng bệnh cần đưa các cụ đến Bệnh viện Y học Cổ truyền Dân tộc hoặc bệnh viện có khoa này để khám và dùng thuốc “ta”. Ngoài ra, để chóng bớt bệnh có thể kết hợp với những phương pháp hiện đại khác (như chiếu đèn, chạy sóng ngắn có ở khoa Đông y) mà không phải uống một viên thuốc tây nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.