(GD&TĐ) - Tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc đã tăng gấp 3 lần trong 20 năm qua và đạt khoảng 1,1 nghìn tỉ USD – trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới. Cần biết là quốc gia này từng là một trong những nước nghèo nhất thế giới vào những năm 1960, cũng là nước duy nhất nhận viện trợ từ tổ chức OECD và sau đó lại trở thành nước góp quĩ cho tổ chức này.
Hàn Quốc có được thành công kinh tế vang dội đó là nhờ vào những “siêu tập đoàn” như Samsung Electronics và Hyundai Motor – hiện cung ứng một lượng lớn điện thoại thông minh và xe hơi ra nước ngoài. Tuy nhiên những “quả đấm thép” của nền kinh tế Hàn Quốc đang chững lại và ngày càng chiếm tỉ trọng nhỏ hơn trong nền kinh tế khi cung cấp số lượng việc làm giới hạn. Hơn 90% lao động tại Hàn Quốc làm việc trong những công ty cỡ trung bình và nhỏ. Tuy nhiên những công ty này không thể có được mức lương cao và bảo đảm việc làm dài hạn như các “siêu tập đoàn”. Nói tóm lại là số lượng việc làm tại các “siêu tập đoàn” rất hạn hẹp nhưng mang lại đẳng cấp xã hội hoàn toàn khác nhờ vào thu nhập “một trời một vực”.
Chi phí học hành cho con đang khiến nhiều người Hàn Quốc ngại sinh con |
Phụ huynh Hàn Quốc đương nhiên nhìn thấy sự khác biệt đẳng cấp việc làm nói trên và họ sẵn sàng đầu tư hết mức cho con cái đạt mục tiêu tối thượng là một chỗ làm trong các “siêu tập đoàn”. Để đạt được mục đích có một nấc thang quang trọng là đỗ vào một trường đại học danh tiếng mà muốn thế phải đầu tư cho giáo dục của con càng sớm càng tốt. Các lò luyện thi thu học phí cao ngất ngưởng ăn nên làm ra trên đất Hàn và thậm chí hình thành cả một khu phố tập trung các lò luyện thi đẳng cấp tại thủ đô Seoul. Tổng đầu tư chi phí học thêm cho con cái của những gia đình thu nhập hạng trung thường là hơn 100.000 USD.
Đầu tư cho học thêm dường như là “nhiệm vụ bắt buộc” của phụ huynh Hàn Quốc bởi hiện nay không chỉ khó khăn trong tìm việc làm tại các “siêu tập đoàn” mà ngay cả với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Gánh nặng đầu tư giáo dục ngày càng trĩu nặng tác động tới những vấn đề xã hội khác như giảm tỉ lệ sinh sản, lâm nợ nần, tỉ lệ tự sát cao… Tỉ lệ tăng dân của Hàn Quốc năm 2011 là 0,7%, bằng với Mỹ và Anh, bằng một nửa tỉ lệ 1,4% của Australia. Hàn Quốc có tỉ lệ tự sát cao nhất thế giới – một tỉ lệ đã tăng hơn 2 lần so với năm 1995. Tỉ lệ li hôn thuộc loại cao nhất trong các nước OECD. Có khoảng 67,5% trong 50 triệu dân Hàn Quốc được xếp vào diện trung lưu và trong khi 45,2% số này có thể xoay xở với thu nhập của họ, thì có tới 54,8% chi nhiều hơn số tiền họ kiếm được – nghĩa là mắc cảnh nợ nần. Chỉ 44% hộ gia đình Hàn Quốc có 2 người đi làm có lương, so với mức trung bình của OECD là 57%.
Nhiều người ví rằng Hàn Quốc đang trải qua “cuộc chạy đua vũ trang” trong giáo dục. Để tháo gỡ, nhiều chuyên gia nhấn mạnh hệ thống giáo dục nghề cần được mở rộng và hỗ trợ như một con đường vào đời khác thay vì rơi vào vòng xoáy chạy đua và đại học.
Bảo Chi (Tổng hợp)