Bàn cãi chuyện tang “văn minh”

GD&TĐ - “Ở Má Tra có một số dòng họ đã thực hiện tang văn minh, trong đó có dòng họ Mã nhà tôi…”; “Dòng họ nào thực hiện tang văn minh thì cứ thực hiện chứ dòng họ Giàng nhà tôi thì chưa mà sẽ là không…”. Hai vị khách mời đến từ Lào Cai và Hà Giang đã làm “nóng” buổi trò chuyện “Bàn về tang “văn minh”” được tổ chức sáng 4/10 tại Hà Nội.

Đám tang của người Mông. Ảnh minh họa/ INT
Đám tang của người Mông. Ảnh minh họa/ INT

Người hoan hỉ, kẻ… chùng chình

Từ Má Tra, phường Sa Pả, thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai về Hà Nội, ông Má A Vàng vui vẻ khoe về việc dòng họ nhà ông là một trong những dòng họ sinh sống ở Má Tra đã tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang theo Đề án “Xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” năm 2005 của tỉnh Lào Cai. Theo ông Vàng, việc thực hiện tang “văn minh” là rất cần thiết vì hợp vệ sinh và người nhà có đám không phải lo trông giữ xác chết trong suốt cả tuần lễ.

Ông Vàng minh chứng: Theo phong tục từ lâu đời của người Mông, lúc đám tang, người chết sẽ được đặt trong “ki”. “Ki” ở đây là “ngựa” - đan bằng tre hoặc gỗ, trũng xuống giống cái võng – giống cái cáng. Thường thường, khi lưu giữ người chết trong “ki” bao giờ con cháu cũng phải trực canh giữ rất mệt mỏi và mất vệ sinh.

“Đặc biệt, mối lo nhất là có những dâu, rể rắp tâm cắm cái kim vào tay áo của người chết nằm trong “ki” mà không biết, cứ thế đem đi chôn thì sau này con cháu sẽ ốm đau quặt quẹo, không ăn nên làm ra. Thế nhưng, khi người chết được đặt vào quan tài thì vừa không mất vệ sinh vừa chẳng còn phải canh trực kỹ càng sợ dâu, rể rắp tâm hại nữa. Ngoài ra, khi cho vào quan tài, cũng có thể kéo dài thời gian lưu giữ xác chết để tránh trùng tang với ai đó trong họ hàng thân tộc”– ông Vàng nói.

Cũng theo ông Vàng, người già, người trẻ trong làng đều đồng tình với đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”. Tất nhiên, để có thể thay đổi hình thức thực hành mai táng từ “ki” sang quan tài cho người chết thì cần có một bà cô rút lại lời đi “ki” và thêm vào đó những lời khen khi đi quan tài sẽ gặp nhiều điều tốt lành. Trong khi đó, theo ông Má A Pho, đề án được đưa ra từ năm 2005 thì đến 2007, nhiều dòng họ ở Má Tra mới thực hiện. Người dân nơi đây cũng dành ra hai năm để nghiên cứu, tìm hiểu…

Trái ngược với chia sẻ của ông Má A Vàng, anh Giàng Mí Hờ cũng là người Mông đến từ thôn Mèo Vống, xã Lũng Trinh, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang lại cương quyết nói rằng, dòng họ của anh nhất định không thay đổi hình thức thực hành mai táng từ đi “ki” sang đi bằng quan tài. Lý do anh Hờ đưa ra là, đi “ki” là một tập tục của cha ông nên cần phải gìn giữ. Và anh có được nghe những câu chuyện có dòng họ chuyển từ hình thức đi “ki” sang đi bằng quan tài, sau đó khoảng mấy năm dòng họ đó lại có người mất trùng đúng vào ngày đó.

“Chúng tôi không thể lý giải được vì sao có sự trùng hợp đó. Nhưng rõ ràng ở đây có sự trừng phạt nào chăng. Với lại, tôi đã từng chứng kiến đám tang của ông nội tôi. Trong 8 ngày của đám tang, ông nội tôi được đặt ở trong “ki” 7 ngày. Đến ngày thứ 8 thì con cháu mang xác ông ra ngoài phơi nắng. Tôi thấy xác ông nội vẫn bình thường, không mất vệ sinh gì cả. Cái mà chúng tôi có thể học tập từ đề án là giảm bớt ngày đám tang”, anh Giàng Mí Hờ cương quyết nói.

