Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn các trường ĐH, CĐ “xông vào làm”

GD&TĐ - Tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ năm 2014 do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng nay (15/8), nhấn mạnh đến dự Hội nghị với tư cách một người dân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã mang đến những tâm tư, nguyện vọng mà người dân gửi gắm ngành Giáo dục, các nhà trường ĐH, CĐ và nhắn nhủ: “Ta có nhiều văn bản, nhiều chỉ đạo, giờ phải theo tinh thần xông vào làm để tháo gỡ các vướng mắc.”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh niên
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh niên

Phó Thủ tướng và những mong muốn với tư cách một người dân

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã mang đến ba câu hỏi với mong muốn sau hội nghị sẽ có những giải đáp thấu đáo, cụ thể.

Thứ nhất, hình dung về việc phân tầng, xếp hạng trong hệ thống giáo dục. Phó Thủ tướng chia sẻ: Phụ huynh luôn có câu hỏi: Con tôi, cháu tôi học trường nào là phù hợp nhất? Học trường nào ra có việc làm, có thu nhập? Học trường nào ra trường có cơ hội học tiếp?...

Những câu hỏi này chính là hình dung về hệ thống giáo dục sau này thế nào, các trường xếp hạng ra sao. Vừa qua, Việt Nam cũng có trường ĐH lọt bảng xếp hạng quốc tế. Đây là điều đáng vui mừng.

Thứ hai, vấn đề đầu tư, quản lý các trường ĐH.

Phó Thủ tướng phân tích: Cả người dân và nhà đầu tư đều biết đầu tư vào GD ĐH nói chung, GD dạy nghề nói riêng luôn lớn và luôn rất thiếu. Bằng chứng là nhiều người muốn vào ĐH, nhiều người đi học nước ngoài.

“Nhu cầu thị trường rất lớn, nhưng đầu tư thì rất thiếu. Làm sao để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư? Làm sao để các trường công sử dụng tiền dân đóng góp hiệu quả hơn? Trả lời câu hỏi này ta cần thảo luận nội dung tự chủ thế nào.

Làm sao để cho phép, khuyến khích tự chủ thế nào để đảm bảo công bằng, để trường công cũng là trường của XH, nhưng quản lý hiệu quả như trường tư; Trường tư cùng với việc quản lý hiệu quả thì làm sao được coi như trường công của cộng đồng?” – Phó Thủ tướng chia sẻ.

Câu hỏi thứ ba được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu lên, đó là những thảo luận về đổi mới thi cử.

Theo Phó Thủ tướng, có 4 vấn đề người dân quan tâm: Thứ nhất, thi để học và đảm bảo thi rõ ràng, thi cái gì, thi như thế nào? Thứ hai, thi làm sao để đảm bảo công bằng. Thứ ba, đổi mới thi thế nào để bớt nhiêu khê nhất, dân bớt vất vả. Cuối cùng và rất quan trọng, đó là Nhà nước tổ chức thi thế nào để con cháu có động lực học.

“Trong rất nhiều câu hỏi, tôi chuyển đến hội nghị 3 vấn đề người dân quan tâm nhất, mong Hội nghị thảo luận cụ thể. Những vấn đề Bộ GD&ĐT đưa ra đã đi sâu vào các nội dung này, làm sao sau Hội nghị, ta giải đáp được thắc mắc của dân. Đấy cũng là mong muốn của tôi với tư cách là một người dân” - Phó Thủ tướng chân tình chia sẻ.

Làm rõ cơ cấu hệ thống giáo dục sau THPT

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu từ lãnh đạo các trường ĐH, CĐ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo cần bàn thảo để làm sao cơ cấu hệ thống giáo dục sau THPT không còn rắc rối, dễ  hiểu hơn. Cụ thể: Xác định bậc trung cấp như thế nào? Hệ cao đẳng ra sao? Liên thông thế nào, làm sao cho giống quốc tế?...

Cùng với đó là việc xếp hạng, kiểm định các trường ĐH. Căn cứ xếp hạng, ai kiểm định, ai đánh giá - là câu chuyện liên quan đến vai trò của hiệp hội, của các tổ chức độc lập. Cần bàn kỹ việc xếp hạng, kiểm định, nên để các cơ quan độc lập làm hay để bộ, chính phủ làm…

“Xu hướng không nên để Bộ GD&ĐT làm việc này. Hiệp hội khác với CLB hiệu trưởng - chỉ là cá nhân các hiệu trưởng. Hiệp hội là các tổ chức. Ta bàn việc này cũng để trả lời cho nhân dân. Với tinh thần trách nhiệm cao,  ta sẽ làm tiếp việc này, đưa ra bàn trong Ủy ban đổi mới GD quốc gia, chính thức đưa lên cơ cấu hệ thống hệ thống Giáo dục sau THPT” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.

