Khám phá mô hình “Vòng tròn thảo luận văn chương”

GD&TĐ - Phát triển phẩm chất, năng lực người học là mục tiêu, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Khám phá mô hình “Vòng tròn thảo luận văn chương”

Trong dạy học môn Ngữ văn, một trong những mục tiêu được Bộ GD&ĐT nhấn mạnh hàng đầu là phát triển năng lực đọc hiểu cho người học. 

Môn Ngữ văn trong nhà trường là môn học có ý nghĩa nhân văn cao nhất‚ Văn học là nhân học (Maksim Gorki). Cùng với việc rèn những kỹ năng cơ bản về viết văn, môn học còn giáo dục nhiều tư tưởng, tình cảm, những phẩm chất tốt đẹp, đặc biệt là kỹ năng mềm cho con người Việt Nam.

Hoạt động trải nghiệm có vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Việc vận dụng hoạt động trải nghiệm vào dạy học Ngữ văn có ý nghĩa to lớn, đòi hỏi phải có những biện pháp, hình thức hiệu quả.

“Vòng tròn thảo luận văn chương” (Literature circles) còn có các tên gọi khác là: “Nhóm đọc” (Reading groups), “Trò chuyện về sách” (Book talk), “Câu lạc bộ đọc” (Reading clubs)... Đây là những nhóm thảo luận nhỏ giữa những học sinh cùng chọn đọc một câu chuyện, bài thơ, bài báo, hay cuốn sách.

Trong khi đọc phần văn bản mà mỗi nhóm được phân công (trong hay ngoài lớp học), các thành viên ghi chép những ý tưởng nảy sinh trong quá trình đọc để trao đổi trong cuộc thảo luận sắp tới, và mỗi người đều mang theo những ý tưởng cần được chia sẻ khi đọc một cuốn sách. 

7 bước thực hiện 

- Bước 1: Giáo viên cung cấp nhiều văn bản cho học sinh lựa chọn và yêu cầu học sinh hình thành nhóm.

- Bước 2: Giáo viên hướng dẫn cách viết và ý nghĩa của phản hồi mở, nơi người đọc có thể ghi lại các cảm xúc, các mối liên hệ, các từ ngữ, các nét vẽ, các câu hỏi, các lời bình luận hay bất cứ lưu ý nào khác về những gì học sinh đọc. Hoặc giáo viên phân vai cho học sinh, giới thiệu, giải thích rõ các vai sẽ phân công cho học sinh trải nghiệm và thể hiện qua hệ thống phiếu học tập.

Vai người liên hệ: Học sinh thực hiện những kỹ năng mà người đọc thường sử dụng: Tìm mối liên hệ giữa truyện ngắn đang đọc với thực tế cuộc sống, với cảm xúc và kiến thức nền của học sinh, với những văn bản, tác giả khác. Học sinh hoàn thành phiếu học tập 1: Tìm mối liên hệ giữa ba truyện ngắn với đời sống, mối liên hệ giữa truyện ngắn với các tác phẩm cùng đề tài, cùng tác giả... 

Vai người chứng kiến thế giới nghệ thuật: Học sinh đảm nhiệm vai trò người quan sát, người chứng kiến, không tham gia trực tiếp vào các sự việc trong tác phẩm mà tích cực xây dựng ý nghĩa từ những gì mình tưởng như đang hiện ra trước mắt. Tương ứng với vai trải nghiệm này, học sinh sẽ hoàn thiện phiếu học tập số 2: Những điều học sinh thấy về nhân vật, bối cảnh, các sự kiện xảy ra trong truyện ngắn. 

Vai người vẽ tranh: Ở vai này học sinh sẽ vẽ về hình ảnh còn đọng lại trong tâm trí học sinh sau khi đọc tác phẩm. Hình ảnh đó có thể là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc hay chân dung một nhân vật học sinh yêu thích hoặc một cảnh tượng học sinh ám ảnh...

Học sinh tưởng tượng hình vẽ đó trong đầu và vẽ vào phiếu học tập, khi vẽ học sinh nêu lý do hoặc giải thích ý nghĩa hình ảnh vẽ. Tương ứng với vai trải nghiệm này, học sinh hoàn thiện phiếu học tập số 3. 

Vai nhân vật trong bối cảnh: Học sinh nhập vai vào nhân vật, viết nhật ký nhân vật (tên, tuổi, gia cảnh, suy nghĩ, hành động, diễn biến tâm trạng của nhân vật trong từng sự kiện khác nhau). Học sinh hoàn thiện phiếu học tập số 4. Ở vai này, học sinh có thể diễn lại một trích đoạn truyện ngắn đặc sắc trong tác phẩm. 

