Thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng
Khi tham gia Chương trình ETEP, nhà trường đã tiến hành tự đánh giá 12 chương trình đào tạo, trong đó đã tham gia đánh giá ngoài 3 chương trình đào tạo gồm: Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Địa lý và được công nhận đạt chuẩn chất lượng năm 2020. Là một trong 8 trường sư phạm/học viên tham gia Chương trình ETEP của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Lê Anh Phương – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cho biết:
Trường đã thành lập Hội đồng Đảm bảo chất lượng cấp trường và thành lập mạng lưới đảm bảo chất lượng đến cấp Khoa, Phòng, Trung tâm, Viện để thực hiện công tác đảm bảo chất lượng ở các đơn vị.
Hiện, nhà trường đã có những thay đổi như: tiến hành xây dựng chương trình đào tạo mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như những định hướng đào tạo nguồn nhân lực có thể hội nhập với quốc tế. Nhà trường xây dựng các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh: Sư phạm Toán học, Sư phạm Tin học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học và Giáo dục tiểu học.
Để đáp ứng được sự đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018, chương trình đào tạo đại học của nhà trường cũng có những thay đổi thông qua việc xây dựng chương trình đào tạo đại học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực. Chương trình mới này đang ở giai đoạn thẩm định cuối cùng và sẽ áp dụng từ năm học 2021 – 2022.
Về nghiên cứu phát triển đổi mới, PGS.TS Lê Anh Phương cho hay: Nhà trường thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh của giảng viên và có những chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học, góp phần thúc đẩy sự phát triển nghiên cứu khoa học của giảng, với 111 bài báo quốc tế năm 2020 tăng gấp 1,4 lần so với năm 2019; trong đó khoa học tự nhiên và kĩ thuật đạt 96 bài, khoa học xã hội nhân văn đạt 15 bài.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng thành lập nhóm nghiên cứu mạnh của sinh viên. Các nhóm nghiên cứu của giảng viên đã có những hợp tác, liên kết nghiên cứu với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước để thực hiện các đề tài như: dự án Trường học hạnh phúc là một trong những dự án tiêu biểu cho hợp tác quốc tế; Trung tâm INSA Valde Loire – Pháp mở chi nhánh chính thức tại Trường ĐH Sư phạm Huế; mở văn phòng đại diện của Trung tâm văn hóa Đại Loan tại Huế…
“Đây là kết quả của những nỗ lực mà chúng tôi thực hiện thông qua Chương trình ETEP cùng những nguồn lực khác của nhà trường” - PGS.TS Lê Anh Phương nói, đồng thời cho biết: Ngoài việc cơ sở vật chất được cải thiện; năng lực của đội ngũ cán bộ ngày càng được phát triển. Đặc biệt, tham gia bồi dưỡng giáo viên giúp năng lực giảng dạy của giảng viên được nâng cao.
Cho đi và nhận lại
Cho rằng, thông hoạt động bồi dưỡng giáo viên cốt cán các cấp học đã mang lại những giá trị tích cực đối với giảng viên chủ chốt ở trường sư phạm; cô Trần Thị Quỳnh Nga – giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) bày tỏ: “Chúng tôi hiểu biết sâu sắc hơn về chương trình, chiến lược giáo dục và định hướng nâng cao năng lực nghề nghiệp.
Đặc biệt, việc gắn kết kiến thức, kĩ năng ở từng mô đun với thực tiễn đặt ra yêu cầu đọc, xử lí thông tin một cách linh hoạt, khoa học, nhằm đảm bảo các đường hướng đổi mới từ Chương trình giáo dục phổ thông được chuyển tải một cách hiệu quả nhất, sát thực nhất, tinh gọn nhất”.
Theo cô Nga, bồi dưỡng giáo viên cốt cán giúp các đồng nghiệp tương tác chuyên môn. Với các “vòng tròn chia sẻ và kết nối”, giảng viên không chỉ “cho đi” những thông tin hữu ích mà còn được “nhận lại” vô số bài học quý giá cho nghề nghiệp, trao - nhận cơ hội để hợp tác và giao lưu học thuật.
Đặc biệt, thông qua tập huấn mô đun, giảng viên có điều kiện tương tác với mạng lưới giáo viên phổ thông ở nhiều tỉnh thành, xây dựng môi trường sư phạm tích cực, thống nhất được các quan điểm phát triển giáo dục trong bối cảnh mới. Nhiều group, nhóm kết nối được hình thành để chia sẻ nguồn học liệu, tư vấn chuyên môn.
Cũng theo cô Nga, cùng với quá trình tập huấn, giảng viên phát triển hơn các kĩ năng sư phạm như: kĩ năng giao tiếp, kĩ năng lắng nghe và nắm bắt nhu cầu bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp của giáo viên từ thực tiễn; kĩ năng chia sẻ cảm xúc và tạo động lực để giáo viên sẵn sàng cho quá trình đổi mới; kĩ năng tự điều chỉnh các hoạt động, phương pháp sư phạm, cách thức tập huấn phù hợp với từng đối tượng, nhóm đối tượng, khu vực...
“Chẳng hạn, một số giảng viên chủ chốt đã điều chỉnh nội dung, kế hoạch tập huấn một cách kịp thời khi nhận thấy giáo viên cốt cán ở một địa phương cụ thể cần được bổ trợ kiến thức cơ bản về Chương trình so với giáo viên ở các tỉnh, thành phố khác” – cô Nga dẫn giải.
Nhấn mạnh, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cốt cán cũng khắc họa rõ nét hơn cam kết đồng hành của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), của các cơ sở giáo dục đại học với nhà trường phổ thông trong hành trình đổi mới mà giảng viên chủ chốt chính là cầu nối đóng vai trò quan trọng và quyết định. Khi ý thức được điều này, giảng viên đã và sẽ trở nên có trách nhiệm nghề nghiệp hơn, vận hành các hoạt động đổi mới giáo dục một cách chuyên nghiệp hơn, thường xuyên hơn và với những chiến lược sư phạm rõ nét hơn.