Muốn tự chủ, việc đầu tiên phải không xin Ngân sách!

Lấy ví dụ về các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhớ lại 20 năm trước đây chỉ có doanh nghiệp nhà nước. Sau đó cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát triển. Cũng phải trải qua nhiều lần sửa các luật có liên quan để tạo môi trường - chưa phải tuyệt đối - nhưng tạo ra thị trường bình đẳng hôm nay.

Phó Thủ tướng  phân tích: Lĩnh vực giáo dục không đơn giản như các doanh nghiệp. Nhưng rõ ràng phải tính cơ chế quản lý làm sao trường công nhưng quản lý như một doanh nghiệp, hiệu quả như doanh nghiệp. Phi lợi nhuận hay lợi nhuận là tùy theo cách nói. Bất cứ tổ chức công hay tư đều tính thu - chi đầu vào, đầu ra tính lãi. Vấn đề là lãi để chia cổ tức hay tái đầu tư.

Nhà nước đầu tư nhiều tiền của, đất đai để các nhà trường ĐH có ngày hôm nay. Giờ làm đúng tinh thần tự chủ để từ giờ, chúng ta không cần “bầu sữa” đó nữa. Muốn tự chủ được, việc đầu tiên là phải mạnh dạn không xin ngân sách.

“Tôi khẳng định ta sẽ làm được theo tinh thần tự chủ này. Thực tế đã có 4 trường xin tự chủ. Đề nghị Bộ GD&ĐT quyết liệt việc này. Nếu có thể được, sớm đưa ra Chính phủ, cân nhắc giao cho các trường quyền tự chủ về mặt tài chính, nhân sự, chương trình đào tạo, đi kèm điều kiện đó là mức học phí. Cần có những động viên cho các trường dũng cảm tham gia sớm, tiến tới toàn bộ hệ thống đều làm như vậy” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Từ vấn đề nội dung tự chủ của các trường ĐH, sang câu chuyện giải quyết vướng mắc các trường tư thục, Phó Thủ tướng cho rằng hai bên phải cùng thi đua. "Đây là điểm cốt tử của GD ĐH, CĐ. Giáo dục liên quan đến nhân dân, chúng ta phải quyết tâm làm, có lộ trình, có hướng đi phù hợp" - vị lãnh đạo Chính phủ nhắn nhủ.

Hiện Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện để ban hành dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 43/2006/NĐ-CP về đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có giáo dục, y tế, văn hóa xã hội, khoa học...) trên tinh thần khuyến khích và hướng tới các đơn vị sự nghiệp công lập phải hạch toán tự chủ như  doanh nghiệp.

Căn cứ vào Nghị định khung này, Phó Thủ tướng yêu cầu, ngành Giáo dục phải nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn các trường để có thể áp dụng ngay đối với các trường đã đăng ký xin tự chủ cũng như mở rộng, khuyến khích các trường khác.

“Hai vai” của kỳ thi THPT quốc gia

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhân dân mong những thông tin rõ ràng về kỳ thi THPT quốc gia. Chính phủ đã yêu cầu, Bộ GD&ĐT đang thực hiện việc công bố rõ ràng, công bố sớm thông tin thi cử trước khi khai giảng năm học mới.

Nhấn mạnh lại ý kiến đã trình bày tại Hội nghị, Phó Thủ tướng phân tích: Đây là một kỳ thi quốc gia, kỳ thi này để làm căn cứ xét tốt nghiệp phổ thông và làm căn cứ cho các trường ĐH, CĐ làm công tác tuyển sinh trên tinh thần tự chủ. Thi môn gì chưa quan trọng bằng đảm bảo kỳ thi trung thực, khách quan, bớt nhiêu khê nhất cho người dân, khuyến khích con cháu ham học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có phân tích rất đáng chú ý về “hai vai” của kỳ thi THPT quốc gia. Đó là vì kỳ thi có hai mục tiêu, vừa căn cứ xét tốt nghiệp phổ thông, vừa là căn cứ để xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng tự chủ. Nhưng nếu tổ chức thi tốt, các trường sẽ căn cứ vào kết quả này là chính, không phải tổ chức tuyển sinh riêng.

“Cần tính toán kỹ trong giai đoạn trước mắt, vế của kỳ thi này nên thiết kế làm sao để làm căn cứ đáng tin cậy cho kỳ thi ĐH. Lâu dài, khi ĐH tốt lên, các trường tự chủ, siết đầu ra, thì như thế giới cứ tốt nghiệp  phổ thông thì ghi danh đại học, lúc đó vai của nó là kỳ thi tốt nghiệp THPT” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Xem phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.