Cảm hứng lịch sử trong văn học mạng. Bài 1: Đậm dấu ấn cá nhân

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trên các diễn đàn văn học mạng có nhiều tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân khi lấy cảm hứng từ lịch sử để sáng tạo và được đông đảo bạn trẻ theo dõi.

Những cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ lịch sử của một số tác giả trẻ được xuất bản. Ảnh: Phong Anh.
Những cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ lịch sử của một số tác giả trẻ được xuất bản. Ảnh: Phong Anh.

LTS: Những năm gần đây, lịch sử là đề tài được khai thác khá nhiều cho phim ảnh, truyện tranh, tiểu thuyết… Đặc biệt, chỉ cần gõ từ khóa “cảm hứng lịch sử” sẽ tìm thấy nhiều tác phẩm văn học được viết bởi những cây bút trẻ tuổi “tay ngang”. Liệu đây chỉ là hiện tượng tức thời hay đủ sức bền nối tiếp vào dòng chảy văn học nước nhà?

Phong phú, đa dạng

Người dùng Wattpad, một nền tảng truyện online, hẳn đã quen mắt với Bí Bứt Bông (hay Đồng Lạc) cùng những bộ tiểu thuyết lấy cảm hứng lịch sử và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ độc giả.

Như lời giới thiệu hóm hỉnh ở đầu trang cá nhân, “Viết truyện thời Lê, đam mê thời Lý, mất đi lý trí vì các cụ thời Trần”, tiểu thuyết của Đồng Lạc chủ yếu xoay quanh ba thời kỳ này. Một số tựa truyện như “Tức Mặc có giai nhân”, “Mộng vàng son”, “Duyên mảnh”... thu về số lượt đọc cao đáng kể.

Ngoài tập truyện ngắn “Trần triều nhàn thoại” xuất bản năm 2022, nữ tác giả còn sở hữu hai trang Facebook là “Lạc cõi ngàn năm” và “Lạc ngắm nhân gian” chia sẻ những bài viết về lịch sử, truyện dã sử thu hút hàng chục ngàn lượt theo dõi.

Bên cạnh đó, tác giả trẻ yêu sử Việt và theo đuổi thể loại này đang được săn đón từng chương truyện có thể kể đến như Mật Tiễn với tác phẩm “Lúc biết xuyên không thì đã muộn” hay Mạc Chẩm cùng “Mạn thiên hoa vũ”.

Bên cạnh những dự án comic, diễn hoạt như “Long Thần tướng” hay “Việt sử kiêu hùng”, trên nhiều diễn đàn văn học mạng có nhiều tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân khi lấy cảm hứng từ lịch sử để sáng tạo và được đông đảo bạn trẻ theo dõi.

Xa hơn, gần ba năm qua, có tác giả đã thành danh như Hoàng Yến cùng những series “Săn Mộ”, “Thượng Dương”, “Dưới cánh đại bàng”; tác giả Phương Uyên với “Sông núi chưa già” và Thành Châu với “Tây Sơn phụng thần ký”...

Không đơn thuần chỉ là kể lại lịch sử, các tác giả trẻ còn mạnh dạn xây dựng cốt truyện kết hợp với nhiều thể loại khác và tạo nên sự phong phú, đa dạng như xuyên không, kỳ ảo, trộm mộ, trinh thám, bí ẩn, trọng sinh, lãng mạn…

Tiểu thuyết “Dưới cánh đại bàng” của Hoàng Yến viết về hành trình phá án ở làng Diên Uẩn dưới góc nhìn của thái tử Lý Nhật Tôn, “Tơ mảnh” của An viết đan xen giữa hai kiếp người về mối duyên nợ của vua Lê Thánh Tông cùng Tu nghi Nguyễn Thị Ngọc Độ.

Dù phóng tác theo thể loại nào thì họ đều góp một phần không nhỏ vào việc truyền cảm hứng cho độc giả về tình yêu đối với lịch sử. Ngoài viết truyện, họ còn tích cực trong việc tương tác, bàn luận và chia sẻ rộng rãi phần nào kiến thức lịch sử đến với một bộ phận độc giả trẻ trên mạng xã hội. Điển hình, fanpage Săn Mộ của Hoàng Yến có hơn 48 ngàn lượt theo dõi với nhiều lượt tương tác, thảo luận trong group “Cộng đồng Săn Mộ”.

Truyền tải theo cách riêng

Đầu năm nay, với hơn 1 triệu lượt đọc trên ứng dụng Enovel và Wattpad, tiểu thuyết đầu tay “Lúc biết xuyên không thì đã muộn” của tác giả Mật Tiễn khi xuất bản đã lập kỷ lục mới: Bán hết 500 bản đặc biệt chỉ trong 10 phút đầu và 1.000 bản sau 24 giờ phát hành.

Nói về góc nhìn của người trẻ hiện nay đối với lịch sử, Mật Tiễn cho biết: “Tôi thấy người trẻ đặc biệt là các bạn gen Z, gen Alpha ngày càng đam mê lịch sử. Đi cùng đam mê ấy, các bạn tìm hiểu, đọc, thảo luận nhiều hơn và có cái nhìn khách quan, đa chiều về lịch sử”.

Tác phẩm của Mật Tiễn lấy bối cảnh ở thời kỳ chuyển giao giữa nhà Tiền Lê và nhà Lý, sử dụng nhân vật trung tâm là vua Lê Long Đĩnh. Cô xây dựng nội dung cốt truyện theo hướng hài hước nhưng cũng không kém phần lôi cuốn, kỳ ảo với điểm nhấn là hành trình “xuyên không” về Đại Cồ Việt hơn nghìn năm trước của nữ chính Thanh Đình - cô gái đến từ thế kỷ 21.

