Đồng đội hy sinh khi vừa cất tiếng hát!
GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh rổn rảng đón chúng tôi bằng những câu chuyện về chiến trường năm xưa. Đấy là một tuổi thơ gắn liền với những ngày Hà Nội kháng chiến trong mùa đông năm 1946.
Mới 12 tuổi nhưng cậu bé Canh đã rời làng Đa Sĩ (Kiến Hưng, Hà Đông) vào nội thành và trở thành liên lạc viên quyết tử thuộc biên chế Đại đội 14, Tiểu đoàn 103, Trung đoàn Thủ đô.
Lúc nào cũng như con thoi, cậu bé Canh không chỉ chăm chỉ thực hiện nhiệm vụ liên lạc truyền tin mà còn cất cao tiếng hát, điệu múa lạc quan, yêu đời cổ vũ tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô.
Cùng với các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội sau 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, Lê Ngọc Canh trở thành thiếu sinh quân tuyên truyền vũ trang và hăng hái lên đường phục vụ các chiến dịch kháng chiến chống Pháp.
Vì mới 13 tuổi nên cậu bé Canh được các chú bộ đội gọi là “vệ út” một cách trìu mến. Trong những năm tháng đó, dẫu mưa bom bão đạn, dẫu hiểm nguy luôn rình rập nhưng người vệ út ấy luôn cùng với đồng đội hăng hái ra tận mặt trận hát, múa động viên bộ đội qua các mùa chiến dịch luôn vững vàng tay súng.
“Đến giờ tôi vẫn không thể quên được những giây phút biểu diễn ngay ở chiến trường, cảm xúc đặc biệt và thiêng liêng lắm. Lúc ấy, ai cũng như ai, chẳng có gì là sợ sệt, chẳng có gì là lo âu mà luôn là những giây phút thăng hoa từ khát vọng chiến thắng được gửi trong từng câu hát, điệu múa.
Nhưng chiến tranh nào có chừa ai, đã có không ít lần đồng đội của tôi hy sinh khi vừa cất tiếng hát. Sự sống và cái chết luôn cận kề như thế nhưng chưa khi nào chúng tôi chùn bước”, hướng ánh mắt xa xăm, người vệ út năm xưa trầm giọng nói.
Cũng từ những tháng ngày biểu diễn nơi chiến trường, vệ út Canh bắt đầu tập tành viết nhạc. Bài hát đầu tay “Nhắn nhủ anh vệ quốc” đã được cậu vệ út hoàn thành khi mới 14 tuổi. Nối tiếp đó là những tác phẩm múa như “Đi dân công” (được viết theo nhạc của Nguyễn Đức Toàn), “Đào chuyến hào” (nhạc Doãn Nho)…
Kể về những “đứa con tinh thần” đầu tiên này của mình, đôi mắt người nghệ sĩ ánh lên bao niềm vui bảo: “Vì cảm phục tinh thần chiến đấu quả cảm của những người chiến sĩ mà viết theo kiểu nghĩ thế nào làm thế nấy chứ lúc ấy nào có biết biên đạo là gì đâu”.
Sáng tạo không ngừng
Năm nay, người chiến sĩ văn công Lê Ngọc Canh đã bước sang tuổi xưa nay hiếm – tuổi 87. Dù mấy bận phải vào bệnh viện để phẫu thuật sỏi mật, thế nhưng dường như tinh thần lao động, sáng tạo nghệ thuật của ông luôn hừng hực khí thế như tinh thần của người chiến sĩ văn công Điện Biên nối tiếp đó là người chiến sĩ văn công kháng chiến chống Mỹ.
Chẳng thế mà, trong suốt gần 80 năm qua, bằng sự miệt mài tự học là chính, người chiến sĩ văn công ấy luôn sắm đủ cả 3 vai: Nghệ sĩ - sáng tác - nghiên cứu.
Ông đã có được một “gia tài” khiến nhiều người phải ngả mũ kính nể: 174 tác phẩm múa các thể loại đã được dàn dựng, biểu diễn; 20 đầu sách in riêng và 20 đầu sách in chung. Trong đó, có thể kể đến những tác phẩm xuất sắc như kịch múa “Anh hùng Bế Văn Đàn”, “Nguồn sáng”, “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” (đồng tác giả); các tác phẩm múa: “Cô gái giao liên”, “Trống hội Lô Lô”, “Biển và lửa quê tôi”, “Tiếng đàn Chinh K’rên”, “Cảm xúc ca trù”...;
Các công trình sách nghiên cứu: “Múa tín ngưỡng dân gian Việt Nam”, “Đại cương nghệ thuật múa”, “Nghệ thuật múa chèo”, “Nghệ thuật múa truyền thống Khmer Nam Bộ”... Thật xứng đáng khi năm 2017, GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh đã được Đảng, Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Nhìn lại cả chặng đường lao động nghệ thuật của mình, NSND Lê Ngọc Canh không tự lý giải được vì sao ông lại say mê với nghệ thuật múa dân tộc đến thế. Ông đã tình cờ được đơn vị giao nhiệm vụ từ lúc là thiếu sinh quân tuyên truyền vũ trang của Trung đoàn Thủ đô.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông trở thành diễn viên múa của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Kháng chiến chống Mỹ, ông từng tham gia biểu diễn vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” ở bên bờ Bắc cầu Hiền Lương (sông Bến Hải, Quảng Trị). Đến ngày 30/4/1975, ông cũng có mặt trong đoàn quân vào tiếp quản Sài Gòn.
Hòa bình lập lại, Lê Ngọc Canh trở thành chuyên viên nghiên cứu rồi Trưởng phòng nghệ thuật, Thư ký khoa học và Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho đến khi nghỉ hưu.
Với người chiến sĩ văn công Điện Biên Lê Ngọc Canh, không được làm việc là ông thấy mình như người bị... ốm. Thế nên, giờ đây, ngày ngày ông vẫn cặm cụi bên những trang sách, vẫn nhiệt tình hướng dẫn, dạy dỗ học trò. Thậm chí, nếu có thể ông vẫn đi điền dã để tìm kiếm những điệu múa dân gian rồi sưu tầm, ghi chép, lưu lại cho thế hệ sau.
“NSND Lê Ngọc Canh là một tấm gương lao động nghệ thuật và nghiên cứu khoa học. Ông là người liên lạc tuyên truyền của Trung đoàn Thủ đô đã chuyển từ cây súng sang cây đàn do yêu cầu của cách mạng. Cuộc đời dài theo những cuộc hành quân nên ông viết bất cứ đâu, trong mọi hoàn cảnh. Cuộc sống cùng bộ đội, những chuyến khoác ba lô vượt núi Cao Bằng, vượt đèo Lai Châu, ngủ hầm, cơm vắt, sốt rét rừng… dần đem lại độ chín, sự tinh tế hơn cho tác phẩm của ông” - NSND Lê Ngọc Cường.