Về thác Hiêu, nơi biến cây thành đá

GD&TĐ - Nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước, Thanh Hóa), khu du lịch thác Hiêu (thôn Hiêu, xã Cổ Lũng) đang thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và nước ngoài đến nghỉ ngơi, thăm quan.

Về thác Hiêu, nơi biến cây thành đá

Điểm đến của khách du lịch nước ngoài

Theo chân một cán bộ văn hóa xã Cổ Lũng, chúng tôi ghé thăm khu du lịch sinh thái thác Hiêu. Từ trung tâm xã, đến khu du lịch cách khoảng 4 km. Men theo con đường mòn nhỏ uốn lượn qua những thửa ruộng bậc thang, những góc nhà sàn ẩn hiện trong sương mù mờ ảo, chúng tôi đến đầu bản Hiêu đã nghe tiếng nước róc rách chảy bên sườn núi. Đi khoảng hơn 1km nữa, thác Hiêu hiện ra giữa đại ngàn với những dòng nước trong vắt.

Ghé vào nhà sàn bên cạnh thác, chúng tôi được anh Hà Văn Sỹ -người quản lý khu du lịch sinh thái thác Hiêu - vui vẻ chào đón. Anh Sỹ cho biết: Khu du lịch thác Hiêu đang được nhiều người biết đến với lượng khách du lịch đến đây ngày một đông. Đây là dự án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, giúp phát triển và khai thác du lịch thiên nhiên vừa để nâng cao ý thức, bảo vệ văn hóa địa phương đồng thời tạo cơ hội phát triển kinh tế người dân địa phương.

Gia đình anh Sỹ là 1 trong 5 gia đình ở bản Hiêu đăng ký tham gia làm mô hình này. Hiện gia đình anh Sỹ có 2 nhà sàn và 3 chòi được làm bằng gỗ và mái lá để phục vụ khách du lịch dừng chân nghỉ ngơi. Trung bình một ngày có khoảng 6 khách đến nghỉ lại và tham quan, đặc biệt khách ở đây chủ yếu là khách nước ngoài. Có những ngày khách đông từ 15 người trở lên đến tham quan và nghỉ lại.

Thác nước biến “cây hóa thạch”

Giới thiệu với chúng tôi về khu du lịch sinh thái thác Hiêu, anh Sỹ cho biết thêm: Điểm đặc biệt của thác Hiêu là không chỉ tạo nên một bức tranh thác, suối vô cùng nên thơ giữa rừng núi và những nếp nhà sàn, mà thác Hiêu mang theo một dòng nước đặc biệt. 

Dòng nước này có thể biến một cây xanh sau khi được đặt dưới lòng thác vài năm thành một khối thạch đá, tạo nên nhiều tác phẩm “cây hóa thạch”, “cây hóa đá” rất đẹp. Khí hậu nơi đây lại mát mẻ, trong lành, dòng nước trong vắt, mát rượi vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông nên khách du lịch rất thích. 

Đến đây, khách có thể nghỉ lại với giá thuê một nhà sàn khoảng 200.000 đồng/1 ngày, đêm. Khách thăm quan tập trung vào 6 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm. Nơi đây, khách du lịch không chỉ được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng, hòa mình giữa dòng nước mát rượi, mà còn được thưởng thức những món ăn dân dã mang đậm bản sắc dân tộc địa phương như: cơm lam, măng rừng… Đặc biệt, món ăn được chế biến từ vịt Cổ Lũng. 

Đây là loại vịt nổi tiếng xứ Thanh từ xưa do người dân nơi đây nuôi thả trên những cánh đồng, con suối ở bản, ăn rất thơm ngon và ngọt thịt.

Do đường giao thông còn khó khăn nên việc thu hút khách du lịch còn hạn chế. Bên cạnh đó, vẻ đẹp của khu du lịch vẫn chưa được khai thác hết do đường đi lên thác còn khó khăn. Chiều dài dòng thác khoảng 800m, du khách muốn lên đến đỉnh thác phải mất 1 giờ đồng hồ, vừa leo núi, vừa lội thác.

Hiện nay, dự án làm đường từ trung tâm xã Cổ Lũng vào khu du lịch thác Hiêu đã được phê duyệt, theo kế hoạch sang năm 2016 sẽ bắt đầu được khởi công. Người dân bản Hiêu mong muốn khu du lịch thác Hiêu sẽ được nhiều người biết đến như một điểm du lịch lý tưởng để nghỉ ngơi, thư giãn.

Một số hình ảnh tại thác Hiêu, bản Hiêu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Về thác Hiêu, nơi biến cây thành đá ảnh 1Về thác Hiêu, nơi biến cây thành đá ảnh 2Về thác Hiêu, nơi biến cây thành đá ảnh 3Về thác Hiêu, nơi biến cây thành đá ảnh 4

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