Văn chương vì con người

GD&TĐ - Nghệ thuật, trước hết phải đem lại mỹ cảm cho người thưởng thức, soi chiếu bản thân và hướng con người tới điều cao cả.

Hội thảo khoa học toàn quốc “Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức vừa kết thúc ở Bắc Ninh. Hàng trăm tham luận với nhiều cách tiếp cận, lý giải vấn đề, xuất phát từ thực tiễn văn học, nghệ thuật nước nhà.

Tuy nhiên, tựu chung lại hệ giá trị nghệ thuật với thách thức trong thời đại mới với những biến chuyển liên tục, đòi hỏi người làm nghệ thuật cũng phải thay đổi. Bắt kịp xu hướng hay đi trước xu hướng còn là một câu hỏi bỏ ngỏ, nhưng là cơ hội cho những tài năng khám phá, sáng tạo.

Hiện nay, mảng văn học nước ta đã có độ dầy đáng kể. Mỗi năm, số lượng sách văn học được xuất bản rất lớn, nhưng hỏi trong số sách ấy, có bao nhiêu cuốn đáng đọc? Có bao nhiêu tác phẩm còn đọng lại trong tâm trí độc giả?

Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận định rằng, khi một tác phẩm ra đời, nếu từ 3 đến 5 năm sau không được tái bản, tác phẩm đó coi như “đã chết”. Thật ra, nhiều tác phẩm có tuổi thọ vô cùng ngắn ngủi, nó bị khai tử ngay từ khi vừa mới được khai sinh.

Tại sao lại thế? Vì những tác phẩm đó vô thưởng vô phạt, thậm chí người ta còn không biết có nên gọi đó là tác phẩm hay không. Những dòng chữ vô hồn, những tư duy đứt đoạn, những ý tưởng rời rạc, cách diễn tả khó hiểu… nhưng tác giả vì hám danh vẫn cứ luồn lách cho ra sách.

Những người làm quản lý, thường lấy số lượng thống kê đầu sách để đánh giá chất lượng sáng tác. Đó là sai lầm, đi theo lối phong trào. Vì chất lượng không bao giờ sóng đôi với số lượng. Thực tế vài năm gần đây, chúng ta không chỉ lạm phát sách mà còn lạm phát thơ, lạm phát sáng tác. Những tác phẩm không có giá trị, không có chân lý “nối đuôi” nhau ra đời.

Danh nho Nguyễn Văn Siêu từng định giá văn chương thế này: “Văn chương có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ. Loại đáng thờ là loại văn chương vì con người. Loại không đáng thờ là loại văn chương không vì con người”. Ẩn ý của cụ Siêu nói về loại văn chương không vì con người thì còn làm hại con người, làm băng hoại đạo đức và nhân cách, phá hoại nền tảng nhân văn. 

Điều đáng sợ về loại văn chương độc hại là sức lan toả rất nhanh và mạnh. Sức tàn phá của loại văn chương này không chỉ làm hỏng một thế hệ, một đất nước mà còn ẩn tàng những sâu độc sẵn sàng tàn phá tư duy, chính kiến và thẩm mỹ của người đọc.

Thời phong kiến, những tác gia như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát… còn được nhớ đến ngày nay. Họ để lại những tác phẩm lành mạnh, độc đáo và trí tuệ. Rồi sau này, những Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Nam Cao, Nguyễn Bính, Tản Đà… còn được truyền tụng mãi.

Ngày nay, đội ngũ sáng tác đông đảo, sung sức nhưng khó tìm ra tác phẩm để đời. Tuy vậy, lành mạnh hoá văn chương đang là khuynh hướng sáng tác chủ lưu. Chúng ta có quyền tin tưởng, hi vọng vào một nền văn học tử tế sẽ cho ra đời những tác phẩm vì con người.    

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

GD&TĐ - Khoảng 16h30 ngày 19/9, xưởng in có diện tích khoảng 300m2 ở tổ dân phố Dao Quang, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội xảy ra cháy lớn.