Vai tìm những đặc sắc về nghệ thuật: Học sinh tìm những từ hay, từ mới, có khả năng miêu tả cao mà tác giả đã sử dụng, nêu ý nghĩa biểu đạt của những từ ngữ đó. Cùng với đó, học sinh phát hiện những từ ngữ có tác dụng cao trong việc thể hiện ngôn ngữ, giọng điệu trần thuật trong tác phẩm. Học sinh hoàn thiện phiếu học tập 5 với những tìm hiểu về ngôn ngữ tác phẩm trong từng đoạn trích đặc sắc hoặc trong toàn bộ tác phẩm. 

Vai người sáng tạo: Học sinh dự đoán, viết tiếp hoặc sáng tạo kết truyện mới. Tương ứng với vai trải nghiệm này, học sinh hoàn thiện phiếu học tập số 6. 

- Bước 3: Cho học sinh một khoảng thời gian để đọc và viết phản hồi (khoảng 20 - 30 phút). Yêu cầu các nhóm nhìn vào sách và tự quyết định chọn một phần mà học sinh có thể đọc xong 5 phút trước khi hết thời gian quy định. 5 phút này sẽ được dùng để học sinh ghi các điểm chú ý vào bản phản hồi, trong hoặc sau khi đọc.

- Bước 4: Khi tất cả đã đọc và ghi các lưu ý xong, mời các thành viên trong nhóm gặp nhau trong khoảng 10 – 15 phút. Giáo viên giải thích cho học sinh hiểu mục đích của cuộc gặp này là để học sinh có một cuộc trò chuyện tự nhiên về cuốn sách đã đọc. Khuyến khích học sinh nói một cách thoải mái, có thể dựa trên những ghi chú của mình hoặc dựa trên tình huống mà cuộc trò chuyện đó gợi ra.

- Bước 5: Trong quá trình cuộc trò chuyện diễn ra, giáo viên quan sát các nhóm. Giáo viên ghi lại những ví dụ và lời bình luận cụ thể mà có thể cần sử dụng trong quá trình trao đổi chung với các nhóm khác sau đó.

- Bước 6: Yêu cầu cả lớp tập hợp để cùng chia sẻ và thảo luận. 

Một quy tắc quan trọng cho tất cả các kiểu hướng dẫn “Vòng tròn thảo luận văn chương” là nói về cuốn sách đã đọc. Yêu cầu mỗi nhóm nêu cảm nhận về nội dung trao đổi của từng em. Sau đó, các em chuyển sang phản ánh về tiến trình tổ chức thảo luận trong nhóm.  

Nếu áp dụng các vai trải nghiệm để đọc hiểu văn bản thì giáo viên tổ chức, hướng dẫn học sinh tìm hiểu truyện ngắn dựa trên kết quả phiếu học tập học sinh đã hoàn thành 

- Bước 7: Yêu cầu các nhóm tự chỉ định một đoạn đọc khác trong sách cho buổi gặp thứ hai. Nhắc học sinh ghi phản hồi trong và sau khi đọc. Ghi các kỹ năng tốt và không tốt vào một tờ giấy lớn/bảng phụ treo trên lớp và trong buổi thảo luận tiếp theo có thể thêm vào danh sách này những điểm cần thiết.

Sử dụng rộng rãi và hiệu quả 

“Vòng tròn thảo luận văn chương” với bản chất là mô hình học tập thông qua thảo luận, phiếu bài tập, đã tạo nên sự kết hợp hài hòa, đa dạng giữa các hình thức trải nghiệm đọc hiểu văn bản khác nhau trước trong và sau tiết học. Trên cơ sở đó, những năng lực chung và năng lực đặc thù của bộ môn Ngữ văn được phát triển toàn vẹn ở học sinh.

“Vòng tròn thảo luận văn chương” là mô hình dạy học Ngữ văn tích cực, được sử dụng rộng rãi và hiệu quả trên thế giới nhằm phát huy tối đa năng lực người học, giúp học sinh đọc hiểu văn bản kĩ hơn, thâm nhập sâu hơn vào thế giới nghệ thuật trong văn bản. Mô hình này là một phương pháp mới sẽ hỗ trợ rất tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, bộ môn Ngữ văn nói riêng.

Đổi mới chính là luôn phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập và chiếm lĩnh tri thức. Việc đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường, bắt đầu từ những bài giảng của các thầy cô sẽ góp phần tạo ra những con người mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