Vai trò tổ chuyên môn trong bồi dưỡng giáo viên triển khai Chương trình mới

GD&TĐ - Trong điều kiện dịch bệnh, các trường liên tục chuyển đổi hình thức dạy học trực tuyến và trực tiếp, việc bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên thực hiện chương trình SGK mới cũng linh hoạt cách thức tổ chức.

Trường THCS Trưng Vương tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên về phương pháp dạy học tích cực theo hình thức trực tuyến.
Trường THCS Trưng Vương tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên về phương pháp dạy học tích cực theo hình thức trực tuyến.

Kết hợp trực tuyến và trực tiếp

Trước khi bước vào khai giảng năm học 2021 – 2022, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã tổ chức bồi dưỡng thêm cho giáo viên về phương pháp dạy học tích cực, phát huy tính sáng tạo của học sinh.

Thầy Hồ Ngọc Hưng – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Với 6 buổi tập huấn, thảo luận về các phương pháp dạy học tích, giáo viên nhà trường còn được giảng viên “chuyển giao” công nghệ dạy học trực tuyến. Ngoài giới thiệu các phần mềm dạy - học trực tuyến, giảng viên còn phân tích thế mạnh của từng phần mềm cùng cách khai thác, sử dụng sao cho hiệu quả, phát huy được sự tích cực, chủ động của học sinh.

Nhờ vậy, dù hình thức dạy học trực tuyến kéo dài hơn một học kỳ, nhưng giáo viên đứng lớp khối 6 chương trình GDPT 2018 của Trường THCS Trưng Vương vẫn có thể triển khai dạy học theo hướng hình thành - phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

“Tuy nhiên, khi chuyển từ dạy học trực tuyến sang trực tiếp, giáo viên vẫn phải dành thời gian hướng dẫn cho học sinh cách làm việc nhóm khi tham gia hoạt động học tập tại lớp. Trước đó, các em đã quen với cách làm việc nhóm khi học online. Nhưng cách làm việc nhóm trên các ứng dụng phần mềm khác với làm việc nhóm trên thực tế. Giáo viên phải dành một lượng thời gian nhất định để học sinh thích nghi khi chuyển đổi hình thức dạy - học” - thầy Hưng nhận xét.

Giáo viên Trường THCS Trưng Vương tham gia khóa bồi dưỡng chuyên môn do nhà trường tổ chức về phương pháp dạy học theo mục tiêu phát triển năng lực học sinh.
Giáo viên Trường THCS Trưng Vương tham gia khóa bồi dưỡng chuyên môn do nhà trường tổ chức về phương pháp dạy học theo mục tiêu phát triển năng lực học sinh.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành nhận xét: “Qua dự giờ, thăm lớp ở khối lớp 2 cho thấy, vẫn còn tình trạng một số giáo viên làm thay cho học sinh. Ví dụ như đầu mỗi tiết dạy, với chương trình SGK mới, cô giáo phải tổ chức hoạt động khởi động chứ không phải là hoạt động ổn định như trước đây. Và với phần khởi động cũng phải do học sinh tự thực hiện chứ không phải là cô giáo”.

Theo như cô Thu Nguyệt, điểm khác biệt nhất của chương trình - SGK mới là thông qua những hoạt động do chính học sinh thực hiện, dưới sự hướng dẫn, định hướng của giáo viên, hướng tới hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Ví dụ như với hoạt động chữa bài, học sinh sẽ tự hoán đổi vở cho nhau để phát hiện lỗi sai của các bạn, nếu có. Từ những hoạt động bổ trợ này, sẽ góp phần hình thành trí lực cho học sinh.

Cô Thu Nguyệt cho biết, việc dạy – học trực tuyến kéo dài ở bậc Tiểu học đã khiến giáo viên rất khó để áp dụng các phương pháp phát triển năng lực cho học sinh một cách có hiệu quả. Vì vậy, khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, các tổ chuyên môn đều quán triệt đến giáo viên cần dành thời gian để tập cho học sinh có sự chủ động trong các hoạt động học tập.

Mỗi tổ chuyên môn là một đơn vị bồi dưỡng

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Chủ trương của chúng tôi trong sinh hoạt tổ chuyên môn là chú trọng nội dung nghiên cứu học tập, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng trong sinh hoạt chuyên môn như: giải quyết, bàn bạc, thảo luận những vấn đề khó, lúng túng thuộc về nội dung, phương pháp mà tổ nêu ra hoặc tổ viên đề xuất; bồi dưỡng thường xuyên theo modun của Bộ GD&ĐT, triển khai các chuyên đề.

Giáo viên Trường Tiểu học Núi Thành sinh hoạt tổ chuyên môn.
Giáo viên Trường Tiểu học Núi Thành sinh hoạt tổ chuyên môn.

Với các chuyên đề, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Núi Thành yêu cầu các tổ chuyên môn cần xây dựng tiết dạy minh họa để cùng rút kinh nghiệm và triển khai. Một nội dung nữa là tổ chức báo cáo các sáng kiến của thành viên trong tổ, chia sẻ, trao đổi công tác chủ nhiệm như xử lý các tình huống sư phạm của tổ bạn, trường bạn để học tập…

Theo yêu cầu cải tiến chất lượng, nội dung bồi dưỡng cho các tổ chuyên môn của Trường Tiểu học Núi Thành tập trung vào một số vấn đề như: các chuyên đề chuyên môn được Phòng GD&ĐT triển khai; nội dung trong các chuyên san giáo dục có liên quan đến tiểu học, nhất là các nội dung và phương pháp GV còn lúng túng; phổ biến các sáng kiến kinh nghiệm có thể vận dụng được.

Cô Lê Thị Xuân Đào – giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Tây Sơn (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: Với chương trình Ngữ văn lớp 6, nhóm giáo viên đều thảo luận để đi đến thống nhất sẽ sử dụng những phương pháp dạy học nào để tổ chức các hoạt động.

“Với cách trao đổi chuyên môn như vậy, các giáo viên đều có thể học hỏi từ đồng nghiệp của mình từ những ý tưởng tổ chức hoạt động, các sản phẩm học tập… giao cho học sinh hoàn thành. Những lúng túng ban đầu khi triển khai chương trình – sách giáo khoa mới vì vậy cũng được tháo gỡ kịp thời” – cô Đào chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...