Hãy để cộng đồng tự quyết?

Giữa hai cách tiếp cận về tang “văn minh” có vẻ không đi đến thống nhất được chia sẻ từ đại diện của hai dòng họ Má và Giàng, các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa và quyền con người cũng có những trao đổi khá thú vị.

Chia sẻ cùng câu chuyện của ông Vàng và anh Hờ, ông Hoàng Cầm – chuyên viên nghiên cứu văn hóa, Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, cho biết, ông vốn là người Sơn La. Bản gia đình ông ở sát bản người Mông, người Thái và từng chứng kiến những cách thực hành đám tang của các tộc người này bằng cách đi “ki”. Theo ông, việc thực hành đám táng không phải để làm cho người chết mà làm cho người sống và mỗi phong tục là mỗi cách thực hành văn hóa của một cộng đồng người. Thế nên, câu chuyện “phơi xác” của người Mông nghe rất hủ tục nhưng nếu cùng nhìn lại tập tục “sang cát” của người Kinh thì hẳn rằng có sự tương đồng ở đây.

Theo ông Cầm, việc thay đổi cách thực hành văn hóa chỉ có chủ nhân của văn hóa đó tự thay đổi. “Tự mỗi chủ nhân, tự mỗi cộng đồng sẽ biết là có nên thay đổi cách thực hành văn hóa của mình, của cộng đồng mình sinh sống hay không. Nếu họ đã muốn thay đổi thì tự bản thân họ sẽ thay đổi chứ không cần đến quy định, đề án… của chính quyền tác động đến. Còn nếu họ không muốn thay đổi thì dù có cấm, có phạt… thì họ vẫn thực hành”, ông Hoàng Cầm nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của ông Hoàng Cầm, bà Liên Hoa – người hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền cho rằng, chính quyền không nên can thiệp mà hãy tôn trọng ý chí của chủ nhân, tôn trọng quyền quyết định của người dân. Không chỉ riêng người Mông mà người Kinh cũng có những câu thể hiện ý chí tự quyết đó như: “Ma chê cưới trách”, “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”… “Ở góc độ Nhà nước, điều nên làm là tôn trọng – bảo vệ và hỗ trợ các chủ nhân, chứ đừng bắt ép đi theo ý chí chung. Và việc tôn trọng đó được thể hiện ở sự tích cực đối thoại, trao đổi…”, bà Liên Hoa nói.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, Viện Nghiên cứu Văn hóa thì lưu ý nhắc đến “đám tang” là nhắc tới vấn đề liên quan đến niềm tin, liên quan đến những cách thực hành rất khác biệt ở mỗi vùng miền, mỗi dân tộc. Vậy nên, không nên gán vào đó hai chữ “văn minh” – vì có thể cách thực hành này văn minh với tộc người này chứ không văn minh với tộc người kia. “Cụm từ đám tang “văn minh” còn gây ra một áp chế, một quyền lực rất rõ. Có nên không?” – PGS.TS Phạm Quỳnh Phương đặt câu hỏi.

Nhắc đến chuyện mổ trâu, mổ lợn ăn uống kéo dài tại đám tang của người Mông có phải là hủ tục hay không, ông Vàng, anh Hờ đều có chung chia sẻ rằng, đấy là sự đóng góp của cộng đồng trước việc tang của một gia đình nào đó (góp lợn, rượu, gạo) thể hiện tinh thần đoàn kết, tương hỗ. Có gia đình sau đám tang còn có vài tạ thóc để ăn. Còn về chuyện có nên lập đội khèn chung cho mỗi đám tang hay không thì cả ông Vàng và anh Hờ đều khẳng định là không vì nếu vậy sẽ có những gia đình nghèo khó không có tiền thuê đội khèn, trong khi đó, ở người Mông luôn giúp đỡ nhau việc này. Hễ nhà ai có việc tang là sẽ có nhiều người cùng đến thổi khèn giúp, nhận chút công là thịt trâu, thịt lợn chứ không phải bằng tiền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