Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances, một nhóm nhà khoa học từ Đại học Washington, Đại học Quốc gia Quilmes ở Argentina và Đại học Yale cho thấy, giấc ngủ dường như thay đổi theo chu kỳ Mặt trăng.
Kết quả cho thấy, vào những ngày trước trăng tròn, mọi người có xu hướng đi ngủ muộn và ít hơn. Các nhà khoa học đã nghiên cứu những sinh viên đại học ở thành phố Seattle, Washington và người sống ở miền Bắc Argentina.
Đây là hai môi trường khác nhau, có sự đa dạng trong khả năng tiếp cận điện. Bởi, ánh sáng nhân tạo có thể ảnh hưởng đến những người tham gia.
Sử dụng thiết bị đeo tay theo dõi giấc ngủ, các nhà khoa học đã nghiên cứu 98 cá nhân sống trong ba cộng đồng bản địa Toba-Qom ở Formosa, Argentina. Đồng thời, họ sử dụng thêm dữ liệu về giấc ngủ của 464 sinh viên đại học ở khu vực Seattle.
Nhóm nghiên cứu phát hiện, mối liên hệ giữa chu kỳ ngủ và chu kỳ Mặt trăng rõ ràng hơn ở các cộng đồng không có điện. Song, mối liên hệ này dường như vẫn xảy ra ở những khu vực có điện.
Tác giả chính của nghiên cứu - Horacio de la Iglesia, Giáo sư sinh học tại Đại học Washington, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy sự thay đổi rõ ràng của giấc ngủ theo Mặt trăng, với giấc ngủ giảm và bắt đầu muộn hơn vào những ngày trước Trăng tròn.
Và mặc dù hiệu ứng mạnh mẽ hơn ở các cộng đồng không có điện, nhưng tình trạng này cũng hiện diện ở khu vực có điện, bao gồm cả sinh viên chưa tốt nghiệp tại Đại học Washington”.
Theo các nhà nghiên cứu, những đêm trước khi trăng tròn là lúc mọi người ngủ ít và đi ngủ muộn nhất. Những đêm này cũng có nhiều ánh sáng hơn trên bầu trời, vì Mặt trăng sáng hơn.
“Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng, các mô hình mà chúng tôi quan sát được là một sự thích nghi bẩm sinh. Từ đó, cho phép tổ tiên của chúng ta tận dụng nguồn ánh sáng buổi tối tự nhiên vào một thời điểm cụ thể trong chu kỳ Mặt trăng”, tác giả nghiên cứu Leandro Casiraghi tại Đại học Washington chia sẻ.
Các nhà khoa học phát hiện, chu kỳ giấc ngủ không phải là chức năng duy nhất của con người bị ảnh hưởng bởi Mặt trăng. Thực tế, từ lâu, người ta đã cho rằng, có mối liên hệ giữa chu kỳ kinh nguyệt và lịch âm. Một số huyền thoại thậm chí còn cho rằng, khả năng sinh sản và lịch âm có mối liên hệ nào đó. Tuy nhiên, tới nay, đây vẫn là một câu chuyện gây tranh cãi.