Bên trong khóa học dạy phụ huynh làm cha mẹ

GD&TĐ - Một công ty giáo dục tư nhân Trung Quốc gây tranh cãi vì tổ chức các khóa học về 'cách nuôi dạy con thông minh'.

Các lớp học làm cha mẹ ngày càng phổ biến ở Trung Quốc.
Các lớp học làm cha mẹ ngày càng phổ biến ở Trung Quốc.

Nhưng kết quả của học viên không mấy khả quan. Nhiều người cảm thấy họ đang chơi “trò chơi trí tuệ” với con cái.

“Hãy sửa mình, đừng sửa con”

Nghĩ về con trai, mắt anh Sheng Fangzhu ngấn lệ: “Tôi cảm thấy mình đã làm con thất vọng”, anh nói. Tiếng nức nở của ông bố phá tan bầu không khí im lặng trong lớp học với hơn 100 phụ huynh với nhiều chức vị khác nhau gồm thẩm phán, giám đốc công ty, bác sĩ, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, chủ yếu là phụ nữ. Giống như Sheng, họ đang tuyệt vọng tìm cách hàn gắn mối quan hệ với những đứa con trong độ tuổi dậy thì.

Lớp học của Sheng do Công ty Giáo dục tư nhân Fuying Education tổ chức tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Công ty cung cấp nhiều khóa học hứa hẹn sẽ khiến những ông bố, bà mẹ đang gặp khó khăn thành “cha mẹ thông minh”.

Trước đó, nhóm học viên lớn tuổi đã lắng nghe giảng viên Xu Huixin, chuyên gia ngành chăm sóc sức khỏe, trao đổi về bệnh trầm cảm ở người dưới 18 tuổi tại Trung Quốc. Trong đó, cô trích dẫn một số số liệu thống kê gây bất ngờ và mô tả tuổi vị thành niên là “căn bệnh do cha mẹ gây ra”.

Tại Fuying, phương châm giáo dục là “Hãy sửa mình, đừng sửa con”. Tuy nhiên, những người đã trải qua khóa đào tạo đã khám phá ra, nói thì dễ hơn làm.

Sheng gửi con trai Yixuan, 14 tuổi, đi học trường nội trú từ năm tiểu học với mong muốn cậu bé trở nên độc lập hơn nhưng mỗi cuối tuần, Yixuan trở về nhà trong nước mắt và cầu xin bố mẹ cho nghỉ học. Sheng luôn từ chối yêu cầu của con trai.

Đến tuổi vị thành niên, Yixuan trở thành cậu bé cáu kỉnh, nổi loạn, thậm chí còn cố gắng bỏ trốn khỏi trường nội trú, khiến cảnh sát phải truy tìm. Sợ con trai sẽ giống người cháu gái phải rửa ruột vì nốc một lọ thuốc chống trầm cảm, Sheng bí mật đọc tin nhắn giữa Yixuan và bạn bè trên WeChat. Khi cậu bé phát hiện, hai cha con nảy ra cuộc tranh cãi lớn.

Kể lại câu chuyện trước hàng trăm học viên, Sheng bật khóc, nói: “Tôi chọn tham gia khóa học vì muốn thử thách bản thân và thay đổi chính mình. Tôi muốn tác động đến cuộc sống của con trai thông qua cuộc sống của mình. Tôi muốn làm gương cho con thấy bố cũng có thể làm được”.

ben-trong-khoa-hoc-day-phu-huynh-lam-cha-me-1.png
Một khóa học làm cha mẹ tại Công ty Giáo dục Fuying Education.

Mở mang tầm mắt

Thông điệp của Sheng đã chạm vào trái tim của nhiều phụ huynh khác. Hầu hết trong số họ đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự trong việc giáo dục con cái. Một số trốn học, số khác gây gổ với anh chị em hoặc không thể kiểm soát cơn giận vì những bất đồng nhỏ nhất. Không ít đứa trẻ thậm chí còn đe dọa sẽ tự làm hại mình hoặc người khác bằng dao. Phụ huynh tìm đến Fuying để hỗ trợ con cái.

Học viên được giao bài tập về nhà hàng tuần như thực hành mỉm cười Duchenne và tích luỹ điểm học tập bằng cách nghiên cứu tài liệu khoa học trên AIBM, ứng dụng do Fuying Education ra mắt và vận hành. 10 người có thành tích tốt nhất trong tuần sẽ được khen thưởng vào đầu mỗi buổi học.

Học viên phải dành ít nhất 30 phút cho AIBM ngoài giờ học, dù Sheng nói anh học tới 2 giờ mỗi ngày, thậm chí trong giờ làm việc, khiến một số đồng nghiệp tưởng anh bị ám ảnh với việc làm cha mẹ.

