PGS.TS Đinh Quang Hải (Viện Sử học) đã đưa ra minh chứng như trong những trống đồng, thạp đồng được khai quật khảo cổ học năm 1962 chứa tro than bên trong cùng xương, răng của người cháy dở và một số đồ tùy táng.
Và, theo nhà sử học Lê Văn Lan, tục hỏa táng của người Kinh xuất hiện sớm nhất không quá niên đại du nhập của đạo Phật, tức khoảng đầu Công nguyên. Thậm chí, với người Thái, dấu vết của tục hỏa táng còn xuất hiện sớm hơn và đến nay vẫn còn khá thịnh hành ở người Thái đen.
Thêm nữa, trong 9 ngôi mộ thời Trần phát lộ ở Thái Bình thì có đến 8 ngôi mộ là mộ hỏa táng (theo sách “Vài suy nghĩ về mộ thời Trần ở Thái Bình - Vũ Đức Thơm – 1986).
Như vậy, từ thời Hùng Vương, dù công cụ lao động rất thô sơ, đời sống phần lớn dựa vào thiên nhiên và đất đai còn mênh mông nhưng cha ông ta vẫn tiến hành hỏa táng cho người đã khuất – một cách thực hành tín ngưỡng dân gian thân thiện với môi trường.
Thế mà, giờ đây, đời sống, kinh tế, xã hội phát triển vượt bậc nhưng dường như việc mai táng người khuất núi ở nước ta lại không có những bước phát triển tiến bộ theo tỷ lệ thuận mà trái lại dường như còn bị tụt hậu so với thời… Hùng Vương.
Chẳng phải sao, dù hình thức hỏa táng đã được lưu truyền trong bao năm qua và nhiều tỉnh, thành đã xây dựng những đài hóa thân nhưng dường như vẫn chưa thể làm thay đổi quan niệm, tập quán an táng bằng hình thức địa táng trong bộ phận lớn người dân.
Thế nên, nơi nơi vẫn còn những khu nghĩa trang chiếm diện tích đất đai khá lớn. Ở đó, các ngôi mộ xếp hàng chen lấn, được xây cất nguy nga thể hiện rõ sự phân hóa giàu – nghèo.
Ai cũng biết, con người mỗi ngày một sinh sôi còn đất đai mỗi ngày một thu hẹp nên sẽ đến lúc không còn đất để làm nghĩa trang.
Và, ai cũng hiểu, nguồn nước ngầm xung quanh các nghĩa trang thường bị ô nhiễm nặng nề mà giữa thời buổi “tấc đất tấc vàng” càng ngày con người càng sinh sống tiệm cận với những khu này. Không chỉ thế, trong cuộc “đua tranh” khoe giàu, hẳn rằng chuyện lãng phí tiền của cũng “âm thầm” xảy ra nơi… nghĩa trang.
Trong khi đó, tập tục hỏa táng đã có từ thời Hùng Vương chứ đâu phải đến bây giờ mới thực hành? Để sử dụng nguồn tài nguyên đất đai một cách hợp lý, để bảo vệ môi trường trường sống của chính mỗi người, để hướng tới sự phát triển tiến bộ, vậy tại sao con người ngày hôm nay không học tập cha ông thuở xưa để thực hành an táng cho người đã khuất một cách văn minh?