Bồi dưỡng giáo viên: Tự tin bắt nhịp chương trình mới

GD&TĐ - Trải qua giai đoạn bỡ ngỡ khi mới nhận nhiệm vụ dạy học theo chương trình (CT) mới, thời điểm này, nhiều thầy cô cho biết đã khá tự tin sau khi được đào sâu về CT, SGK mới qua các đợt bồi dưỡng, tập huấn.

Một buổi tập huấn thay SGK lớp 2 tại Trường Tiểu học và THCS Thụy Duyên, Thái Bình.
Một buổi tập huấn thay SGK lớp 2 tại Trường Tiểu học và THCS Thụy Duyên, Thái Bình.

Nắm chắc, hiểu sâu CT, SGK mới

Khi mới nhận nhiệm vụ giảng dạy môn Khoa học tự nhiên 6, cô Cao Thu Hằng, Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết mình và đồng nghiệp khá lo lắng, bỡ ngỡ. Tuy nhiên, qua các buổi thảo luận, đóng góp ý kiến để lựa chọn SGK, tập huấn về SGK mới và tham gia các khóa học, lớp học để trau dồi kiến thức chuyên môn…, hình dung về công việc với CT mới ngày càng rõ. Các tổ nhóm chuyên môn đã triển khai xây dựng phân phối CT, kế hoạch giáo dục của tổ phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của CT môn học và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường.

“Trong điều kiện dịch bệnh, dạy thực nghiệm chưa thực hiện được, dưới sự chỉ đạo của Ban giám hiệu (BGH), chúng tôi tiến hành xây dựng kế hoạch bài dạy một số tiết trong CT mới để trình bày trước tổ nhóm chuyên môn - BGH, qua đó học hỏi, rút kinh nghiệm và góp ý đồng nghiệp. Qua các video bài giảng dạy thử môn Khoa học tự nhiên, giáo viên (GV) trong tổ chuyên môn cùng thảo luận, học hỏi ưu điểm, khắc phục hạn chế của bài dạy mẫu. Đây cũng là cách chúng tôi dự giờ, học hỏi trực tuyến trong tình hình dịch bệnh hiện nay” - cô Hằng chia sẻ.

Chuẩn bị dạy học theo CT mới, cô Chu Thị Lụa, Trường Tiểu học - THCS Thụy Duyên, Thái Bình được bồi dưỡng trực tuyến các mô-đun 1, 2, 3 trên hệ thống LMS, tập huấn bồi dưỡng SGK lớp 2. Các hoạt động này phần nào giúp cô làm chủ phương pháp dạy học để giảng dạy theo CT mới. Theo cô Lụa, GV qua bồi dưỡng thấy được CT mới xây dựng theo hướng mở, giúp HS hình thành, phát triển những yếu tố căn bản, đặt nền móng để phát triển hài hòa về thể chất, tinh thần, phẩm chất và năng lực. GV cũng nắm được các phương pháp, kĩ thuật dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá tích cực nhằm giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực cho HS.

“Với tập huấn SGK, chúng tôi được giới thiệu về CT tổng thể, CT từng môn, từng phần, từng chủ điểm. Sau tập huấn mỗi môn đều có tiết dạy minh họa, giúp GV học được các kĩ năng, phương pháp, kĩ thuật dạy học phù hợp. Qua bồi dưỡng, chúng tôi cũng nắm được cách nhận xét, đánh giá HS theo quy định mới” - cô Chu Thị Lụa cho hay.

Tại Trường THCS Phan Đình Phùng (Ea Ô, Eakar, Đắk Lắk), GV được bồi dưỡng trực tuyến 3 mô-đun về CT giáo dục phổ thông 2018, tập huấn trực tuyến SGK 6 về nội dung môn học; được cung cấp tài liệu SGK 6 để lựa chọn bộ sách phù hợp. Theo thầy Phó Hiệu trưởng Cao Tiến Tuyến, qua các mô-đun, CT tập huấn, GV của trường đã nắm được cấu trúc của SGK, mạch kiến thức của từng môn; nắm vững các phương pháp dạy học và điểm mới trong kiểm tra đánh giá HS.

