Ý tưởng về Quỹ Đại học phi lợi nhuận Việt Nam
Để một trường đại học là phi lợi nhuận, theo ông Lê Trường Tùng, trước hết nó phải là một tổ chức phi lợi nhuận như nhiều tổ chức phi lợi nhuận khác.
Hiện nay, Việt Nam không có quy định riêng về các tổ chức phi lợi nhuận, nên cũng chưa có nền tảng pháp lý rõ ràng cho việc này. Việc thiếu một khung pháp lý mạch lạc chính là một trong các nguyên nhân hạn chế tiến trình hình thành các trường đại học tư phi lợi nhuận từ các nguồn quyên góp, hiến tặng.
“Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam hiện không ít người có tài sản cá nhân hàng trăm triệu USD, và tôi tin rằng không thiếu người có tâm với giáo dục” - Hiệu trưởng Trường ĐH FTP khẳng định.
Nhiều ý kiến cho rằng khung pháp lý hiện nay không hỗ trợ cho việc thành lập và hoạt động của một trường đại học phi lợi nhuận đúng nghĩa.
Tuy nhiên, ông Tùng cho biết, xem kỹ lại các quy định pháp lý hiện nay của Việt Nam, nếu biết khéo vận dụng cũng đủ để thành lập một trường đại học phi lợi nhuận đảm bảo đồng thời các mong muốn:
Có cơ chế huy động các khoản đóng góp, hiến tặng và các khoản này của tổ chức, cá nhân đều được miễn thuế; hoạt động là phi lợi nhuận thực sự, không có cơ chế chia lợi nhuận cho cổ đông;
Có cơ chế quản lý theo dạng Hội đồng bình đẳng, dân chủ; tài sản của trường được quản lý không thể bị tư nhân hóa, thậm chí ngay cả khi giải thể trường vì một lý do nào đó; có nền tảng để phát triển với định hướng tốt và bộ máy lãnh đạo, lực lượng giảng viên tâm huyết.
Phương thức để thực hiện việc này là thành lập một Quỹ Xã hội - chẳng hạn với tên gọi là “Quỹ Đại học phi lợi nhuận Việt Nam”.
Quỹ sẽ được thành lập theo Nghị định 30/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức hoạt động của các quỹ xã hội. Tiền có thể do cá nhân, tổ chức đóng góp, hiến tặng - với mục tiêu ban đầu là đủ để thành lập một trường đại học và đưa vào hoạt động.
Tiền đóng góp, hiến tặng cho Quỹ Đại học phi lợi nhuận sẽ là chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo Khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTT, và miễn thuế thu nhập cá nhân theo Khoản 3 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTT.
Các khoản lợi nhuận của quỹ (nếu có) sẽ không chia cho những người đóng góp quỹ (điều 4 Nghị định 30/2012/NĐ-CP), và sau này nếu vì lý do gì đó mà quỹ giải thể thì tài sản sẽ thuộc về xã hội (điều 39 Nghị định 30/2012/NĐ-CP).
Quỹ có Hội đồng Điều hành do những người sáng lập quỹ bầu ra, và Hội đồng tiếp theo sẽ do những người sáng lập hoặc hội đồng nhiệm kỳ trước giới thiệu (Điều 23 Nghị định 30/2012/NĐ-CP).
Dự kiến sau một năm vận động, Quỹ sẽ đủ tiền để đứng ra thành lập trường ĐH và đóng vai trò cổ đông duy nhất.
Trường ĐH này sẽ không phải nộp thuế trong quá trình hoạt động vì mọi lợi nhuận nếu có đều không chia cho ai và được giữ lại để phát triển trường (Điều 66, Luật Giáo dục Đại học). Quỹ sẽ thành lập ra Hội đồng Quản trị của trường ĐH, và Hội đồng Quản trị trường ĐH sẽ lựa chọn Hiệu trưởng.
Việt Nam có thể thành lập một trường ĐH thực sự phi lợi nhuận
Tuy nhiên, để thành lập được Quỹ này, ông Lê Trường Tùng cho rằng có một số rào cản. Một trong số những rào cản đó là quy định mỗi trường đại học tối thiểu phải do 3 cổ đông góp vốn.
Để Quỹ có thể thành lập trường đại học với một cổ đông duy nhất, ông Lê Trường Tùng đề nghị Chính phủ bỏ đi quy định này trong Quy chế đại học tư thục, hoặc Quỹ sẽ “lách luật” bằng cách thành lập ra 3 tổ chức và 3 tổ chức này góp vốn thành lập trường.
Thay cho ngồi chờ đợi một hành lang pháp lý, thay cho việc tranh luận về ĐH lợi nhuận và phi lợi nhuận, thay cho việc ngồi mơ về một ĐH Havard, một ĐH Stanford Việt nam - nên chăng là cùng nhau bắt tay vào hành động.
Cũng theo quy định hiện nay, mỗi trường ĐH để được thành lập cần có vốn 250 tỷ đồng. Để trường phi lợi nhuận sớm hoạt động, ông Tùng đề nghị Chính phủ cho phép hoạt động với số vốn 5 năm đầu theo định mức đầu tư 100 triệu đồng/sinh viên và sẽ tăng vốn theo tiến độ tăng sinh viên…
Hiệu trưởng Trường ĐH FPT cũng bày tỏ: Sẽ là rất là khích lệ nếu mỗi một đồng huy động cho Quỹ Đại học phi lợi nhuận này được nhà nước cam kết góp thêm một đồng. Đã có người cam kết sẽ huy động 2,5 tỷ đồng cho quỹ này nếu nhà nước góp thêm 2,5 tỷ - đủ số tiền tối thiểu ban đầu là 5 tỷ để thành lập Quỹ theo Điều 12 Nghị định 30/2012/NĐ-CP.
Cũng sẽ rất khích lệ nếu có địa phương nào đồng ý cấp đất sạch cho trường ở vị trí phù hợp. Cũng sẽ là rất khích lệ, nếu như thay cho việc huy động đóng góp rộng rãi, trước mắt có một cá nhân nào đó góp một khoản đủ lớn để thành lập trường.
Cá nhân này có quyền đặt tên cho Quỹ, đặt tên cho Trường, và tên này sẽ không thay đổi trong quá trình hoạt động sau này nếu không được cá nhân hoặc người được thừa kế, ủy quyền của cá nhân này đồng ý.
Để vận hành trường cần các cán bộ có tâm, có tầm. Một trường ĐH thực sự phi lợi nhuận có định hướng hoạt động tốt, nền tảng tài chính vững vàng sẽ là nơi thu hút tập hợp các cán bộ quản lý và giảng viên có năng lực.
“Đã từng tham gia thành lập và xây dựng ĐH FPT và với sự lớn mạnh của ĐH FPT hiện nay, tôi nghĩ mình có thể bàn giao vị trí lãnh đạo ĐH FPT cho người khác để tham gia xây dựng Quỹ, xúc tiến các thủ tục thành lập và tham gia Ban lãnh đạo nhiệm kỳ đầu của trường ĐH Phi lợi nhuận này nếu như được Quỹ tín nhiệm" - Ông Lê Trường Tùng bày tỏ.