Bằng lăng kính hiện đại mới mẻ, tác giả đã khéo léo lồng ghép phần nào đó suy nghĩ, cảm quan cá nhân và trí tưởng tượng của mình vào những uẩn khúc, bí ẩn chưa có lời giải của lịch sử giai đoạn này. Cuốn tiểu thuyết cũng rất thành công khi dựng lại hình tượng những nhân vật lịch sử tưởng chừng thân quen qua góc nhìn mới thú vị, khai thác linh hoạt yếu tố văn hóa và y học cổ truyền.

Tác giả Việt Chi (giữa) giao lưu cùng độc giả tại sự kiện ra mắt tiểu thuyết 'Như Sơ' - talkshow 'Một thế hệ, một tiếng nói'. Ảnh: NVCC.
Tác giả Việt Chi (giữa) giao lưu cùng độc giả tại sự kiện ra mắt tiểu thuyết 'Như Sơ' - talkshow 'Một thế hệ, một tiếng nói'. Ảnh: NVCC.

Tác giả không quên nhắn nhủ người đọc: “Truyện được viết dưới góc nhìn, suy nghĩ cá nhân của tác giả với nhân vật lịch sử. Dù vậy cũng sẽ có nhiều chi tiết, hoàn cảnh bị tác động bởi cốt truyện, các chi tiết hư cấu... yếu tố khách quan và chủ quan khác nên cũng không hẳn 100% phản ánh cảm quan của mình”.

Cùng xuất bản vào đầu năm 2024, tiểu thuyết “Như sơ” của tác giả Việt Chi lại có phần nhẹ nhàng hơn khi tập trung nói về mối tình giữa Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải và Phụng Dương công chúa.

Giới thiệu về cuốn sách, Việt Chi viết: “Không có đấu đá tranh giành, không có bày mưu tính kế, “Như sơ” chỉ là dòng suối mát ôm theo dáng trăng non, dịu dàng chảy trôi cả một đời có lẻ”.

Tác giả lựa chọn khai thác những khía cạnh tình cảm đáng trân quý của mối tình lãng mạn nhất trong sử Việt, mong muốn gửi gắm đến độc giả thông điệp: Bên cạnh các cuộc hôn nhân ẩn chứa mưu tính sâu xa về thời thế hay bị ràng buộc bởi lợi ích chính trị, thì trong lịch sử phong kiến cũng có những cuộc hôn nhân xuất phát từ tình cảm chân thành, đẹp đẽ, đáng ngưỡng mộ.

“Truyện được lấy cảm hứng từ truyện, nhân vật có thật trong lịch sử, nên tôi hy vọng có thể góp phần đưa lịch sử tới gần hơn với bạn đọc, khơi gợi sự tò mò và hứng thú tìm hiểu, đặc biệt là giới trẻ”, Việt Chi chia sẻ.

Được tham khảo và trải nghiệm

“Tác phẩm văn học được sáng tác từ cảm hứng từ lịch sử kích thích sự tò mò cho người trẻ tìm hiểu về bộ môn Lịch sử. Tuy nhiên, tiểu thuyết đưa nội dung lịch sử cần làm rõ bối cảnh, nội dung giai đoạn lịch sử đó, tránh việc học sinh chỉ quan tâm đến nhân vật được phóng tác hợp với sở thích cá nhân” - Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường THPT Thường Tín.

Là một trong những “fan cứng” lâu năm của dòng tiểu thuyết này, Thủy Tiên (23 tuổi, Hà Nội) cho biết cô quan tâm đến truyện trinh thám và tiểu thuyết lịch sử khoảng từ năm 2018. Cô thường theo dõi và đặt mua những cuốn tiểu thuyết lịch sử đã được cấp phép xuất bản.

“Qua mỗi bộ truyện đã đọc, tôi đều thấy trong đó niềm tự hào, tự tôn dân tộc và tình yêu đất nước, văn hóa lịch sử của các tác giả trẻ. Kiến thức bên lề truyền tụng trong dân gian được đưa vào tác phẩm cũng đáng để tham khảo”, Thủy Tiên nói.

Ngân Hà (23 tuổi, TP Hồ Chí Minh) nói về niềm yêu thích của mình đối với những cuốn tiểu thuyết sử dụng chất liệu lịch sử: “Truyện mở ra cánh cửa dẫn tôi vào những thời đại xa xưa, nơi tôi có thể trải nghiệm cuộc sống qua lăng kính của các nhân vật đã tồn tại cách đây cả trăm, ngàn năm. Tôi có thể tham khảo các sự kiện lịch sử từ nhiều khía cạnh qua sự sáng tạo, góc nhìn và quan điểm của mỗi tác giả”.

Điều khiến Ngân Hà hứng thú hơn cả chính là từ việc đọc truyện mà biết thêm nhiều kiến thức mới, hay những nét văn hóa tưởng như đã thất truyền chỉ còn lưu lại trên sách vở. Cô cũng thường xuyên tham gia các cộng đồng thảo luận lịch sử và nhóm tác giả để giao lưu, chia sẻ niềm đam mê này với mọi người.

“Việc trao đổi và thảo luận trực tiếp với các tác giả sẽ mở ra những góc nhìn mới, làm phong phú thêm trải nghiệm của bản thân. Qua đó, hy vọng sẽ khuyến khích thêm nhiều người trẻ quan tâm và tìm hiểu về lịch sử, để cùng nhau bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống”, Ngân Hà nhấn mạnh.


Bài 2: Giới hạn nào cho người viết?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