Nhiều điểm mới trong bồi dưỡng
Ngày 23/11, Ban Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP) tổ chức “Tọa đàm về bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018” (trong khuôn khổ Chương trình ETEP).
Thông tin về chuyển đổi số trong bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trong khuôn khổ Chương trình ETEP, nội dung đầu tiên được TS Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Chương trình ETEP, chia sẻ là xây dựng và số hoá các khoá học, tài liệu bồi dưỡng.
Trước đây, tài liệu bồi dưỡng đa số là tài liệu giấy được sử dụng cho mô hình bồi dưỡng trực tiếp nên việc tiếp cận và chia sẻ tài liệu hạn chế, ít có các khoá bồi dưỡng trực tuyến (E-Course), hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.
Mô hình bồi dưỡng mới, Chương trình ETEP xây dựng, số hoá khoá học, tài liệu bồi dưỡng để đăng tải trên LMS, dành cho cả bồi dưỡng trực tuyến và bồi dưỡng trực tiếp kết hợp trực tuyến. Giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được tiếp cận tài liệu không hạn chế.
9 mô đun bồi dưỡng và 54 khóa học mở, tài liệu bồi dưỡng đã được xây dựng bởi các trường đại học sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục tham gia Chương trình ETEP; quy trình phát triển tài liệu chặt chẽ để bảo đảm chất lượng.
Cùng với tài liệu, mô hình bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cũng được triển khai mới với sự tương tác đa chiều, thường xuyên, liên tục, kết hợp trực tiếp và trực tuyến theo tiếp cận lớp học đảo ngược.
Cụ thể, bồi dưỡng kết hợp cho đội ngũ cốt cán (mô đun 1, 2, 3) được triển khai theo mô hình 5-3-7.
Trong đó, 5 ngày trực tuyến: học viên đọc tài liệu học tập, tự học dưới sự hướng dẫn của giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt. Hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên LMS trước khi học trực tiếp.
3 ngày trực tiếp: học tập trung, trực tiếp dưới sự hướng dẫn của giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt.
7 ngày trực tuyến: hoàn thành các bài tập kết thúc khoá học dưới sự hỗ trợ của giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt; hoàn thành kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp
Bồi dưỡng kết hợp cho đội ngũ cốt cán (mô đun 4, 5, 9) được thực hiện triển khai theo mô hình 7-2-7.
Trong đó, 7 ngày trực tuyến: học viên đọc tài liệu học tập, tự học dưới sự hướng dẫn của giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt; hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên LMS trước khi học trực tiếp.
2 ngày trực tiếp hoặc trực tiếp qua lớp học ảo: học tập trung, trực tiếp dưới sự hướng dẫn của giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt
7 ngày trực tuyến: hoàn thành các bài tập kết thúc khoá học dưới sự hỗ trợ của giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt; hoàn thành kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp.
Với giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đại trà được bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ, chuyển từ bồi dưỡng sang tự bồi dưỡng.
Một điểm mới đáng chú ý khác là về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trên LMS. Cách thức là kết hợp đánh giá đánh giá quá trình và đánh giá cuối kỳ. Báo cáo chiết xuất được thực hiện tự động để theo dõi tiến độ và kết quả học tập của học viên; trong đó có sự tham gia của người học vào khoá học trực tuyến; mức độ thường xuyên tương tác với giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán hoặc giảng viên chủ chốt; các điểm kiểm tra và bài tập cuối khoá được chấm theo rubric có sẵn.
Phản hồi tích cực từ đội ngũ
TS.Bùi Kiên Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, cho biết đã thực hiện phỏng vấn ngẫu nhiên giáo viên bồi dưỡng mô đun 4 tại Trường. Kết quả cho thấy thầy cô hài lòng cao về thiết kế và thời lượng chương trình bồi dưỡng 7 ngày tự học trên hệ thống LMS; tài liệu được thiết kế chi tiết, cụ thể về nội dung, nhiệm vụ học tập đến từng ngày và yêu cầu sản phẩm sau mỗi ngày bồi dưỡng.
2 ngày trực tiếp làm việc với giảng viên, học viên được củng cố và giải đáp kiến thức, làm rõ các nội dung cốt lõi của mô đun, đồng thời được hỗ trợ để đạt chuẩn đầu ra của mô đun.
7 ngày tiếp sau, học viên tiếp tục nghiên cứu các nội dung để hoàn thành các sản phẩm học tập, đáp ứng các yêu cầu cần đạt của mô đun.
Học viên cũng bày tỏ hài lòng cao với học liệu, hướng dẫn học viên tự học qua LMS do Chương trình ETEP cung cấp và hình thức/phương pháp hỗ trợ của giảng viên sư phạm chủ chốt. Giảng viên sư phạm chủ chốt luôn đề cao sự hợp tác, lấy người học làm trung tâm, đa dạng hóa hình thức dạy học trực tuyến và ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin rất hiệu quả.
“Có thể nói, công tác chuyển đổi số trong bồi dưỡng mô đun 4, mô đun 5 của Chương trình ETEP năm 2021 đã phát huy được lợi thế của công nghệ thông tin. Hình thức bồi dưỡng theo mô hình hỗn hợp (blended learning) đã giúp người học thay đổi phương pháp sang học chủ động, tự học, coi trọng việc thảo luận, phát trao đổi, chia sẻ trong giờ học trực tiếp qua lớp học ảo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và cá nhân hóa kế hoạch học tập của học viên” - TS Bùi Kiên Cường nhận định.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định: Để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, một trong những điều kiện tiên quyết là phải bồi dưỡng được đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục về phương pháp dạy học theo phát triển phẩm chất và năng lực. Đây chính là định hướng căn bản của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục trong công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông rong thời gian tới.
Đổi mới bồi dưỡng thường xuyên không có nghĩa là thay đổi hoàn toàn về nội dung bồi dưỡng, hình thức bồi dưỡng mới, mà có thể chỉ là triển khai nó theo một phương pháp mới, với một nhận thức mới, tư duy mới, qua đó đem lại những tín hiệu tích cực hơn.