Tại Trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình, GV đã nghiên cứu SGK lớp 6, tham khảo các kế hoạch dạy học mà nhóm tác giả chia sẻ để tìm ra phương pháp phù hợp nhất cho mình. Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng thông tin: CT tập huấn được triển khai từ rất sớm, bắt đầu từ CT tổng thể, rồi tập huấn trực tuyến các mô-đun từ cuối năm 2020. NXB cũng triển khai  CT bồi dưỡng, tập huấn về SGK, trong đó có tiết dạy minh họa từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2021… Các hoạt động trên giúp GV hiểu rõ, nắm vững nội dung CT, SGK, cách thiết kế và tổ chức dạy học hiệu quả.

Tập huấn về SGK mới tại Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Tập huấn về SGK mới tại Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tiếp tục chuẩn bị hành trang

Để dạy học hiệu quả theo CT mới, cô Ngô Thị Huyến, Trường Tiểu học Thụy Sơn, Thái Bình cho rằng, mỗi GV cần tiếp tục đọc, nghiên cứu để hiểu thấu đáo về nội dung CT, SGK mới; chủ động tự học, từ trau dồi kiến thức chuyên môn. Cô Huyến mong muốn trong các buổi tập huấn, phần giảng giải lý thuyết của chuyên gia ngắn gọn hơn, có minh họa trích đoạn cụ thể nội dung bài dạy. Cùng với đó, có nhiều tiết dự giờ mẫu ở các địa phương, vùng miền khác nhau; có chuyên gia về trường dạy mẫu.

Ở vị trí lãnh đạo nhà trường, theo thầy Nguyễn Tiến Dũng, cần sớm có đủ SGK, sách GV, đầu tư trang thiết bị dạy học cho nhà trường đáp ứng yêu cầu của CT mới. Các tác giả viết SGK đã tích cực tương tác, trao đổi, chia sẻ với GV, điều đó rất hữu ích. Tuy nhiên, do thời lượng buổi bồi dưỡng có hạn, nên mong tác giả tiếp tục trao đổi, chia sẻ với thầy cô trong xây dựng kế hoạch giáo dục và thiết kế bài soạn, cũng như các video các bài dạy minh họa...

Góp ý cho CT bồi dưỡng, cô Chu Thị Lụa nhắc đến việc cần quan tâm đặc điểm vùng miền, phát triển giáo dục của từng địa phương; tăng cường bồi dưỡng về nhân cách, đạo đức sư phạm cho đội ngũ nhà giáo. Đồng thời, kết hợp 2 hình thức bồi dưỡng tập trung, bồi dưỡng trực tuyến để tăng kỹ năng thực hành cho GV.

Nhấn mạnh vai trò tự học, tự bồi dưỡng, cô Lụa cho rằng: GV cần nắm vững CT, SGK mới lớp 2; đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS; bồi dưỡng năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, đồ dùng, phương tiện dạy học; nắm chắc quy định kiểm tra, đánh giá HS tiểu học. GV cũng cần lập kế hoạch, chuẩn bị môi trường lớp học, giảng dạy với tinh thần trách nhiệm cao. “Để dạy học theo CT mới hiệu quả, thầy cô cần được trang bị đầy đủ thiết bị đồ dùng dạy học, học liệu điện tử phong phú, đa dạng” - cô Chu Thị Lụa chia sẻ.

Để đảm nhiệm giảng dạy CT mới, đặc biệt là môn học mới Khoa học tự nhiên, GV phải chuẩn bị rất nhiều việc. Trong đó có trau dồi nghiệp vụ sư phạm (bao gồm cả kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy); xây dựng phân phối CT, kế hoạch giáo dục của GV và kế hoạch bài dạy. Nhấn mạnh điều này, cô Cao Thu Hằng cũng lưu ý GV phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới, tiếp cận CT mới, từ đó chủ động thực hiện công việc được giao. 

“Bên cạnh CT tổng thể, chúng tôi mong được tập huấn chuyên sâu từng bài học, đơn vị kiến thức trong CT. Với đặc thù của môn khoa học thực nghiệm, chúng tôi cần được hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học. Trong quá trình giảng dạy, GV rất cần sự đồng hành từ nhà trường, sở/phòng GD&ĐT đội ngũ tác giả viết sách” - cô Hằng nêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