Trong một khóa học làm cha mẹ, phụ huynh được dạy cách khiến trẻ hợp tác mà không cần la hét. Xu hướng dẫn kỹ thuật ba bước gồm: Một, đánh giá tình hình; hai, bình tĩnh; ba, thực hành đồng cảm. Sau đó, cô yêu cầu học viên nhập vai dựa trên một tình huống giả định, chẳng hạn như con sử dụng điện thoại di động quá lâu, để thực hành sử dụng lòng đồng cảm thay cho ngôn từ xúc phạm.

Với nhiều phụ huynh, khóa học giúp họ mở mang tầm mắt. “Trước đây, tôi chỉ nghĩ đến bản thân mình, hoàn toàn phớt lờ góc nhìn của con”, Sheng kể và chỉ ra danh sách “những cụm từ không thể chấp nhận” khi nói chuyện với trẻ như: “Sao con lại ngu ngốc thế? Nếu con không học thì con có thể làm gì? Con thật sự là một nỗi thất vọng!”.

Trở về nhà, Sheng làm theo lời khuyên của giảng viên Xu và tổ chức cuộc họp gia đình kéo dài 20 phút với vợ và con trai. Họ đi đến một thỏa thuận là Yixuan sẽ được phép chơi điện thoại trong 30 phút mỗi tối sau khi hoàn thành bài tập về nhà.

Sheng thừa nhận bản thân có những lúc độc đoán và khó tính. Dù con trai cật lực phản đối, Sheng thực hành lời khuyên của giáo viên là ôm con vào lòng kèm theo lời động viên: “Bố tin ở con, con trai ạ”.

Sau khi hoàn thành học kì đầu tiên của khóa làm cha mẹ, Sheng tìm thấy bài văn mà con trai viết: “Từ khi tôi vào trung học, bố lo lắng cho tôi nhiều hơn, ngay cả khi áp lực công việc của bố tăng lên. Bố đã hy sinh rất nhiều cho gia đình của chúng tôi. Có lẽ tôi cũng nên thay đổi bản thân”. Bài văn của Yixuan giúp Sheng tin rằng anh đang đi đúng hướng.

ben-trong-khoa-hoc-day-phu-huynh-lam-cha-me-2.jpg
Các bài học của Fuying Education giúp thay đổi tư duy của phụ huynh.

Sự tích cực độc hại

Bên cạnh những “người hâm mộ” trung thành, Fuying Education cũng gây nên nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây. Theo báo cáo hồi tháng 3 của một cơ quan truyền thông địa phương, Fuying hoạt động thông qua mô hình tiếp thị đa cấp, trong đó, học viên được khuyến khích bán các khóa học hoặc lôi kéo người khác đăng kí tham gia để nhận hoa hồng. Hồi tháng 7, công ty bị phạt gần 5 nghìn USD vì vi phạm luật quảng cáo của Trung Quốc do quảng bá sai lệch nội dung khóa học.

Khi được hỏi “Cháu có nghĩ mẹ cháu đang làm tốt hơn không”, Zhou Ran, 17 tuổi, cảm thấy bản thân bị đẩy vào một tình huống khó xử. “Cháu đoán vậy”, Ran trả lời tại một buổi gặp mặt phụ huynh và con cái ở Fuying nhưng câu trả lời thật tâm là “không”.

Từ khi mẹ của Ran tham gia khóa học, cuộc sống ở nhà trở nên kì lạ. Mỗi ngày, vào 6 hoặc 7 giờ sáng, bà mẹ “bắt đầu lớp học” bằng cách đọc to những câu chuyện có tính động viên trong phòng khách và yêu cầu em trai của Ran lắng nghe chăm chú. Dù mẹ nói cảm thấy bản thân đã thay đổi rất nhiều, giao tiếp tốt hơn và truyền cảm hứng, Ran cho rằng mọi thứ đều là giả tạo, là “sự tích cực độc hại”.

Thỉnh thoảng, mẹ Ran nhắc nhở: “Con cần phải kiểm soát cảm xúc của mình. Mẹ đã học điều đó trên lớp”. Nhưng theo quan điểm của Ran, mẹ cô là người nóng tính. Bà có thể đột ngột hét vào mặt các con nếu phát hiện họ chơi điện thoại quá thời gian quy định. Dù lũ trẻ đã im lặng, bà vẫn tiếp tục la hét.

Ran kể rằng, mẹ em là người khó kiểm soát được cảm xúc. Nếu đồ trong nhà biến mất, mẹ sẽ đổ lỗi cho em. Nếu điểm số của Ran tụt dốc, em sẽ bị đánh. Có một đêm, vào khoảng 11 giờ, mẹ em xông vào phòng và đánh em bằng dây sạc điện thoại vì em nhắn tin cho các bạn cùng lớp. Sau nhiều hành động thiếu kiểm soát của mẹ, Ran không mong đợi bà sẽ thay đổi. Mong muốn lớn nhất của em là lên đại học, sống xa nhà.

