Vẫn chỉ là một giấc mơ?

GD&TĐ - Để người tài làm chính sách tuyển dụng những người tài thì may ra mới có cơ hội thành công.

Tháng 7/2019, UBND TPHCM ban hành Quyết định 17 về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu trong giai đoạn 2019 - 2022.

Trong phần Cơ chế, chính sách đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt nêu: Người có tài năng đặc biệt được hưởng mức hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng theo năng lực, thành tích cá nhân đã đạt được từ 30 triệu đồng/người/tháng đến 50 triệu đồng/người/tháng.

Mức hỗ trợ này đã bao gồm tiền lương hàng tháng, các khoản phụ cấp kèm theo lương (nếu có) mà người có tài năng đặc biệt được hưởng theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, người có tài năng đặc biệt còn được hỗ trợ về nhà ở công vụ hoặc được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà. Kinh phí tổ chức tuyển chọn và thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ, trọng dụng đối với người có tài năng đặc biệt do ngân sách thành phố chi trả.

Chủ trương là vậy, song đến thời điểm khi Quyết định 17 sắp hết hiệu lực, theo lãnh đạo thành phố, chương trình không thành công khi mới chỉ thu hút được một người và không có thêm nhân tài mới.

Có những câu chuyện kể về người thuộc diện “nhân tài”, bỏ công việc ở xứ người để quay về cống hiến nhưng nghẹt nỗi phải về hưu khi đang tuổi sung sức nhất.

Hay có những chuyện “trải thảm đỏ mời nhân tài” nhưng theo hình thức nhận hồ sơ và xét tuyển, để rồi: “Nếu cần đóng góp của chuyên gia, thành phố cần có lời mời và đối xử một cách trân trọng, chứ không phải ‘nộp đơn đây để tôi xét’”, như chia sẻ của TS Nguyễn Quốc Bình.

Nhiều lí do được nêu ra để lý giải về sự thất bại của Chương trình này. Ngoài cơ chế tài chính thiếu hấp dẫn, mặc dù, TPHCM là nơi hội tụ nhiều chuyên gia chất lượng cao - như lãnh đạo thành phố thừa nhận -  nhưng chưa phát huy được hết tiềm năng. Người tài sẵn sàng cống hiến không chỉ vì vật chất như lương bổng, nhà ở, mà còn quan tâm tới yếu tố tinh thần.

“Không phải cứ trả thật nhiều tiền sẽ thu hút được chuyên gia vì họ cống hiến không chỉ vì tiền. Tất nhiên, thu nhập cũng không thể ít quá khiến người được trả cảm giác bị hạ thấp giá trị”, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học tư vấn thực hiện chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học của thành phố, chia sẻ.

Còn nhớ, cách đây chưa lâu, cả nước “sục sôi” với câu chuyện chiêu mộ người tài, bỏ tiền cho đi du học với ràng buộc phải quay về phục vụ quê hương ở Đà Nẵng để rồi quay lại kiện tụng, phê phán nhau về chế độ đãi ngộ, về cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc…

Tất cả những chuyện trên đều bắt nguồn từ những quyết sách, chủ trương… dựa trên tham mưu, định hướng của các sở, ngành của địa phương.

Vậy thì, người ta có thể hỏi: Liệu bản thân những người được giao làm công tác tham mưu ấy đã đủ “tài” để đề xuất, vạch ra những cơ chế, chính sách cho việc chiêu mộ, tuyển dụng người tài hay chưa? Để người tài làm chính sách tuyển dụng những người tài thì may ra mới có cơ hội thành công.

Chứ cứ trông chờ vào hoạch định, kế hoạch hay đề xuất của những chuyên viên, cán bộ vốn chỉ quanh quẩn quanh chiếc bàn với màn hình và bàn phím thì có lẽ việc có thêm được người tài thực sự trong bộ máy vẫn chỉ là một giấc mơ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-35B.

Loạt sai sót và lỗi gây tai họa cho F-35

GD&TĐ - Một báo cáo của Lầu Năm Góc tiết lộ chương trình F-35 đã gặp nhiều vấn đề, khó khăn về độ tin cậy và kéo dài thời gian khắc phục với lỗi nghiêm trọng.