Một trong những vấn đề kinh tế xã hội lớn nhất trong thế giới phát triển ngày nay là khoảng cách thu nhập ngày càng lớn giữa người giàu và người không giàu.
Ở Mỹ, khoảng cách này lớn đến mức 1% người giàu của nước này đang sống tách biệt khỏi xã hội, trong những cộng đồng riêng hoặc những toà tháp được kiểm soát nghiêm ngặt.
Thế nhưng, ở Nhật Bản, người giàu lại sống rất khác, ít nhất là chúng ta nhìn thấy như vậy. Người ta thường nói rằng, ở Nhật Bản, bạn có thể sống cạnh một tỷ phú mà không biết, bởi vì ngôi nhà của anh ta cũng giống như ngôi nhà của bạn.
Việc người giàu Nhật Bản không thích khoe khoang tài sản có lẽ nằm ở định kiến của người Nhật về việc không muốn mình nổi bật giữa đám đông.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, truyền thông Nhật Bản đã bắt đầu chú ý tới giới siêu giàu nước này.
Như thế nào thì được gọi là một người giàu ở Nhật Bản? Theo Atsushi Miura - tác giả cuốn ‘The New Rich’, ngành công nghiệp tài chính coi một người là giàu có nếu thu nhập hằng năm của họ từ 30 triệu yên (gần 6,6 tỷ đồng) trở lên và có tài sản ít nhất 100 triệu yên.
Khoảng 1,3 triệu người Nhật Bản đang sở hữu mức tài sản này – tương đương với 1% dân số nước Nhật. Có một cách khác để xác định người giàu là họ có xu hướng sống nhờ tiền lãi và các khoản lợi nhuận khác tới từ tài sản, mà không cần phải động vào tài sản gốc.
Trong nghiên cứu của mình, tác giả Miura phát hiện ra rằng 1% người Nhật này có xu hướng tránh sự phô trương. Họ không xây biệt thự và họ tin rằng như thế là ném tiền một cách bừa bãi.
Tuy nhiên, người giàu Nhật Bản sẽ chi tiền cho những thứ mà họ thích và có xu hướng ủng hộ những thứ phi vật chất. Họ thích chi tiền cho nghệ thuật, tới các buổi hoà nhạc hơn là phô trương trên những chiếc xe hơi thể thao hay trang sức đắt tiền. Họ cũng đi du lịch thường xuyên.
Miura cho rằng, giới người giàu mới nổi Nhật Bản đang sống hướng nội nhiều hơn. Họ mua hàng Nhật và đi du lịch trong nước. Họ thích rượu sake xịn thay vì rượu ngoại. Họ cũng thích các tác phẩm nghệ thuật của Nhật hơn là của phương Tây. Đó không chỉ là vấn đề khẩu vị, mà còn là biểu hiện của trách nhiệm công dân.
Những người giàu mới nổi hiểu vị trí của mình trong xã hội và biết rằng nước Nhật cần tiền của họ.
Một đặc điểm khác của tầng lớp người giàu mới nổi ở Nhật Bản là họ tỉnh táo trước sự giàu có của mình. Họ vẫn có xu hướng kiếm việc làm và làm việc cả đời. Lý do chủ yếu là vì họ đạt được sự giàu có là nhờ nỗ lực tự thân hoặc nhờ một số kỹ năng, ý tưởng đặc biệt.
Trên thực tế, điều khiến những gia đình giàu có ở Nhật Bản cứ giàu mãi là vì họ trao cho con cái công cụ kiếm tiền, thay vì cho số tiền đó. Cụ thể là nền tảng giáo dục tốt nhất mà họ có thể dùng tiền để mua được, những hiểu biết cơ bản về cách mà tiền vận hành – những điều mà người bình thường không thể dễ dàng có được.
Theo một nghiên cứu, người giàu mới nổi ở Nhật được chia thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên là những đứa trẻ có cha mẹ giàu có. Tuy nhiên, họ không trông mong vào việc nhận thừa kế. Thay vào đó, họ học hỏi từ tấm gương của bố mẹ và xây dựng chiến lược riêng cho mình.
Theo nghiên cứu, chỉ có 8% dân số nói chung có kinh nghiệm về đầu tư, trong khi 24% con cái của những người có tài sản từ 100 triệu yên trở lên có kinh nghiệm này. 52% trong số đó có danh mục đầu tư chứng khoán.
Nhóm nhà giàu thứ 2 là những cặp đôi quyền lực. Họ đều đi làm và thu nhập ít nhất 10 triệu yên/năm (gần 2,2 tỷ đồng). 44% trong số này có kinh nghiệm đầu tư. Đặc biệt là, nhóm này thường thuê các nhà hoạch định tài chính và các chuyên gia tư vấn cách quản lý tiền bạc vì không không có thời gian để tự làm việc này. Họ tiêu tiền một cách tự do, nhưng chủ yếu cho những thứ giúp họ tiết kiệm thời gian hơn như dịch vụ dọn nhà.
Nhóm cuối cùng là những người già giỏi công nghệ. Họ là những người đã nghỉ hưu, giỏi công nghệ và dành nhiều thời gian online. Họ hiểu cách mà thế giới vận hành. Họ tự học về đầu tư thông qua Internet.
Ước tính có khoảng 8,8 triệu người trong nhóm này – những người có tài sản trung bình lên tới 26 triệu yên (khoảng 5,7 tỷ đồng).