Mọi chuyện càng trở nên khó xử khi những lời động viên xuất hiện trên các bức tường trong nhà. Mỗi lời đều bắt đầu bằng “Con gái yêu quý” và kết thúc bằng “Ngày mới hãy cố lên nhé”. Ngay cả những lời động viên cũng là sản phẩm do Fuying bán. Nếu em trai bị điểm kém, mẹ Ran sẽ nói: “Mẹ tin ở con” nhưng với Ran, tất cả nghe giống như “yêu cầu méo mó được che đậy bởi lời khen”.

ben-trong-khoa-hoc-day-phu-huynh-lam-cha-me-1.jpg
Phụ huynh Trung Quốc tìm cách động viên thay vì mắng mỏ con cái.

Trò chơi trí tuệ

Tương tự, anh Cao đã bỏ ra hàng chục nghìn nhân dân tệ cho các khóa học làm cha mẹ tại Fuying nhưng con trai anh, trước đây bỏ học, vẫn không có ý định quay lại trường. Có lần, anh thức dậy vào sáng sớm và thấy con trai đang chơi trò chơi điện tử xuyên đêm.

Con trai còn lấy lý do không ngủ được vì tiếng ngáy của bố. Những lúc như vậy, Cao thừa nhận anh rất mệt mỏi để có thể giữ bình tĩnh và thực hành những phương pháp được dạy ở Fuying với hy vọng thay đổi hành vi của con.

Sheng cũng cảm thấy anh và Yixuan đang mắc kẹt trong một trò chơi trí tuệ. Anh thường xuyên nhận được điện thoại từ con khi làm việc để hỏi xem con còn được chơi điện thoại bao lâu nữa.

Ban đầu, mỗi lần Yixuan sử dụng điện thoại quá thời gian quy định, Sheng tự nhắc mình phải kiềm chế cơn giận, nói chậm lại nhưng sau 4 ngày, sức chịu đựng của ông bố cạn kiệt. Anh giật điện thoại từ tay Yixuan, mắng cậu bé. Phương pháp “nuôi dạy con thông minh” đã hết thời hạn sử dụng.

Sheng nhận thấy bản thân đã quá dễ dãi. Nếu anh chỉ động viên thì con trai sẽ coi bố đang chấp nhận cho những hành vi của mình. Anh bắt đầu tự hỏi liệu việc thay đổi bản thân có thực sự thay đổi được con trai hay không. Sau một thời gian dài theo học khóa làm cha mẹ, Sheng vẫn cảm thấy anh không thể thâm nhập vào thế giới nội tâm của con trai mình.

Còn Yixuan cho biết trong giai đoạn dậy thì, mọi suy nghĩ trong đầu em rất hỗn loạn và em không muốn chia sẻ bất kì điều gì với bố. Em gặp khó trong tương tác xã hội và chơi game giúp “làm dịu nỗi đau do căng thẳng và cách giáo dục của cha mẹ”.

Cậu bé nhớ lại, khi còn nhỏ, nếu phạm lỗi, em sẽ bị bố phạt đứng ngoài trời hàng giờ đồng hồ, đôi khi không mặc gì. Một lần, Yixuan chỉ mặc quần đùi đứng ngoài đường và được một tài xế hỏi thăm. Cậu bé nói không thể tha thứ cho Sheng vì điều đó.

Em cho rằng việc bố tham gia khóa học làm cha mẹ chỉ đơn giản để nhắc nhở rằng: “Bố đã nuôi con, hãy biết ơn điều đó”. Một khóa học dài và tiêu tốn nhiều tiền chỉ đổi lại được một lợi ích duy nhất là Sheng đồng ý cho con trai trở thành vận động viên và theo đuổi sở thích chạy bộ, thay vì những công việc mà anh kì vọng.

Xu hướng các lớp học làm cha mẹ ngày càng phổ biến tại Trung Quốc. Theo các chuyên gia, phụ huynh tìm cách nuôi dạy con cái tốt hơn là điều nên làm nhưng cần cẩn trọng, tiếp thu các ý kiến khoa học, có chọn lọc thay vì đặt niềm tin mù quáng vào các trung tâm đào tạo kĩ năng.

Khi lựa chọn trung tâm, cha mẹ cũng phải tìm hiểu kĩ càng, không nên tin hoàn toàn vào quảng cáo, không để bản thân bị “che mắt” bởi những phương pháp thiếu khoa học.

Theo Sixth Tone

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